Chia sẻ trách nhiệm

NAM KHA 26/05/2023 08:09

HĐND tỉnh giao chỉ tiêu tổng thu nội địa 20.800 tỷ đồng cho năm 2023, bình quân mỗi tháng phải thu ít nhất 1.700 tỷ đồng mới có thể hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, đến 30/4/2023 (chưa có con số thống kê 5 tháng), tổng thu nội địa chỉ đạt 30,43% dự toán (hơn 6.354,5 tỷ đồng), bình quân mỗi tháng chỉ đạt hơn 1.500 tỷ đồng.

Tiến độ thu đang có xu hướng giảm dần khi lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường tiếp tục gia tăng (gần 1.000 doanh nghiệp) và số doanh nghiệp kỳ vọng vào sự phát triển sản xuất, kinh doanh trong vài tháng tới chỉ chiếm khoảng 40%.

Chỉ tính riêng số thuế VAT sẽ tiếp tục giảm 2% theo chủ trương của Trung ương thì chỉ 6 tháng đầu năm 2023 sẽ giảm khoảng 975 tỷ đồng, đồng nghĩa ngân sách nhà nước địa phương cũng sẽ giảm thu chừng ấy. Cơ quan thuế tính toán, một khi nền kinh tế chưa được vực dậy, có thể ngân sách địa phương sẽ hụt thu hơn 3.000 tỷ đồng.

Nỗ lực hành thu để bù đắp ngân sách thiếu hụt luôn là điều “căng thẳng” của cơ quan thuế. Công cụ được sử dụng để tăng thu chính là thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp mà việc chống gian lận hóa đơn, tránh thất thu thuế là một phần trong kế hoạch này.

Cho dù, các khoản thu được từ việc chống thất thu này không thể bù đắp tình trạng hụt dự toán, nhưng cũng góp phần gia tăng tính minh bạch và bình ổn thị trường. Tuy nhiên, kế sách này cũng không dễ thực hiện.

Quản lý thuế đã có hệ thống phân tích dữ liệu rủi ro về hóa đơn. Cơ quan thuế sẽ rà soát, lên danh sách giám sát doanh nghiệp nào có dấu hiệu gian lận để kiểm tra, xác minh. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn dựa vào việc mua hàng hóa phải lấy hóa đơn từ người dân.

Không có điều luật nào buộc người dân phải lấy hóa đơn hoặc tra cứu, đối soát, phát hiện hóa đơn không hợp pháp khi mua hàng mà chỉ là khuyến khích cùng ngành thuế quản lý doanh thu kinh doanh của doanh nghiệp, chống gian lận thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, văn minh hơn.

Lấy hay không lấy hóa đơn khi mua hàng vẫn là quyền lựa chọn của người dân. Vì vậy, nếu không được sự giúp đỡ, không có sự cộng lực từ các cơ quan quản lý nhà nước và người dân thì việc “thu đúng, thu đủ” rất khó thực hiện.

Không còn cách nào khác, ngành thuế phải tạo dựng được lòng tin từ người dân và doanh nghiệp. Xác tín rằng, ý thức tự nguyện đóng góp cho ngân sách nhà nước của người dân là điều quan trọng vì áp lực ngân sách bao giờ cũng nặng nề.

Nhưng, để kích thích doanh nghiệp, người dân tự nguyện nộp thuế thì các cơ quan công quyền cần tạo ra sự minh bạch. Người dân phải được biết tiền thuế của họ đóng góp được dùng vào việc gì, sử dụng chính đáng, hiệu quả trong việc kiến tạo, phát triển địa phương hay không. Một khi niềm tin này được xác lập thì không lý do gì người dân không chia sẻ trách nhiệm cùng địa phương để ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn, gian lận thuế!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chia sẻ trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO