Hoạt động tình nguyện vì cộng đồng chưa bao giờ cũ, “thương hiệu” này của tuổi trẻ đã tạo ra con đường ngày càng sáng rộng hơn.
Anh Thái Bình - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam trao tặng quà cho người dân vùng cao. |
“Có thể nói hoạt động thanh niên tình nguyện là hoạt động không ngừng sáng tạo, không chỉ ngoài ý nghĩa chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng mà còn để “con đường thanh niên” phải tạo dựng nên không là lối mòn” - Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình đã khẳng định như vậy khi trao đổi nhân Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26.3.
- Tháng Ba luôn được gắn với thanh niên, đâu là những dấu ấn đặc biệt trong tháng này, thưa anh?
- Đây là Tháng thanh niên trong Năm thanh niên tình nguyện với chủ đề chung “Tuổi trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị và nghĩa tình biên giới”. Nếu chỉ tính riêng trong tháng Ba, nhiều hoạt động đã thực hiện là hành trình “Nghĩa tình tuổi trẻ và biên giới” về xã La Êê, Chơ Chun huyện Nam Giang vào ngày 6 - 8.3, chương trình “Hành quân về nguồn” như truyền thống hằng năm, khánh thành khu sinh hoạt truyền thống thanh thiếu nhi Nước Oa, gặp mặt cựu cán bộ Đoàn, cựu thanh niên xung phong khu V thời kỳ kháng chiến…
Ở cơ sở, những nội dung hoạt động cho Tháng hành động cao điểm được chuẩn bị khá chu đáo và chủ động. Điều đó đã được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đánh giá qua phiên giao ban 3 cụm thi đua vừa rồi. Một số cơ sở đã lựa chọn những phần việc cụ thể, đáp ứng nhu cầu bức bách của xã hội, gắn trực tiếp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Thanh niên tham gia khai hoang, phục hóa đồng ruộng; bóc xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép; khám bệnh phát thuốc cho người nghèo, hiến máu tình nguyện, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông... Một tín hiệu mới trong xây dựng tổ chức, đó là đã thành lập được một số tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
- Bàn về tính chủ động của thanh niên, từ góc độ của một thủ lĩnh thanh niên, anh đánh giá thế nào về tinh thần người trẻ với các hoạt động tình nguyện hiện nay?
Thực tiễn từ phong trào, tính nhân văn của các hoạt động tình nguyện có sức hút nhất định. Rất nhiều người trẻ đã trưởng thành từ phong trào tình nguyện. Và điểm thành công nhất của hoạt động tình nguyện chính là nơi để thanh niên tự tìm tới, thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm cùng chia sẻ với cộng đồng và xem đây là môi trường rèn luyện. Mỗi khi tham gia hoạt động tình nguyện, các bạn đều thể hiện thái độ lao động tích cực.
Như đã nói ở trên, dấu ấn của phong trào tình nguyện không chỉ thể hiện bằng những con số cụ thể từ lực lượng tham gia, giá trị công trình, phần việc thực hiện mà quan trọng hơn, đó còn thật sự là môi trường rèn luyện, giáo dục đạo đức, bản lĩnh chuyên môn, kiến thức, kỹ năng thực hành xã hội cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN).
- Nhưng đâu đó sức lan tỏa cộng đồng vẫn chưa cao, khá nhiều người trẻ thờ ơ...?
- Đúng là có thực tế đó tại một số địa bàn. Đã không ít lần, thanh niên ở các địa bàn đóng chân thờ ơ với việc của chính mình. Có nhiều nguyên nhân như Đoàn thanh niên tại địa bàn chưa làm tốt việc vận động thanh niên; hình thức, cách thức tổ chức hoạt động của Đoàn còn nghèo nàn, chưa thực sự có sức hút đối với người trẻ...
Vì vậy vấn đề đặt ra là phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng đối ứng (thanh niên tại chỗ), của người dân địa phương - đối tượng thụ hưởng các sản phẩm, công trình, kết quả của phong trào tình nguyện để lại. Đã đến lúc, không chỉ bàn về cách thức thực hiện hoạt động tình nguyện của thanh niên mà ở từng địa bàn, địa phương, ĐVTN và người dân ở đó cũng phải được trang bị “cách thụ hưởng” một cách có trách nhiệm. Theo tôi, quan trọng nhất là thanh niên tham gia các chiến dịch tình nguyện phải làm nên “chất men” xúc tác, cổ vũ, vận động thanh niên địa phương và nhân dân tại chỗ cùng hưởng ứng, tổ chức, tham gia các hoạt động xã hội phục vụ địa phương và giữ gìn, phát huy giá trị các công trình tình nguyện.
- Vậy đứng từ góc độ thiết kế và tổ chức phong trào, chúng ta sẽ làm gì để cải thiện dần những hạn chế đó?
- Cái khó hiện nay trong phong trào tình nguyện là việc tìm kiếm mô hình mới, hướng đi mới để tạo cảm hứng mới cho ĐVTN và nhân dân. Đó là lý do vì sao hoạt động này không được phép trở thành lối mòn! Một số đơn vị xã hội hóa được phong trào, nâng chất lượng tình nguyện bằng các đội hình chuyên, các chương trình sát với nhiệm vụ tại địa bàn. Còn lại, nhiều đơn vị khác thì cũng chỉ lặp đi lặp lại vài hoạt động để xem như cho có phong trào như thu gom rác, dọn vệ sinh, văn nghệ… Đấy là những thực tế đòi hỏi phải nhìn nhận và tìm kiếm giải pháp khắc phục.
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay, đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động tình nguyện. Bằng chứng là qua mạng xã hội, ĐVTN trên địa bàn dân cư đã liên kết và hình thành những nhóm tình nguyện và làm được nhiều việc cho cộng đồng. Đây cũng là kênh tình nguyện mà các cấp bộ Đoàn cần nắm bắt và định hướng triển khai trong thời gian đến. Với ĐVTN trong trường học, cần chú trọng hoạt động tình nguyện theo phương thức đội hình chuyên.
Chiến dịch tình nguyện trong giai đoạn mới phải phát huy được sức mạnh hệ thống của toàn thể cơ sở đoàn, tranh thủ nguồn lực xã hội hóa. Đồng thời đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc để đổi mới, nâng chất, đề ra những giải pháp, mô hình hoạt động hiệu quả. Đây là điều không chỉ những người làm công tác phong trào - cán bộ đoàn cần quan tâm suy nghĩ mà cần sự đồng lòng của toàn xã hội.
- Xin cảm ơn anh!
ANH TRÂM (thực hiện)