(QNO) - Sáng nay 22/10, tại Quảng Nam, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích”.
Đây được xem là một diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia… chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và công bố những công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích, đặc biệt là các kiến trúc đền tháp Champa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Hội thảo ghi nhận hơn 20 tham luận, ý kiến đến từ đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương có di tích đền tháp Chăm; các đơn vị chuyên ngành hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di tích; các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học…
Qua đó, tập trung thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn như: Thực trạng các vấn đề về quản lý bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích; kỹ thuật và công nghệ bảo quản vật liệu gạch, đá hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới; một số định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ hóa học và bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích; khả năng áp dụng cụ thể của các công nghệ, giải pháp, sản phẩm bảo quản các nhóm vật liệu gạch, đá trong di tích...
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, dự kiến chiều nay 22/10 các đại biểu tham quan thực tế một số kết quả ứng dụng thử nghiệm trong bảo quản bề mặt vật liệu tại di tích tháp Chăm Chiên Đàn (Phú Ninh) và tháp E7, B4 khu di tích Mỹ Sơn.
Theo Viện Bảo tồn di tích, kết quả của hội thảo được kỳ vọng sẽ đóng góp những cơ sở lý luận khoa học và ứng dụng thực tiễn nhằm tăng cường nhận thức, nâng cao hiệu quả, kết nối hợp tác, phát huy khả năng ứng dụng công nghệ hóa học để bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn của vật liệu di tích trong công tác bảo quản hiện nay và tương lai.