Chia sẻ với phụ nữ

ANH ĐÔNG (ghi) 20/10/2016 08:47

Nhiều năm qua, công tác chăm lo cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành tiếp tục quan tâm; tuy nhiên vẫn còn đó những vấn đề khiến nhiều chị em trăn trở. Bên thềm Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII (kết thúc hôm qua 19.10), phóng viên Báo Quảng Nam đã có những cuộc trao đổi, ghi nhận chia sẻ của các chị nhân ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20.10.

Phụ nữ dân tộc thiểu số Quảng Nam biểu dương lực lượng tại một lễ hội của tỉnh.  Ảnh: T.S
Phụ nữ dân tộc thiểu số Quảng Nam biểu dương lực lượng tại một lễ hội của tỉnh. Ảnh: T.S

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Trương Thị Lộc: “Cần mạnh dạn đề bạt và bổ nhiệm nữ cán bộ lãnh đạo”

Cán bộ nữ, ngoài nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị còn bị chi phối bởi gánh nặng gia đình, sinh đẻ, nuôi con. Và phụ nữ cũng dễ dàng chấp nhận hy sinh nhiều thứ để chăm lo cho gia đình, trong đó có chuyện học tập nâng cao trình độ. Đây cũng chính là một trong những cản trở đến sự thăng tiến của phụ nữ trong xã hội. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới trên lĩnh vực tham chính, các cấp ủy và chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc bố trí, sắp xếp đề bạt, bổ nhiệm nữ cán bộ lãnh đạo. Đồng thời gắn chặt giữa công tác quy hoạch, đào tạo và đề bạt bổ nhiệm; cần có quy định cụ thể trong các cơ quan, đơn vị, địa phương phải cơ cấu cán bộ lãnh đạo là nữ, các cơ quan đơn vị có từ 2 cấp phó trở lên phải có một người là nữ. Hội LHPN các cấp cũng cần chủ động, tích cực tham mưu, giới thiệu tạo nguồn cán bộ nữ cho Đảng; nắm bắt tình hình tư tưởng, hỗ trợ, động viên cán bộ nữ khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Núi Thành - Võ Thị Kim Hoa: “Quan tâm, tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên”

Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên trên địa bàn tỉnh nói chung, ở miền biển và vùng tái định cư nói riêng. Chị em trẻ tuổi hầu hết có việc làm ổn định nhờ vào sự ra đời, hình thành của các khu - cụm công nghiệp; nhưng còn rất nhiều phụ nữ tuổi trung niên không có việc làm ổn định. Tuổi lớn, không có nghề, không còn đất sản xuất vì đã nhường cho dự án, ở miền biển thì thời tiết thay đổi thất thường, nhiều chị em phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư những mô hình mới, như mô hình về du lịch, làng nghề truyền thống… tạo điều kiện cho chị em lớn tuổi có công ăn việc làm.

Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Hòa (Phước Sơn) - Hồ Thị Thiên: “Nguồn lực đầu tư cho miền núi còn dàn trải”

Do đặc thù miền núi, người dân nói chung còn hạn chế về mặt trình độ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trong khi các nguồn lực đầu tư từ các chính sách của Nhà nước còn dàn trải dẫn đến hiệu quả chưa cao. Theo tôi, nếu muốn hiệu quả, cần phải đầu tư tập trung, xác định theo từng nhóm đối tượng, dựa vào nhu cầu thực tế của họ để có chính sách phù hợp, tạo nguồn lực giúp người dân, hộ phụ nữ nghèo có điều kiện thoát nghèo và tránh tái nghèo. Về phía hội phụ nữ, chúng tôi với vai trò, trách nhiệm của mình sẽ sâu sát vận động hội viên cũng như các gia đình trên địa bàn tự nhận thức vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng chúng tôi rất cần chính sách sát thực làm nền tảng để có thể tự vươn lên.

Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Tam Kỳ -  Nguyễn Thị Kim Yển: “Phải xử lý nghiêm hành vi bạo hành với phụ nữ”

Từ thực tiễn phong trào phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố đã có nhiều nỗ lực để làm tốt nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc”, nhất là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ yếm thế trong xã hội. Tuy nhiên, một vấn đề mà chúng tôi luôn trăn trở, và cần sự chung tay của toàn xã hội, đó chính là công tác phòng chống bạo lực gia đình. Ở đâu đó hàng ngày vẫn xảy ra tình trạng bạo hành trong nhiều gia đình, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Chúng tôi mong có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, một vấn đề mà chúng tôi lo lắng đó là việc thực thi Luật Phòng chống bạo lực gia đình chưa được quan tâm đúng mức, chưa xử lý nghiêm đối tượng vi phạm nên chưa đủ sức răn đe…

Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Giang - Zơ Râm Thị Nhung: “Tăng cường công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe phụ nữ”

Đời sống nhân dân ở miền núi đã thay đổi, phát triển hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn mang tính đặc thù, cần có thời gian để giải quyết. Điều kiện đi lại còn khó khăn, trong khi nhận thức của phụ nữ miền núi còn hạn chế nên hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ còn những bất cập nhất định. Chúng tôi mong nhận được nhiều hơn nữa sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan trong tổ chức truyền thông về chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Cần có sự quan tâm nhiều hơn đến cán bộ làm y tế thôn bản, bởi hầu hết đội ngũ này là phụ nữ, để họ có động lực tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, vận động chị em chấp hành chính sách dân số, thường xuyên đến cơ sở y tế khám sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Trên địa bàn Nam Giang còn một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ những tập tục, thói quen truyền thống không phù hợp trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bà mẹ mang thai… Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ sẽ tiếp tục tuyên truyền để loại bỏ dần hủ tục, và chúng tôi rất cần có những sự phối hợp hiệu quả của mỗi cá nhân, tập thể.

ANH ĐÔNG (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chia sẻ với phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO