(QNO) - Cối xay bột từng là vật dụng gắn bó mật thiết với người dân xứ Quảng. Cối dùng để xay bột gạo tráng bánh tráng, tráng mỳ lá, đúc bánh xèo, đổ bánh bèo, làm bánh gói, bánh nậm...
Ngày trước, muốn làm mấy loại bánh trên, phải chịu khó ngâm gạo, xay bột. Để có được các loại bánh ngon phụ thuộc rất lớn ở khâu xay bột. Xay làm sao cho bột mịn, nước và bột phải quyện, không loãng cũng không đặc. Ai chưa từng xay, không biết cách nắm cán cối xay, sẽ dễ bị đau tay. Muốn nhẹ tay thì hai người cùng xay, người tay trên, người tay dưới, nhịp nhàng quay đều.
Thời xưa, phụ nữ nào cũng biết làm bánh, bởi muốn ăn gì cũng phải tự tay làm. Nhớ mỗi khi thèm mỳ Quảng, chỉ cần thỏ thẻ với mẹ, thể nào mẹ cũng đứng dậy ngâm bột, mẹ nhờ ba bắt cho con gà, lấy giùm mớ củi đun, tìm cái búp chuối. Trong khi chờ ngâm bột, mẹ sửa soạn lại lò tráng bánh, rồi chạy vội ra vườn hái mớ rau. Mấy chị em tôi háo hức phụ mẹ xay bột, làm rau sống, nước mắm. Tôi nhỏ nhất nhà nên được bắt ghế ngồi xem chị xay bột, để đợi đến khi gạo trong cối vơi, thì múc gạo từ thau đổ vào cối.
Khi bột xay xong, mẹ bắt đầu tráng mỳ và phụ trách cả nồi nước nhưn. Mỳ Quảng tự chế biến tại nhà lúc nào cũng ngon, có lẽ vì nguyên liệu cây nhà lá vườn và mọi người cùng phụ việc, vừa cho cảm giác đầm ấm, vui vẻ. Ngày trước, mẹ cũng chịu khó làm bánh gói, bánh nậm, bánh xèo để thay đổi khẩu vị. Dường như tháng nào mẹ tôi cũng dùng đến chiếc cối xay bằng đá ấy. Vào mùa gặt, chiếc cối càng phát huy tác dụng, vì mẹ thường làm mỳ Quảng, hoặc đổ bánh bèo để đãi thợ gặt, thợ cấy “uống nước nửa buổi”. Cối xay bột trở thành một nét văn hóa, một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân nông thôn.
Ngày nay, ít ai dùng cối xay bột, vì cái gì cũng được bày bán, từ mỳ Quảng xắt sẵn, bánh nậm, bánh bèo, bánh xèo, mua lúc nào cũng có. Nếu muốn làm bánh tại nhà, cũng không cần xay bột, vì đã có bột gạo xay sẵn được bán ở các cửa hiệu tạp hóa, ở chợ. Nhưng mẹ tôi bảo bột khô không ngon bằng bột ướt. Thỉnh thoảng, nhất là những khi nông nhàn, mẹ tôi sang rủ vài người hàng xóm cùng ngâm bột tráng mỳ. Hai, ba nhà cùng tụ lại xay bột, rồi hết người này đến người kia lần lượt ngồi vào lò tráng bánh. Mùa đông thì rủ nhau đúc bánh xèo. Tiếng bằm thịt vịt làm nhưn bánh xèo nghe râm ran từ nhà này nhà kia, mùi nhưn bánh thơm ngào ngạt, lan tỏa trong không gian ấm tình hàng xóm láng giềng. Những lần như thế, chiếc cối xay mới được dịp phát huy tác dụng, mọi người được dịp ăn uống, chuyện trò.
Chiếc cối xay vẫn nằm lặng lẽ nơi góc nhà, như một nhân chứng về những kỷ niệm đẹp đẽ nơi gian bếp của gia đình tôi ngày trước. Thỉnh thoảng mẹ đến phủi bụi, sờ vào chiếc cối lạnh lẽo, rồi bất chợt gọi đám con gái lấy chồng gần về tổ chức đúc bánh xèo. Cả nhà lại rộn ràng, mỗi người mỗi việc. Chị tôi nhịp nhàng đôi tay bên chiếc cối xay. Tôi cũng đến phụ chị. Những vòng quay đưa tôi trở về với bao kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào. Lại chợt nhớ câu đố của mẹ “Cô kia con cái nhà ai/ Mình to họng nhỏ, lỗ tai đeo tằm”.
KHÁNH THI