Chiếc đồng hồ từ chiến trường K

HỒNG VÂN 06/01/2017 08:48

Kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary (7.1), bên những đồng đội cùng là chiến sĩ quân tình nguyện năm xưa, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tình kể câu chuyện về chiếc đồng hồ của liệt sĩ Nguyễn Duy Nhất, quê xã Duy Hòa (Duy Xuyên) khiến ai nấy rưng rưng xúc động.

Chiến sĩ Nguyễn Duy Nhất (đứng bên phải) cùng các dũng sĩ miền Nam tại Hà Nội năm 1970.
Chiến sĩ Nguyễn Duy Nhất (đứng bên phải) cùng các dũng sĩ miền Nam tại Hà Nội năm 1970.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tình (trú phường Hòa Cường Bắc, Đà Nẵng) kể: “Tôi mới biết anh Nguyễn Duy Nhất ở biên giới Tây Ninh khi tôi là Chính trị viên còn anh làm Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát. Trước đó anh đã nổi tiếng là dũng sĩ diệt Mỹ, được ra miền Bắc học tập. Trong đội hình Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) đánh ở Bu Prăng (Đắk Nông ngày nay) năm 1977, anh đã lập công và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Thời đó chỉ mình anh Nhất có chiếc đồng hồ Seiko của Nhật, mặt màu tím rất đẹp. Theo lời anh Nhất kể thì nó đắt lắm bởi có thể điều khiển các thông số theo tính năng của pháo binh, bà nội anh đã phải bán mấy chỉ vàng để mua món quà này cho cháu trai”.

Dòng ký ức miên man như hiện lên trước mắt các cựu chiến binh những tháng ngày ác liệt qua câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tình kể về người đồng đội. Thời điểm đó quân Pôn Pốt ngày càng táo tợn gây hấn, giết hại hàng trăm dân thường dọc tuyến biên giới Tây Nam. Vì thế, dù được cho về phép và đã mua sắm sính lễ chuẩn bị cưới vợ, Nguyễn Duy Nhất bất ngờ được lệnh lập tức quay trở về đơn vị để tăng cường cho chiến dịch. Ngày 12.8.1978, Đại đội trưởng Nguyễn Duy Nhất cùng tổ 4 người nhận lệnh đi vào hang ổ của địch cách biên giới hơn 10km để nắm địa hình khu vực giáp với tỉnh Tây Ninh. Đây là lần thứ hai các anh đi trinh sát lại khu vực này. Tối hôm ấy, khi đến một bờ ruộng thì cả tổ bị mìn. Đại đội trưởng Nguyễn Duy Nhất và một chiến sĩ hy sinh ngay trên bờ ruộng xâm xấp nước. Một chiến sĩ khác bị thương nặng được người đồng đội là Trưởng ban tác chiến Trung đoàn cõng về đơn vị. Hai đêm liền, đơn vị bố trí các tổ vào tìm thi thể liệt sĩ nhưng không tìm được. Bốn tháng sau, khi khu vực này hoàn toàn giải phóng, Chính trị viên Nguyễn Xuân Tình cùng lực lượng công binh và vận tải tổ chức đi tìm lần nữa. Đập vào mắt các anh là chiếc mũ mềm bộ đội trên bờ ruộng. Đến nơi thì thấy hai thi thể đã phân hủy. Chính trị viên Nguyễn Xuân Tình dễ dàng nhận ra ngay hài cốt đồng đội Nguyễn Duy Nhất bởi chiếc đồng hồ Seiko còn mắc trong ống xương cổ tay. Thật kỳ lạ, sau 4 tháng nằm trong nước nhưng chỉ cần rửa sạch, lắc nhẹ, chiếc đồng hoạt động trở lại. Sau này, chiếc đồng hồ cùng các cuốn nhật ký của Đại đội trưởng Nguyễn Duy Nhất được bàn giao cho gia đình.

Trong căn nhà số K115/06 Đỗ Thúc Tịnh, TP.Đà Nẵng, anh Nguyễn Duy Nhật, em trai liệt sĩ Nguyễn Duy Nhất bần thần thắp nén hương lên bàn thờ anh mình. Bên cạnh di ảnh là kỷ vật chiếc đồng hồ màu tím. Anh Nhật kể, sau khi nhận chiếc đồng hồ từ đồng đội của người con đã hy sinh, cha đã đưa nó cho anh với lời dặn: “Con hãy đeo để nhớ tấm gương của anh đã hy sinh vì dân, vì nước”. Vậy là chiếc đồng hồ đã đồng hành với người em suốt gần 20 năm, trước khi trang trọng đặt nằm bên di ảnh liệt sĩ. Anh Nhật nói: “Anh trai tôi sinh năm 1954. Chiến công đánh Mỹ, diệt ngụy của anh ngày ấy bà con thôn Gia Hòa đều biết. Anh gan dạ, mưu trí, táo bạo lắm. Những trận đánh ở nổng Bà Tình, đồn Kiểm Lâm khiến địch khiếp sợ. Ra miền Bắc theo đoàn dũng sĩ, anh được ở trong biên chế Đại đội dũng sĩ miền Nam do Bác Hồ chỉ thị thành lập, rồi học trường Sĩ quan Lục quân. Ra trường, có mẹ là liệt sĩ, cha đã già yếu, có thể không phải đi chiến đấu, nhưng anh vẫn quyết lên đường bảo vệ Tổ quốc”…

Hành trình đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Duy Nhất về quê hương cũng gặp không ít gian truân dù tên tuổi được lưu giữ khá chi tiết. Người cha, một cán bộ tập kết và từng vào Nam chiến đấu, sau này làm ở Ban Thi đua khen thưởng TP.Đà Nẵng đã lặn lội vào Tây Ninh mang hài cốt con về. Trên chuyến tàu, mang hài cốt con trong ba lô, vừa đến Đà Nẵng thì người cha ngất xỉu vì đã quá lao lực.

Khi liệt sĩ Nguyễn Duy Nhất được an táng ở nghĩa trang xã Duy Hòa, từ ấy đến nay có nhiều đồng đội đến thăm viếng, hương khói. Một trong những người đó là thương binh Võ Nhật Nam (hiện ở 293 Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng). Ông Nam mắt rớm lệ khi nói người đồng đội và cũng là ân nhân của mình: “Với tôi, anh Nhất xứng đáng là anh hùng. Chỉ ở cùng một năm nhưng tôi thấy rõ sự anh dũng, can trường của anh. Đã từng chiến đấu với Mỹ ngụy lại được học quân sự bài bản nên anh thường xuyên huấn luyện cho chiến sĩ kỹ thuật, chiến thuật đánh địch và đặc biệt là xử trí với các loại mìn do địch cài cắm”. Chỉ cái chân phải bị cụt, thương binh Võ Nhật Nam kể về tháng ngày ác liệt ở biên giới Bu Prăng. Ngày đó, bộ đội ta sợ nhất là đạp phải mìn K58. Đã có hàng chục trường hợp bị thương sau đó nhiễm trùng máu và hy sinh vì loại sát thương nguy hiểm này. “Trong một lần đi trinh sát, tôi đạp phải loại mìn này. Lúc đó anh Nhất không băng bó theo cách thông thường mà xử lý ga-rô, chấp nhận để đồng đội mất một chân nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng. Sau đó, anh Nhất cùng những đồng chí khác thay nhau cáng tôi vượt hàng chục cây số về đơn vị an toàn. Tôi là trường hợp đầu tiên của trung đoàn còn sống khi bị vướng mìn K58” - thương binh Võ Nhật Nam kể.

Những câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Duy Nhất cứ miên man trong tâm trí tiếc thương của người thân và đồng đội. Như trước mắt mọi người là hình ảnh một chàng trai Duy Hòa dáng nhỏ nhắn, gương mặt sáng, viết chữ rất đẹp và chiếc đồng hồ màu tím. Gần 40 năm trôi qua, hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Duy Nhất vẫn cứ trẻ mãi như thế trong tâm trí đồng đội.

HỒNG VÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiếc đồng hồ từ chiến trường K
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO