Trong các vật dụng sản xuất của đồng bào Cơ Tu, chiếc gùi luôn là cái mang theo trong suốt quá trình canh tác, lập nghiệp và nó trở thành đối tượng gắn bó mật thiết với mọi lứa tuổi của người Cơ Tu.
Tuổi thơ tôi lớn lên cùng chiếc gùi, chạm vào nó từ thưở được mẹ cho ngồi vào gùi, đung đưa theo mẹ lên rẫy, nằm cựa quậy trong gùi được che kín nắng bằng những lá rừng xanh non thơm phức. Lớn lên, khi rời đất làng học xa, những lần về nhà lại cùng mẹ lên rẫy tập cõng chiếc gùi lên nương. Mỗi lần đưa gùi lên vai là nặng trĩu củi khô hay sắn rẫy chất đầy, đi lại chao đảo, nghiêng ngã, buộc tội những lần xa nhà không chịu tập quen với... nhọc nhằn.
Ngày ấy, làng tôi ai cũng biết vót mây đan gùi theo nhiều kiểu, đến giờ còn ít người biết nhưng cũng là động lực khôi phục sau này. Nội tôi khi còn sống đôi tay ít khi nghỉ ngơi, lúc nào cũng sáng vào rừng, chiều chẻ mây đan gùi cho bà nội và các con dâu, rồi tự đan t’lêếc (gùi cho đàn ông) cho mình đựng thú nhỏ mỗi khi thăm bẫy rừng về. Chiếc gùi đẹp bao giờ cũng gắn liền với bàn tay tài hoa của người đan và người vót mây. Mây để đan gùi đẹp, bền, chắc phải được lấy từ rừng sâu, chủ yếu là mây xà phun, mây rã, mây song, mây cám… Để có chiếc gùi hoàn chỉnh, trước tiên, người Cơ Tu vào rừng chọn loại mây rừng già ưng ý, đủ độ dẻo mang về, chẻ vót theo đúng kích thước chiếc gùi định đan, rồi giăng căng dây mây để hơn ba ngày nắng khô rồi mới vót nhẵn, bền để đan.
Bao giờ người Cơ Tu cũng đan từ phần dưới chiếc gùi đan lên. Mỗi chiếc gùi có ba phần, phần dưới là nơi tiếp đất, dễ bị hư hỏng nên họ đan kỹ hơn và làm xong trước ba tháng, đặt trên giàn bếp cho khói ám đen để không bị sâu mọt đục hại. Khi kiểm tra phần dưới chiếc gùi không bị hỏng họ mới đan phần thân, thời gian đan phần thân tùy thuộc vào mỗi loại gùi, như đối với chiếc gùi (zong) dùng để mang nước, sắn, củi thì đan thưa, mất khoảng năm ngày; đối với chiếc gùi (pr-eeng) để chứa đựng lúa, gạo, muối thì đan khít nhau hơn, mất nhiều thời gian và công sức. Phần trên cùng là vành miệng gùi mang tính thẩm mỹ nên phải đan mây vững chắc, tròn trịa, không bị rời ra, méo mó. Khi hoàn chỉnh xong chiếc gùi, thì người Cơ Tu bắt đầu đan dây gùi. Do mây để đan dây gùi phải vót nhỏ, mỏng, dẻo nên rất tốn thời gian và cần sự tỉ mỉ, cần cù của người đan mới mong có dây gùi ưng ý.
Trong cách nhìn nhận, đánh giá tài năng của một chàng trai, bao giờ người Cơ Tu cũng xét đến tính thẩm mỹ từ việc đan lát, dựng nhà, cột dây mây, nhất là trong việc đan gùi cho phụ nữ và đan t’lêếc cho đàn ông, kể cả đan các vật dụng sinh hoạt trong gia đình như a-pợ (rổ), a-đhung (nong), đha-điêng (nia). Nội tôi mỗi lần đan gùi thường gọi chúng tôi quây quần. Ông miệng ngậm tẩu thuốc lá, vừa chăm chú nhìn tay đan gùi, vót mây, vừa kể chuyện và dặn chúng tôi lớn lên muốn có vợ đẹp phải biết đan gùi cho người mình thương yêu.
Nhưng ấy là chuyện xưa. Ngày nay rổ rá, nong, nia dần cũng thay bằng nhựa đủ kiểu màu sắc rực rỡ, không mấy ai còn vào rừng chặt mây, mỏi tay đan lát. Sự phát triển nhanh của xã hội giúp ta bỏ dần cái lạc hậu nhưng đôi khi cũng làm mất mát những nghề thủ công truyền thống của người Cơ Tu. Nét đẹp trong đan lát của đồng bào Cơ Tu hôm nay chỉ còn lác đác vài người ở một số thôn ít ỏi còn lưu giữ. Nhiều bạn trẻ do thoát ly gia đình, thoát ly bản làng theo nhịp sống mới từ nhỏ đã quên dần lối vào rừng chặt mây, cách vót mây đan các vật dụng thông thường trong gia đình, nhất là chiếc gùi – vật dụng cần nhất, thân thiết, gần gũi với phụ nữ Cơ Tu.
Có lần xuống phố vào nhà người quen, sự ngỡ ngàng ngay mắt khi nhìn thấy mọi vật dụng sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu được chủ nhà lặn lội khắp bản làng mang về treo đầy góc nhà như là gia sản quý giá. Tôi tiếc cho mình đã không nghĩ sớm đến sự mất đi một phần của văn hóa Cơ Tu để rồi hối tiếc phải chiêm ngưỡng cái của mình ở nơi cách xa bản làng…