Từ một khu rừng phòng hộ lẽ ra cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng do buông lỏng quản lý thời gian dài, nhiều diện tích đã bị người dân xâm lấn trồng cây, thậm chí ngang nhiên xây dựng trang trại trái phép.
BÀI 1: MẠNH AI NẤY TRỒNG
Bất chấp lệnh cấm vào rừng phòng hộ, nhiều người vẫn lén lút lấn chiếm đất trồng keo, lập trang trại trồng trọt, chăn nuôi.
Xâm hại rừng phòng hộ
Theo chân một nhóm người dân, chúng tôi tiếp cận hiện trường khu rừng phòng hộ Phú Ninh thuộc địa bàn xã Tam Dân (Phú Ninh) đã trở thành “địa bàn” quản lý, sử dụng riêng của nhiều cá nhân suốt thời gian dài.
Đi trên đường ĐH4 uốn lượn quanh lòng hồ thủy lợi, nhìn xa trông thấy một mảng xanh ngút ngàn. Nhưng khi chúng tôi tháo gỡ hàng rào dựng tạm ven rừng, tiến sát vào bên trong thì gần như một quả đồi đã trống không cây rừng, khó tìm thấy một loài cây nào với chức năng phòng hộ. Tất cả đều bị san bằng, dưới mặt đất bắt đầu mơn mởn rừng keo non mới trồng. Người dân địa phương nắm rất rõ từng người đầu tư lập trang trại cây ăn quả, nuôi thả gia súc, hay sở hữu bao nhiêu diện tích trồng keo trên đất do Nhà nước quản lý.
Trang trại của ông Phan Quốc Trạng (quê xã Tam Đại, Phú Ninh) lọt thỏm trong khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh. Ngôi nhà ở tạm của gia đình ông Trạng nằm biệt lập được xây dựng khá lâu, bởi tường đã cũ kỹ, bắt đầu xuống cấp. Đàn trâu 4 - 5 con được thả rông trong trang trại, xen kẽ với rừng keo non là một số cây ăn quả. Người dân cho biết, gia đình ông Trạng đã thu hoạch lứa keo đầu tiên trồng cách đây hơn 5 năm.
Ông Nguyễn Hoàng Tựu (trú phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Diện tích mà ông Trạng đang xâm lấn trồng rừng, đầu tư trang trại nguyên trước kia thuộc quyền sử dụng của cha mẹ ông, nhưng gia đình đành chấp nhận bỏ hết ra đi để nhường đất xây dựng đại công trình thủy lợi Phú Ninh. Ngày đó Nhà nước chủ trương ai đã rời làng ra đi đều không quay về lại sản xuất. Tuy nhiên, điều làm tôi bức xúc lẽ ra Nhà nước quản lý, sử dụng đúng mục đích thì lại để cho một số cá nhân lợi dụng biến đất thành của riêng mình”.
Ngoài ông Tựu còn có ông Phạm Văn Hùng (trú thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh), Trương Văn Bình (xã Tam Phước, Phú Ninh) và nhiều người dân khác cũng bức xúc trước việc nhiều người, thậm chí có cả nhân viên nhận khoán bảo vệ rừng cũng đua nhau xâm lấn, mở rộng diện tích trồng keo trong khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh. Theo họ, bất công nằm ở chỗ, người dân trồng keo thì bị cán bộ kiểm lâm, nhân viên nhận khoán bảo vệ rừng đến nhổ, trong khi rừng keo của nhân viên nhận khoán bảo vệ rừng thì được “bảo kê”.
Tranh giành đất rừng
Nhóm người địa phương đưa chúng tôi thâm nhập khoảnh rừng sản xuất rộng mênh mông bất khả xâm phạm của ông Nguyễn Thanh Hoàng (nhóm trưởng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng năm 2019) và ông Đặng Văn Thống (nhóm trưởng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2014 - 2018). Một dãy rừng hơn 5 tuổi cao ngang tới đầu gối, xen kẽ trồng rải rác cây mít, chuối.
Ông Trương Văn Bình (trú xã Tam Phước) xác nhận, ông Hoàng đã khai thác lứa keo đầu tiên, thấy nhân viên nhận khoán bảo vệ rừng lấn chiếm đất rừng phòng hộ, mở rộng diện tích trồng keo nên người dân cũng ồ ạt làm theo. Trong khi đó, để tranh giành “lãnh địa”, ông Đặng Văn Thống còn dựng nhà ở trong rừng. Để sở hữu quyền sử dụng nhiều héc ta keo trong khu rừng được quy hoạch với chức năng phòng hộ này, ông Thống đã triệt hạ nhiều cây gỗ từ các dự án trồng rừng trước đây của Nhà nước. Và cũng chính vì hành vi xâm hại rừng này mà năm 2018, ông Thống bị UBND tỉnh xử phạt 80 triệu đồng.
Đầu tháng 10, nhiều đối tượng và một số hộ dân thôn Long Khánh (thôn Long Sơn cũ) của xã Tam Đại kéo vào rừng phòng hộ thuộc khu vực Dương Mốc, tiểu khu 583 (xã Tam Đại) phá rừng, phát tuyến, tự chia lô, xịt sơn tranh giành rừng và đất rừng, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Giữa tháng 10.2019. Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh phát đi thông báo có nội dung trong thời gian chủ rừng phối hợp với các ngành chức năng và UBND xã Tam Đại, Tam Dân, Tam Lãnh thống kê, điều tra đo đạc, khoanh vẽ, nghiêm cấm các hộ dân không được vào rừng phòng hộ Phú Ninh để chiếm đất, chặt cây, phân chia lô, tranh giành đất rừng trái pháp luật. Tuy nhiên, những ngày cuối năm, nhiều người dân địa phương vẫn ngang nhiên trồng keo, giành đất và tranh chấp đất rừng lại tiếp tục căng thẳng.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay có hàng chục trang trại mọc lên trái phép trong rừng phòng hộ, và dù nhân viên bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm đến hiện trường nhổ keo khi phát hiện người dân phát sinh trồng mới nhưng vẫn không xử lý triệt để.
Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, năm 2019 tại địa bàn Phú Ninh và Núi Thành có ít nhất 27 vụ vi phạm rừng (gồm các hành vi khai thác, lấn chiếm, phá rừng, cháy rừng) bị xử lý.