“Điểm nóng” ở rừng phòng hộ Phú Ninh gần đây ngoài tranh giành đất trồng rừng, còn dai dẳng tình trạng khai thác “nhầm” rừng trồng của dự án của Nhà nước, gây không ít lúng túng cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.
“Xen canh” rừng phòng hộ
Rất nhiều cuộc họp và văn bản chỉ đạo nhưng ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền vẫn lúng túng trong việc giải quyết hậu quả của tình trạng buông lỏng quản lý ở rừng phòng hộ Phú Ninh. Nhiều diện tích trồng keo và sao đen từ các dự án của Nhà nước giai đoạn 2010 - 2013 đến nay gần như bị người dân phá để trồng rừng kinh tế.
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam cho biết, tình trạng lấn đất, phá rừng mở rộng diện tích trồng cây keo trong rừng phòng hộ diễn ra trong thời gian dài, khó xử lý là do các trường hợp người dân sống ven rừng, canh tác trồng cây nhiều năm. Trước đây mật độ trồng rừng phòng hộ của Nhà nước thưa thớt (khoảng cách 2 - 3m cây), người dân thấy vậy trồng xen keo vào. Tuy nhiên, họ đã lén lút chặt cây phòng hộ để chiếm đất trồng rừng kinh tế. Theo quan sát của chúng tôi, nơi nào người dân bỏ vốn trồng keo, đầu tư trang trại thì nơi đó rừng phòng hộ của Nhà nước gần như bị triệt hạ, có chăng chỉ còn nằm phân tán các loài cây tràm, sao đen.
Hiện nay, nhiều diện tích mà Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho nhóm hộ (chủ yếu theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường theo Nghị định 99 của Chính phủ và Chương trình quản lý, bảo vệ rừng bền vững theo Quyết định 886 của Thủ tướng Chính phủ) bị biến thành rừng trồng của tư nhân.
Đơn cử, mới đây 11 hộ dân ở xã Tam Dân xin khai thác rừng ở lưu vực hồ Phú Ninh với diện tích gần 10ha. Toàn bộ diện tích này nằm trên đất quy hoạch rừng phòng hộ. Trong đó có 5,2ha chồng lấn với diện tích cây sao đen được Nhà nước trồng năm 2010 (thuộc dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng) và hơn 4,8ha chồng lấn với diện tích trồng keo tai tượng được trồng năm 2013 (thuộc dư án kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng). Điều đáng nói, diện tích đất này đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam giao khoán quản lý bảo vệ rừng.
Quản lý lỏng lẻo
Để giải quyết hậu quả của việc trồng rừng kinh tế trong rừng phòng hộ, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng, với hơn 5,2ha keo chồng lấn với diện tích trồng cây sao đen, đồng ý giải quyết cho người dân khai thác keo do họ bỏ vốn ra trồng; còn hơn 4,8ha rừng chồng lấn với khu rừng trồng keo tai tượng của Nhà nước thì Sở NN&PTNT yêu cầu chủ rừng, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn của huyện, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam xác định rõ chủ sở hữu cây trồng để đề xuất hướng giải quyết.
Đại diện Sở NN&PTNT nhìn nhận, tình trạng chồng lấn xảy ra lâu nay cho thấy việc quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam còn nhiều lỏng lẻo, người dân trồng rừng trái phép trên đất phòng hộ trong thời gian dài nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.
Nhiều diện tích rừng sao đen bị biến mất, nếu còn thì bị cây keo chèn ép không thành rừng, nhưng lạ lùng ở chỗ chủ rừng vẫn đưa vào nhận khoán quản lý bảo vệ. Điều này cho thấy, các bộ phận chuyên môn của Sở NN&PTNT đã lơ là trong khâu phúc tra, kiểm tra giám sát kết quả nghiệm thu hàng năm để đưa vào kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng hàng năm.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam thừa nhận, tình trạng phá rừng tự nhiên, rừng trồng, chiếm đất rừng phòng hộ trái phép để trồng keo trong lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh diễn ra khá phức tạp. Ông Nguyễn Hữu Phước cho rằng, cái khó cho quản lý là một số khu vực quy hoạch cho rừng phòng hộ lại nằm xen kẽ với diện tích ruộng, vườn của người dân.
Theo Quyết định 120 ngày 11.1.2017 của UBND tỉnh, trong tổng diện tích đất rừng phòng hộ Phú Ninh thì riêng trên địa bàn huyện Phú Ninh là hơn 1.582ha. Trong đó, diện tích đất rừng trồng có nguồn gốc từ vườn rừng, vườn nhà hoặc đã trồng keo từ trước, hiện đã quy hoạch cho rừng phòng hộ, cộng với diện tích do các đối tượng phá, chiếm đất rừng phòng hộ trái phép để trồng keo hơn 295ha.
“Với trường hợp dân xin khai thác keo, chúng tôi đồng ý nhưng yêu cầu họ trả đất lại cho Nhà nước. Sau đó nếu họ có nguyện vọng trồng thì cam kết bắt buộc trồng theo cơ chế rừng phòng hộ chiếm tỷ lệ 60%, cây kinh tế chỉ chiếm 40%. Khi xây dựng phương án giải quyết các tồn tại về đất rừng phòng hộ Phú Ninh, địa phương thống nhất chủ trương Nhà nước và nhân dân đồng quản lý” - ông Phước nói.
Đồng quản lý ở rừng phòng hộ Phú Ninh
Liên quan đến tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ Phú Ninh để trồng keo trái phép, theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh là giải quyết dứt khoát, có tình có lý. Cụ thể, với trường hợp xác định được diện tích đất do người dân lấn chiếm để trồng rừng là đất của Nhà nước, đề nghị người dân trả lại đất. Chủ rừng và người dân thực hiện đồng quản lý rừng trên cơ sở xây dựng phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng với người dân để quản lý rừng, cho phép khai thác gỗ rừng trồng khi đến kỳ quy hoạch, ưu tiên theo hướng liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng gỗ lớn.
Trường hợp xác định diện tích đất tranh chấp là đất vườn, nhà ở của dân đã sử dụng từ trước khi quy hoạch rừng phòng hộ Phú Ninh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam phối hợp với UBND huyện, UBND xã kiểm tra, rà soát nếu đầy đủ điều kiện và dân cư sống tập trung thì thực hiện thủ tục cấp đất cho người dân. Trường hợp diện tích hộ gia đình, cá nhân ở nhỏ lẻ, phân tán, UBND huyện Núi Thành, Phú Ninh lập phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực rừng phòng hộ...