Chiêm nghiệm về một vùng đất

NGÔ PHÚ THIỆN 14/01/2017 10:01

Sau thời gian dài “thai nghén’’, cuối năm 2016, tác giả Phú Bình - Lê Đình Cương đã ra mắt bạn đọc tập biên khảo “Dấu cũ Hà Đông’’. Đây là một công trình nghiên cứu - khảo luận đầu tiên và bao quát nhất về địa lý, lịch sử, văn hóa… của vùng đất Hà Đông - Tam Kỳ.

Đã khá lâu, địa bàn huyện Hà Đông xưa nói riêng, phần đất phía Nam của tỉnh Quảng Nam nói chung chưa có công trình khảo cứu nào đầy đủ và “chính thống”. Trước đây trong cuốn sách “Quảng Nam - Đất nước và Nhân vật”, nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng đã ít nhiều đề cập vùng Hà Đông, nhưng chủ yếu khắc họa một số nhân vật lịch sử. Còn giờ đây, “Dấu cũ Hà Đông” của Phú Bình có cách tiếp cận khác, rất chuyên sâu. Bằng kiến thức Nho học cùng với quá trình khảo cứu cẩn trọng, tác giả đã tái hiện một cách sinh động về đất và người Hà Đông - từ buổi sơ khai đến khi lập phủ Tam Kỳ. Trong lời “Dẫn nhập” của tập sách, thầy Lê Thí - cựu giáo viên dạy sử, đã nhận xét: Đóng góp đáng kể nhất của “Dấu cũ Hà Đông” là đã giới thiệu được một số tư liệu mới về vùng đất Hà Đông mà từ trước đến khi được công bố chưa có ai tìm tòi, phát hiện và xử lý đầy đủ”…

Thành phố Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thành phố Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tập biên khảo “Dấu cũ Hà Đông” có bố cục 3 phần: “Mấy nét Thăng Hoa - Hà Đông”; “Về vùng đất Hà Đông xưa” và “Phụ lục”. Tuy trọng tâm tìm hiểu là địa dư - hành chính và con người huyện Hà Đông xưa, nhưng tác giả mở rộng có chủ ý về toàn bộ “lãnh địa” phủ Thăng Hoa, dưới thời nhà Hậu Lê. Tác giả dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, trích dịch những sử liệu gốc từ các bộ sử chính thống của các thời Lê - Nguyễn và những bi ký hiện có, để công bố những phát hiện thú vị. Ví như, địa giới huyện Hà Đông của triều Lê hoàn toàn khác biệt với Hà Đông của thời các chúa Nguyễn (Tam Kỳ - Hà Đông qua tư liệu); những địa danh làng xã được phiên từ tiếng Chămpa sang Hán tự (Ngày xuân tản mạn về địa danh)…

Bìa tập sách “Dấu cũ Hà Đông’’ của Phú Bình, Nhà XB Văn học ấn hành (11.2016).
Bìa tập sách “Dấu cũ Hà Đông’’ của Phú Bình, Nhà XB Văn học ấn hành (11.2016).

Đặc biệt, nhiều khám phá mới mẻ, đa chiều được thể hiện ở phần thứ 2: “Về vùng đất Hà Đông xưa”. Đây là phần “điểm nhãn” của “Dấu cũ Hà Đông”, được nối kết bằng nhiều bài viết khác nhau của Phú Bình, đã được công bố trên các tạp chí trong và ngoài tỉnh nhiều năm qua. Phần này được tác giả trình bày theo hệ thống: tổng - phân – hợp, nhằm làm nổi bật nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mang tính đặc thù của đất và người ở vùng “phên giậu” chiến tranh qua các triều đại phong kiến. Từ các nguồn thư tịch cổ, như: Ô châu cận lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí…, tác giả đi sâu tìm hiểu về đặc điểm hành chính, danh xưng ở vùng đất Hà Đông. Từ đó định hình cho người đọc nhiều vấn đề còn tồn nghi của quá khứ. Cụ thể như: “Thuộc” (trong Nội phủ kim hộ thuộc), Vi tử (trong vi tử Tam Kỳ) là gì? Trường hợp nào gọi là “kim hộ”, thời nào đổi thành “liêm hộ”? Hoặc là ý nghĩa của những tên gọi hành chính riêng có ở xứ Quảng Nam, như: Thuộc sơn điền; Thuộc hà bạc; Thuộc kim hộ; Thuộc thương nhân Hội tân... (Về các “Thuộc” và “Kim hộ thuộc” thời các chúa Nguyễn, Đọc Phủ biên tạp lục và Đại Nam nhất thống chí - nghĩ về một số địa danh…)

Minh xác và gần gũi nhất với người Tam Kỳ là mục dịch bi ký (văn bia). Mục này gồm những bài viết riêng lẻ và chia thành hai loại: Loại văn bia trên mộ cổ và loại văn bia trong đền miếu, Văn thánh. Nhờ có vốn Hán Nôm, tác giả Phú Bình đã “Việt hóa” một cách những thuật ngữ khó minh định trên các loại văn bia ấy. Qua cách dịch và chú giải của tác giả, chúng ta không chỉ hiểu rõ nguồn gốc, địa điểm, thời gian, con người… cụ thể mà còn xác định được “niên đại” lập bia. Chẳng hạn trong bài “Tìm hiểu một số ngôi mộ lâu đời trên đất Hà Đông”, tác giả không dừng lại ở việc mô tả hiện trạng, chất liệu, nguồn gốc ngôi mộ mà đi sâu lý giải từng loại “bia hiệu”, thời gian, hoàn cảnh nào thì có bia hiệu. Những thông tin này chắc chắn rất bổ ích với nhiều tộc họ có tổ tiên đến định cư lâu đời ở Hà Đông xưa - Tam Kỳ nay.

Điều không kém phần hấp dẫn người đọc là tác giả công bố 2 văn bản cổ, lại… rất mới! “Cổ” vì nó có xuất xứ từ thời nhà Nguyễn; nhưng “mới” bởi từ trước đến nay chưa nghe thấy ai đề cập. Hai văn bản đó là: “Chiêm Thành lược khảo” của một nữ tác giả ở Quảng Nam và “Án sát sứ Trần Hưng Nhượng” - một cựu thần của ba triều vua, quê ở Tam Xuân, Núi Thành. Trong bài “Mỹ Sơn và Đồng Dương xưa qua mô tả của Chiêm Thành lược khảo”, tác giả không chỉ cung cấp nhiều cứ liệu về khu đền tháp Mỹ Sơn và Phật viện Đồng Dương trước khi thành phế tích mà cái chính là nhằm giới thiệu một nhà biên khảo nữ đầu tiên của Quảng Nam và cả nước. Nhà biên khảo ấy là bà Huỳnh Thị Bảo Hòa - một danh sĩ ở cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Bà viết báo, viết văn, nghiên cứu văn hóa… bằng ba thứ tiếng: Pháp, Hán và Việt ngữ… Còn bài viết “Tìm hiểu về Án sát sứ Trần văn Nhượng”, tuy Phú Bình có dẫn nguồn từ sách “Đại Nam thực lục - chính biên” nhưng chủ yếu xác định công đức từ tư liệu của Từ đường tộc Trần, làng Khương Mỹ (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Đường quan lộ của cụ Trần gắn liền với sự thịnh suy của 3 đời vua Nguyễn và để lại dấu ấn rất… Quảng Nam.

Phần cuối của tập sách, tuy tác giả gọi là “Phụ lục”, nhưng không hề thua kém về giá trị. Ở phần này, tác giả dịch chân xác các loại văn bia (chữ Hán) ở Văn Thánh - Chiên Đàn xưa và Khổng Miếu - Tam Kỳ nay. Cuối phần dịch là những trang ảnh minh họa về các loại văn bia ấy…

Nếu không ngoa ngôn, có thể coi “Dấu cũ Hà Đông” của Phú Bình là cuốn cẩm nang văn hóa của vùng đất Hà Đông xưa - Tam Kỳ nay. Tập sách có nhiều giá trị thiết thực, không riêng với người làm công tác bảo tồn văn hóa, lịch sử.

NGÔ PHÚ THIỆN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiêm nghiệm về một vùng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO