Cuộc hội ngộ của 35 nghệ sĩ tạo hình xứ Quảng với 50 tác phẩm hội họa, điêu khắc, sắp đặt hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thú vị về những vẻ đẹp riêng có của đất Quảng.
Triển lãm mỹ thuật “Miền di sản” bắt đầu từ ngày 9/12 tại khuôn viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (TP.Tam Kỳ), quy tụ những tác phẩm mỹ thuật của Quảng Nam, sau hơn 10 năm gián đoạn những cuộc triển lãm tập thể...
Hội ngộ
Ông Nguyễn Dũng - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) nói, triển lãm “Miền di sản” là ý tưởng ấp ủ nhiều năm của anh em hội viên. Với mong muốn thông qua triển lãm, mỗi tác phẩm từ hội họa, điêu khắc, sắp đặt... sẽ là tiếng nói của người nghệ sĩ sinh ra, trưởng thành và sống ở Quảng Nam, hoặc có khi đang mưu sinh đâu đó trên dải đất Việt, nhưng chung tình yêu quê hương với những bản sắc mà đất quê mình có được.
“Sau thành công của cuộc triển lãm Hội ngộ cùng anh em nghệ sĩ tại TP.Đà Nẵng, chúng tôi được tạo điều kiện để tập hợp tác phẩm của hội viên cho cuộc triển lãm chung lần này. Các sáng tác chủ yếu trong vòng 2 năm gần đây, với chủ đề xoay quanh đất và người Quảng Nam, những di sản vật thể và phi vật thể có tại đất Quảng. Đây cũng là lý do để tên gọi triển lãm “Miền di sản” được lựa chọn” - ông Nguyễn Dũng nói.
Tổ chức vào những ngày cuối năm với ý nghĩa là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện khép lại Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, nhiều hơn những tầng nghĩa của một cuộc giới thiệu tác phẩm tại triển lãm này.
Sau hơn 10 năm, kể từ sau 2 cuộc triển lãm cấp tỉnh vào các năm 2009 và 2011 của Chi hội Mỹ thuật, từ đó đến nay chưa có thêm cuộc hội ngộ nào dành riêng cho đông đảo họa sĩ, nhà điêu khắc xứ Quảng. Trong khi đó, các họa sĩ vẫn mang tranh mình đi triển lãm khắp nơi và được đông đảo công chúng yêu nghệ thuật đón nhận.
Từ “Vườn tâm tưởng” của Trần Văn Binh cho đến các triển lãm trong khuôn khổ những sự kiện của quốc gia, chưa kể rất nhiều giải thưởng khu vực được trao cho họa sĩ của Quảng Nam.
Trong 10 năm không có cơ hội tổ chức triển lãm tập thể tại địa phương cũng như khuyết đi các cuộc thi dành riêng cho hội họa chuyên nghiệp ở cấp tỉnh, thì mỹ thuật Quảng Nam vẫn định danh cho mình một vị trí nhất định.
Chính “Miền di sản” lần này là cơ hội để công chúng yêu nghệ thuật, đặc biệt là người dân Tam Kỳ được thưởng thức những bức tranh với bút pháp và màu sắc ấn tượng, những hình khối phù điêu hay tượng điêu khắc được tạo tác ấn tượng.
Những chuyển động
Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, trong lời ngỏ về triển lãm, cho rằng đây là một triển lãm tập hợp được nhiều cá tính sáng tạo - với những cách thể hiện “lạ biệt” về hình khối, đường nét, màu sắc hấp dẫn người thưởng ngoạn, đem đến cho họ nhiều nguồn mỹ cảm phong phú…
“Ở mảng hội họa vẫn là những tác giả quen thuộc như Nguyễn Thượng Hỷ với biểu tượng văn hóa có ý hướng phồn thực, sung mãn của người miền cao.
Lê Việt Thắng, Trần Văn Binh, Nguyễn Hữu Thấu… vẫn thiên về “biểu hiện” cả hai phương diện hình và màu, mà ở đó Lê Việt Thắng với những mặt ka-la trong cuộc vật lộn sinh tồn với chính mưa nắng thời gian, Trần Văn Binh và Nguyễn Hữu Thấu với những chiêm nghiệm bằng cảm thức về một nơi chốn bình yên, về cái đẹp.
Hay những tác phẩm của Nguyễn Dũng, Võ Như Diệu, Trương Bách Tường… vẫn “kiến tạo” một hiện thực - cảm xúc riêng trong những “tạo - hình - biểu - cảm”.
Theo ông Phùng Tấn Đông, tham gia triển lãm, những tác giả trẻ đã có sự chuyển động tạo hình trong mảng đồ họa khiến hiện thực sinh động hơn và xu hướng tối giản để tiếng nói tạo hình mạnh mẽ, sâu lắng hơn…
Ở mảng điêu khắc, tác giả Nguyễn Văn Hàm vẫn chắc khỏe với những tượng tròn giàu biểu cảm trong tạo tác hình khối. Trần Đức “đương đại” với chất liệu sắt hàn. Tác phẩm “Kết nối” - một kết nối đầy gai góc những xô lệch trong một tâm thức cân bằng. Kiều Nhật Sang trẻ trung, bay bổng với phù điêu gò nhôm “Ngưỡng vọng”.
Một triển lãm chỉn chu từ không gian tổ chức, bố cục cho đến sự đa dạng của tác phẩm. Mang đến tác phẩm với tên gọi “Ký ức người lính”, được thực hiện dưới hình thức mỹ thuật đa phương tiện bao gồm Installation Art (nghệ thuật sắp đặt) và Video Art, nhóm tác giả Trương Bách Tường và Bảo Ly mong muốn chuyển tải và nhấn mạnh những thông điệp quý giá về cuộc sống an lành trong một đất nước hòa bình đến với giới mộ điệu và người thưởng ngoạn.
“Trong quá trình đi tìm ý tưởng sáng tác, chúng tôi tìm gặp những cựu binh, được nghe họ kể lại những câu chuyện về thời chiến. Thời của những con người vác súng lên vai để bảo vệ Tổ quốc. Những câu chuyện vô cùng giá trị cho thế hệ sau. Từ đó, hình thành nên ý tưởng thực hiện tác phẩm mỹ thuật về những người lính. Tác phẩm được hình thành từ những ký họa của các họa sĩ thời kháng chiến, những vật dụng về người lính được sưu tập trong nhiều năm và những hình ảnh được in trong sách “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975”.
Trong tác phẩm, chúng tôi muốn kể lại câu chuyện giữ nước gian khổ vẫn luôn hằn sâu ký ức của những người lính. Từ lúc những người mẹ già tiễn con ra trận, bảo vệ đất nước, cho đến lúc hòa bình. Con cái ra trận có người trở về, có người chỉ còn là vành khăn tang trên đầu của mẹ. Họ đã hy sinh tất cả chỉ để có một ngày hòa bình” - tác giả Trương Bách Tường chia sẻ.
Cuộc triển lãm kéo dài đến ngày 22/12 ngõ hầu sẽ kích thích người có lòng yêu mê nghệ thuật. Hơn vậy, là cuộc giới thiệu đầy tự hào về những giá trị di sản văn hóa truyền thống quý báu mà xứ Quảng sở hữu, qua ngôn ngữ của nghệ thuật. Và có lẽ lớn hơn nữa, là nhận chân về vị thế của mỹ thuật ngay trong lòng cư dân bản địa, ngay ở nơi vốn dĩ sẽ phải quan tâm và phát triển mạnh hơn không gian dành cho nghệ thuật...