(QNO) - Các nhà đầu tư hàng đầu thế giới vừa phát động chiến dịch “Nói không với kháng sinh” nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nhiều nhà hàng lớn tại Mỹ và Anh.
Một cửa hàng McDonald’s tại Luân Đôn của Anh (ảnh: Alamy) |
Chuỗi nhà hàng này bao gồm các dây chuyền cung ứng thức ăn hay cửa hàng danh tiếng như McDonald’s, JD Wetherspoon, Domino’s Pizza Group, Brinker International… Chiến dịch trên được đưa ra ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo toàn cầu đang đối mặt với thời kỳ “khủng hoảng kháng sinh” hay “kỷ nguyên kháng thuốc”. Việc người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thịt hay gia cầm có lượng tồn kháng sinh quá liều khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng diễn ra nghiêm trọng, nhiều căn bệnh thông thường cũng khó có thể chữa khỏi. Được biết, 54 nhóm các nhà đầu tư này đang quản lý khối tài sản trị giá khoảng 1.000 tỷ bảng Anh (khoảng 1.410 tỷ USD) bao gồm các hãng hãng Aviva Investors, Boston Common Asset Management, Impax Asset Management (Mỹ) và EdenTree Asset Management (Anh)…
Nhóm các nhà đầu tư khẳng định thực trạng trên bắt nguồn từ việc sử dụng kháng sinh một cách vô trách nhiệm. Theo WHO, hiện 80% thuốc kháng sinh sản xuất tại Mỹ được sử dụng trong vật nuôi. Tại Anh, tỷ lệ này là 45%. Từ những năm 1970, nước Anh ban hành lệnh cấm việc sử dụng kháng sinh làm chất kích thích trong tăng trưởng vật nuôi. Nhưng chỉ tính riêng tại châu Âu, số ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc lên tới 25 nghìn người, trong đó có vấn đề về kháng sinh trong chăn nuôi. Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho biết, tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ngày càng nhiều nước thừa nhận tầm quan trọng của vấn đề này như một mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Trong đó, các chuyên gia y tế khẳng định vấn đề thực phẩm không an toàn từ việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng là nguyên nhân đáng quan tâm.
Trong bức thư gửi tới 10 chuỗi nhà hàng trên, 54 nhà đầu tư đã yêu cầu phải thiết lập khung thời gian ngừng sử dụng kháng sinh (không nhằm mục đích điều trị bệnh) trong chuỗi cung ứng của mình. “Chúng tôi muốn các nhà cung cấp hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh vì mục đích điều trị bệnh cho động vật hay làm chất kích thích tăng trọng. Bởi việc làm đó không những ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà làm cho thế giới thiệt hại đến 100 nghìn tỷ vào năm 2050 do các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc. Vì vậy, thế giới ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi” - đại diện một nhà đầu tư cho biết.
Chiến dịch “Nói không với kháng sinh” nhận được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng tại Anh và Mỹ. Đây được xem là một biện pháp hết sức nhân văn của nhóm 54 các nhà đầu tư lớn toàn cầu với mục đích góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, theo Quỹ đầu tư rủi ro trang trại tại Anh, hiện chỉ có một nửa trong số 10 nhà hàng được nhóm đầu tư gửi thư yêu cầu đã đồng ý hợp tác trong việc ngăn chặn việc thực phẩm có chứa chất kháng sinh. Trong khi đó, một số nhà hàng còn lại cho rằng họ chỉ sử dụng kháng sinh trong trường hợp cần thiết để chữa bệnh, dưới sự giám sát của các chuyên gia thú y, chứ không sử dụng để ngăn ngừa bệnh hay vỗ béo gia súc.
Do đó, việc hạn chế tiến tới lệnh cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, dây chuyền cung cấp thức ăn đòi hỏi cần có thời gian và sự hợp tác tích cực từ nhiều phía.
NAM VIỆT