Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh không những bảo tồn đa dạng sinh học mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho khu vực miền núi.
Khó khăn lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học chính là đời sống của người dân bản địa còn khó khăn, sinh kế thiếu bền vững. Thời gian qua, nhằm giúp cho người dân giảm nghèo vươn lên làm giàu, chính quyền huyện Nam Trà My đã vận động bà con thành lập các tổ nhóm hộ, mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng mới sâm; tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng sâm dưới tán lá rừng cho 1.000 hộ dân và cấp cây giống để họ trồng mới, tạo cho người dân có ý thức bảo vệ, phát triển cây thuốc quý này, cũng như bảo vệ rừng nguyên sinh. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hàng năm, từ các nguồn vốn khác nhau như Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Chương trình 135 của Chính phủ… địa phương đã hỗ trợ cho nhân dân các xã trung bình từ 20.000 đến 30.000 cây sâm giống. Do vậy, đến nay, nhân dân tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang đang hình thành 27 điểm trồng sâm, hơn 653.500 cây sâm với nhiều độ tuổi khác nhau. Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh giai đoạn 2015 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, tạo đột phá cho huyện Nam Trà My trong bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học, nâng cao đời sống của gần 6.000 hộ dân trong vùng quy hoạch. Theo quy hoạch, vùng sâm có diện tích 19.000ha, nguồn vốn dự án đầu tư 9.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 3.000 tỷ đồng.
Trồng sâm dưới tán rừng - một hình thức bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: T.N |
Niềm vui nhân đôi khi mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh về sự cần thiết của việc triển khai đề án Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh lựa chọn danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án thuộc đề án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh Quảng Nam. Trong đó ưu tiên đầu tư vào các nội dung thiết yếu không có khả năng xã hội hóa, gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định theo quy định. Sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu đặc thù, hiện nay mới chỉ phát hiện phân bố trên vùng sinh thái hẹp, dưới các tán rừng nguyên sinh quanh đỉnh núi Ngọc Linh, thuộc địa phận của huyện Nam Trà My; huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Sâm Ngọc Linh được xếp vào một trong 4 cây sâm quý nhất trên thế giới (sâm Mỹ, sâm Hàn Quốc, sâm Triều Tiên, sâm Ngọc Linh Việt Nam) đã được giới khoa học, các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao, không những về giá trị kinh tế, mà còn về công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Từ nhiều năm nay, sâm Ngọc Linh đã được người dân sử dụng để bồi bổ cơ thể, khôi phục thể lực, cầm máu, chữa rắn cắn, chữa tiêu chảy, hoặc đau bụng... Sâm Ngọc Linh hiện có giá trị kinh tế rất cao, khoảng 20 - 50 triệu đồng/kg (tùy theo độ tuổi của sâm). Hiện có một số đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh như Trại sâm giống Tắk Ngo (thôn 2 xã Trà Linh), do huyện Nam Trà My quản lý với hơn 20.000 cây sâm giống 2 năm tuổi; Trại dược liệu Trà Linh do UBND tỉnh Quảng Nam quản lý với tổng diện tích 7,127ha và tổng số 167.658 cây ở nhiều độ tuổi khác nhau.
TRẦN NGUYỄN