Chiến lược cho công nghiệp chế biến, chế tạo

HỮU PHÚC 27/04/2015 12:56

Sau thời gian dài kinh tế tăng trưởng chậm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã chiếm lĩnh phần lớn trong tổng giá trị sản xuất, kích cầu phát triển công nghiệp.

Phát triển mạnh

Trên địa bàn tỉnh, có ít nhất 6 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực da Giày và hầu hết đều ăn nên làm ra, điển hình như Công ty Giày Rieker Việt Nam, Công ty Phước Kỳ Nam. Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), giá trị sản xuất ngành da giày năm 2014 ước đạt 2.882 tỷ đồng (tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 6,5% trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp). Tương tự, sản xuất và lắp ráp ô tô xem là kinh tế mũi nhọn với giá trị ước đạt gần 13 nghìn tỷ đồng (chiếm 29% giá trị toàn ngành công nghiệp). Năm 2014, một số dòng xe đạt sản lượng cao như xe du lịch Kia/Mazda, xe bus, xe tải đều tăng số lượng ít nhất gấp 1,5 lần so với năm 2013.  

Đoàn công tác của tỉnh tham quan nhà máy sản xuất, lắp ráp máy phát điện tại khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Ảnh: HỮU PHÚC
Đoàn công tác của tỉnh tham quan nhà máy sản xuất, lắp ráp máy phát điện tại khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Ảnh: HỮU PHÚC

Từ cơ chế ưu tiên đặc thù mà các làng nghề truyền thống dệt phát triển mạnh, lần lượt khung dệt bằng gỗ, sắt đã chuyển sang khung dệt kiếm. Năm 2014 ngành dệt đạt doanh thu 623 tỷ đồng (tăng gần 58% so với năm 2013). Bứt phá nhất là ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Các doanh nghiệp lớn xuất gỗ trong tỉnh như Công ty CP Cẩm Hà (TP.Hội An), Công ty CP Lâm đặc sản Quảng Nam, Công ty CP Lâm sản Pisico Quảng Nam (trụ sở đóng tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xã Tam Nghĩa, Núi Thành) và Công ty CP Minh Dương (đóng ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai) đều ký kết xuất khẩu gỗ qua thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Từ đầu năm đến nay, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã mang về hơn 7 triệu USD. Đặc biệt, Công ty CP Minh Dương (đóng ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai) xuất khẩu đồ gỗ gia dụng năm qua đạt 126 tỷ đồng (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2013). Ngành công thương lạc quan cho rằng, năm nay nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty TNHH Hydra Việt Nam sản xuất tụ điện ô tô xuất khẩu, Công ty TNHH Hasegawa Việt Nam với dây chuyền sản xuất thang nhôm, Công ty TNHH Midori Safety Footwear Việt Nam sản xuất giày da… hứa hẹn tăng cao giá trị sản xuất công nghiệp.

Cơ chế hỗ trợ, khuyến khích

Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 của Quảng Nam ước đạt 42.748 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2013. Riêng 3 tháng đầu năm 2015 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao ở công nghiệp chế tạo động cơ xe (tăng gấp 2 lần), chế biến thực phẩm (tăng 41,5%) và chế biến xuất gỗ (tăng hơn 78%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Ý đồ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh thể hiện rõ qua quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Đáng lưu ý, giai đoạn 2013 - 2016, tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá với mục tiêu chiến lược đưa công nghiệp về khu vực nông thôn, miền núi. Đến nay, hàng loạt doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân, hộ kinh doanh có dự án đầu tư vào ngành dệt may, da giày, mây tre lá ở khu vực nông thôn được tạo điều kiện giảm lãi suất vay vốn ngân hàng. Theo Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành), cơ chế ưu đãi đặc thù này đã “giải cứu” được nhiều làng nghề đang hoạt động thoi thóp, cái lớn là giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương. Thực tế, từ khi cơ chế này ra đời, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhỏ và các làng nghề truyền thống như thủ công mỹ nghệ, đan lát, dệt chiếu cói, mây tre đã được hồi sinh mạnh mẽ. Gần đây, các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản có xu thế dịch chuyển về khu vực nông thôn.

Ông Lê Thành Lưu – Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, năm 2015, dấu ấn phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cơ khí chế tạo và ngành dệt may, da giày, chế biến nông lâm sản... sẽ rõ nét hơn. Các doanh nghiệp dần dà chuyển đổi hình thức gia công sang sản xuất và chế biến, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị. Thời gian đến, sẽ rà soát lại một số vùng nguyên liệu để cung ứng cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch lại vùng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; trồng mới các loại cây công nghiệp để cung ứng nguyên liệu như sắn, cây keo, cao su. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người sản xuất nguyên liệu được tham gia góp vốn với nhà máy và thu hút hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ dịch chuyển về nông thôn.

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (thuộc Bộ Công Thương) cho rằng, Quảng Nam đang trong “thời điểm vàng” để phát triển CNHT ngành cơ khí chế tạo, dệt may - da giày và chế biến các mặt hàng nông - lâm và thủy hải sản; xem đây là mục tiêu đeo đuổi đến cùng. Trước mắt, nên chọn những lĩnh vực thu hút đầu tư vốn là thế mạnh của ngành công nghiệp tỉnh, phân loại đối tượng phục vụ thị trường… Cho nên, cần có chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt có hậu thuẫn của Trung ương, cải cách hành chính kêu gọi đầu tư theo hướng nhanh, gọn…

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiến lược cho công nghiệp chế biến, chế tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO