Chiến lược đưa sâm Việt ra thế giới

HỮU PHÚC 09/01/2022 16:32

(QNO) - Quảng Nam vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt "Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045". Nếu được thông qua, đây sẽ là động lực để sản phẩm mang thương hiệu quốc gia phát triển xứng tầm và có cơ hội đưa sâm Việt ra thị trường thế giới.

Củ sâm Ngọc Linh. Ảnh: HP.
Củ sâm Ngọc Linh. Ảnh: HP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thông tin, dự thảo Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 do UBND tỉnh Quảng Nam trình và đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành. Từ việc Trung ương bố trí nguồn lực, ban hành cơ chế chính sách, xác định lộ trình đầu tư phù hợp, thì giấc mơ về ngành công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh sẽ được hiện thực hóa

Đầu tư nguồn lực cho sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh được phát hiện lần đầu tiên tại vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum năm 1985. Ngày 1.9.2015, Chính phủ đã thống nhất thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 tại Văn bản số 7168.

Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng. Ảnh: HP.
Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng. Ảnh: HP.

Sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp trong vùng trồng sâm.

Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đã được xác định 16.000ha, đến nay diện tích thực tế trồng gần 10.000ha và gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh.

 Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 loài sâm khác nhau, do vậy cần minh bạch về chất lượng của từng loại sâm để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết và sử dụng theo đúng giá trị thực của nó.

Những năm gầy đây, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum không ngừng xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam cùng với việc xây dựng quy trình sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh (bao gồm cả thuốc chữa bệnh) để tạo nên sản phẩm đặc hữu của quốc gia, góp phần phát triển ngành dược và kinh tế - xã hội của đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra một vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh (Nam Trà My). Ảnh: H.P
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra một vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh (Nam Trà My). Ảnh: H.P

Vì sao Chính phủ đã phê duyệt đề án, nay Quảng Nam lại tiếp tục đề xuất “Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045"?

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, bên cạnh những kết quả đạt, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chưa nằm trong một kế hoạch tổng thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực.

Do vậy, việc xây dựng “Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045” là rất cần thiết để tỉnh có cơ chế và dành nguồn lực phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa sâm Việt ra thế giới”.

Phát triển mạnh ngành công nghiệp sâm

Mục tiêu dài hạn đến năm 2045 là đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc; hằng năm sản xuất ra được từ 500 - 1.000 tấn.

Cụ thể, đến năm 2025, phát triển vùng sản xuất và cung ứng giống sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Mở rộng vùng trồng sâm nguyên liệu sâm Ngọc Linh tại 122 huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn quốc có độ cao 1.000m so với mực nước biển trở lên.

Xác định và quản lý được vùng trồng bảo tồn nguồn giống gốc (nhân giống bằng phương pháp hữu tính) và vùng trồng phát triển sâm (nhân giống bằng phương pháp hữu tính và vô tính). Thu hút từ 50 - 60 tổ chức đầu tư phát triển sâm giống và nhà máy chế biến các sản phẩm sâm Ngọc Linh như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm, các loại dược liệu khác…

Sản phẩm sâm Ngọc Linh được chào bán tại phiên chợ sâm Nam Trà My trước đây. Ảnh: HP.
Sản phẩm sâm Ngọc Linh được chào bán tại phiên chợ sâm Nam Trà My trước đây. Ảnh: HP.

Xây dựng từ 3 - 5 trung tâm kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn toàn quốc, qua đó kiểm soát được chất lượng sâm. Hoàn thiện bộ quy trình hướng dẫn trồng, chăm sóc cây sâm; hướng dẫn cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ Việt Nam; cấp mã số cơ sở trồng, cấp giấy phép, truy xuất nguồn gốc theo quy định.

Phấn đấu đến năm 2030, có 50 - 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu và chế biến sản phẩm. Thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 - 4.000 USD/năm. Có 50 - 100 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Mục tiêu đến năm 2045, có 500 – 1000 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc.

Tập trung nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển trồng sâm. Xác định được giống cây các tầng theo vùng và phương thức trồng lại rừng tự nhiên theo đề án trồng sâm; tầng cao của rừng là cây lấy gỗ lâu năm dưới trồng sâm và tầng giữa trồng cây ăn quả.

Theo UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam, diện tích trồng rừng sản xuất 92.000ha, chủ yếu là cây keo; kế hoạch của chương trình sẽ dần thay đổi toàn bộ diện tích trồng keo bằng các loại cây trồng khác như: cây gỗ lớn (giổi, chò, ươi,…); cây ăn quả có chất lượng (măng cụt, bưởi, sầu riêng,…); đồng thời tiến đến trồng sâm ở dưới tán rừng trồng.

Một cuộc hội thảo về phát triển sâm Ngọc Linh do UBND huyện Nam Trà My phối hợp với Báo Quảng Nam tổ chức năm 2018. Ảnh: HP.
Một cuộc hội thảo về phát triển sâm Ngọc Linh do UBND huyện Nam Trà My phối hợp với Báo Quảng Nam tổ chức năm 2018. Ảnh: HP.

Tuy nhiên, trong giai đoạn ngắn hạn 2021 – 2025, Quảng Nam gấp rút hoàn thành việc cấp giấy xác nhận quyền sử dụng môi trường rừng cho tất cả các hộ, nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn các vùng được quy hoạch, để có cơ sở cho các hộ, nhóm hộ đầu tư cơ sở vật chất để phát triển trồng sâm cung cấp giống cho sản xuất.

Hoàn thành hồ sơ thủ tục việc xác nhận nguồn gốc giống sâm; cấp mã số cơ sở trồng cấy nhân tạo sâm Ngọc Linh theo quy định cho các trại sâm gốc và từ 3.000 - 5.000 hộ dân trồng sâm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tỉnh Kon Tum trong vùng quy hoạch.

Đến năm 2030, 122 huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sâm Ngọc Linh đều có hợp tác xã trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu quý khác.

Phát triển du lịch và văn hóa sâm       

Giai đoạn 2022 – 2025, Quảng Nam sẽ đầu tư xây dựng Làng du lịch cộng đồng Mô Chai thôn 1 và Tắk Ngo thôn 2 và Tắk Lang thôn 3 xã Trà Linh (Nam Trà My) để đảm bảo du khách đến tham quan và lưu trú; kết nối với tuyến du lịch Khu di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, huyện Tiên Phước, Bắc Trà My để hàng năm đón từ 40.000 - 50.000 lượt người đến tham quan, khám phá vùng sâm Ngọc Linh.

Quảng Nam đầu tư mạnh vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh.
Quảng Nam đầu tư mạnh vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh.

Kêu gọi các doanh nghiệp, đóng vai trò chủ động trong việc đầu tư các cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch như: nhà nghỉ, khách sạn, các điểm vui chơi, giải trí... để thu hút khách du lịch.

Nâng cấp tuyến đường 40B đoạn Bắc Trà My - Nam Trà My; đường vùng sâm Trà Cang - Trà Tập; Trà Dơn - Trà Leng khoảng 65km. Phát triển văn hóa, du lịch gắn với vùng sâm Ngọc Linh.

Xây dựng hình ảnh văn hóa sâm Ngọc Linh cho người dân vùng đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My thông qua Lễ hội sâm Ngọc Linh với quy mô 5 năm/lần (cấp quốc gia), 1 năm/lần (cấp tỉnh). Duy trì tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản của huyện Nam Trà My hàng tháng.

Theo Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045, thì cần 24.200 tỷ đồng đầu tư các dự án trọng điểm về sâm Việt Nam. Trong đó, dự án hỗ trợ bảo tồn và phát triển giống sâm 5.000 tỷ đồng; phát triển ổn định an ninh sâm 200 tỷ đồng; phát triển du lịch vùng sâm Ngọc Linh 5.000 tỷ đồng; phát triển khoa học và công nghệ 2.000 tỷ đồng; dự án thành lập trung tâm kiểm định chất lượng sâm 500 tỷ đồng; đầu tư dự án hạ tầng vùng sâm 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự án hỗ trợ doanh nghiệp và truyền thông về sâm 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn trên được huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước; tự chủ của doanh nghiệp; các nguồn vốn hỗ trợ và tài trợ hợp pháp.
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiến lược đưa sâm Việt ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO