Chiến lược hợp tác, đầu tư mới giữa Quảng Nam và Chămpasak

ALĂNG NGƯỚC 26/06/2023 09:43

Trên cơ sở phát huy tối đối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, hai tỉnh Quảng Nam và Chămpasak (Lào) tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư thương mại, du lịch dịch vụ, logistics, nông - lâm nghiệp; đồng thời sớm kết nối hình thành tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa địa phương hai tỉnh…

Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam và Chăpasak ký kết các nội dung hợp tác phát triển thời gian đến. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam và Chăpasak ký kết các nội dung hợp tác phát triển thời gian đến. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đó là một trong các nội dung quan trọng được thông qua tại Hội đàm cấp cao giữa tỉnh Quảng Nam và Chămpasak nhằm đánh giá thực hiện các nội dung hợp tác giữa hai tỉnh giai đoạn 2016 - 2022 và thảo luận chương trình hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 diễn ra vào cuối tuần qua tại TP.Tam Kỳ.

Tham dự hội đàm có đồng chí Vi-lay-vông Bút-đa-khăm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Chămpasak; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh.

Tổng Lãnh sự Lào tại Đà Nẵng Su-phăn Hả-đao-hương; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Păk Sế (tỉnh Chămpasak) Nguyễn Văn Trung; cùng đại diện các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của hai tỉnh Quảng Nam - Chămpasak.

Hợp tác toàn diện

“Tỉnh Quảng Nam đã kề vai, sát cánh, hết lòng giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ quân dân Lào trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1948 - 1954) ở Khu kháng chiến Hạ Lào. Ngày nay, Khu kháng chiến Hạ Lào ở Quảng Nam vẫn còn lưu giữ những tư liệu quý giá và những hình ảnh của quá khứ; nơi đây được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và là minh chứng của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào”. 

(Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường)

“Tôi mong muốn Quảng Nam mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh sang đầu tư tại Chămpasak để tạo điều kiện, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân địa phương. Đồng thời tiếp tục hợp tác hàng hóa, trao đổi sản phẩm qua lại giữa hai bên, nhất là cà phê, trà…; đẩy mạnh hợp tác giao thông vận tải, hội nhập trong khu vực và quốc tế, trong đó có tỉnh Quảng Nam và Chămpasak”.

(Bí thư, Tỉnh trưởng Chămpasak Vi-lay-vông Bút-đa-khăm)

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, Quảng Nam và Chămpasak có nhiều điểm tương đồng; nhiều tiềm năng, lợi thế cần được hợp tác để cùng khai thác và phát triển, nhất là hợp tác trên lĩnh văn hóa, du lịch, nông - lâm nghiệp, thương mại, đầu tư, vận tải...

Được ký kết hợp tác từ năm 2007, những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai bên tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, phối hợp thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Biên bản ghi nhớ được ký kết vào năm 2016.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác về văn hóa, giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quảng Nam đã tiếp nhận và cấp học bổng cho 134 lưu học sinh tỉnh Chămpasak sang học tập; tỉnh Chămpasak cũng tiếp nhận cấp học bổng cho 8 cán bộ của Quảng Nam sang học tiếng Lào.

“Lãnh đạo cấp cao hai tỉnh duy trì các chuyến thăm, làm việc nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên; trong đó, chú trọng thúc đẩy hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và nhất là thu hút các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam sang đầu tư vào tỉnh Chămpasak” - đồng chí Phan Việt Cường chia sẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hợp tác giữa Quảng Nam và Chămpasak được đánh giá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Hợp tác về kinh tế, đầu tư thương mại, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai địa phương; doanh nghiệp, nhà đầu tư của Quảng Nam đầu tư vào Chămpasak vẫn còn ít; hạ tầng giao thông kết nối hai bên còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc hợp tác thúc đẩy hình thành tuyến hành lang kinh tế Đông Tây từ khu vực Đông Bắc Thái Lan qua tỉnh Chămpasak đến tỉnh Quảng Nam qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang chưa đạt kết quả như mong đợi...

Trong khi đó, hai tỉnh Quảng Nam và Chămpasak có nhiều điểm tương đồng, nhiều tiềm năng, lợi thế cần được hợp tác để cùng khai thác và phát triển, nhất là hợp tác trên lĩnh văn hóa, du lịch, nông - lâm nghiệp, thương mại, đầu tư, vận tải...

“Tỉnh Chămpasak là đầu mối quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất của khu vực Nam Lào. Tỉnh Quảng Nam nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây giúp khu vực Nam Lào giao thương hàng hóa đến Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam và thị trường các nước trong khu vực.

Vì vậy, tôi đề nghị hai bên cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch - dịch vụ và logistics, sớm hình thành tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa Chămpasak - Nam Lào - Quảng Nam và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang tỉnh Quảng Nam” - đồng chí Phan Việt Cường nhấn mạnh.

Chiến lược đầu tư mới

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, dư địa và tiềm năng hợp tác giữa hai tỉnh Quảng Nam và Chămpasak là rất lớn và chưa khai thác hết, nhất là ở các lĩnh vực như nông - lâm nghiệp, văn hóa - du lịch, dịch vụ và logistics. Năm 2012, lãnh đạo hai tỉnh đã đặt ra vấn đề hợp tác thúc đẩy sớm hình thành tuyến hành lang kinh tế Đông Tây kết nối Chămpasak - Nam Lào - Quảng Nam và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Câu chuyện đó đã 11 năm và cửa khẩu chính Nam Giang nay đã thành cửa khẩu quốc tế; tuyến quốc lộ 16B phía tỉnh Sê Kông đã được đầu tư hoàn chỉnh kết nối thống suốt với Chămpasak đến tận Đông Bắc Thái Lan và Tây Bắc Campuchia. Nhiều diễn đàn, hội nghị kết nối đầu tư, thương mại giữa hai bên được tổ chức và “làm được nhiều việc”.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tặng quà lưu niệm cho Bí thư - Tỉnh trưởng Chămpasak Vi-lay-vông Bút-đa-khăm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tặng quà lưu niệm cho Bí thư - Tỉnh trưởng Chămpasak Vi-lay-vông Bút-đa-khăm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tuy nhiên, điều quan tâm lớn nhất hiện nay là tuyến quốc lộ 14D từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang về đường Hồ Chí Minh đoạn Bến Giằng vẫn chưa được đầu tư mở rộng. Theo đó, việc đi lại chưa được thuận lợi khiến phần nào ảnh hưởng đến tiến độ hình thành tuyến hành lang kinh tế Đông Tây kết nối thông suốt Nam Lào với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Tỉnh Quảng Nam đang quyết tâm để báo cáo, đề xuất Trung ương và tìm kiếm giải pháp tối ưu sớm đầu tư mở rộng tuyến đường này nhằm mở nút thắt khơi thông Nam Lào với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Để hợp tác giữa hai tỉnh đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị tập trung hợp tác ở một số lĩnh vực kinh tế, đầu tư thương mại, du lịch dịch vụ, logistics, nông - lâm nghiệp, nhất là hợp tác đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa nông nghiệp phục vụ cho xuất khẩu.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của mỗi địa phương nhằm khuyến khích phát triển hoạt động giao thương giữa hai bên. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của hai tỉnh trong việc đầu tư, thực hiện thông quan hàng hóa, khách du lịch tại Cửa khẩu quốc tế Vàng Tao (Chămpasak) và Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam).

Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối giữa hai bên nhằm sớm hình thành tuyến hành lang kinh tế Đông Tây; quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của hai nước tiếp tục hỗ trợ để tạo điều kiện cho phương tiện của hai bên qua lại được thuận lợi...

Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục và đào tạo; tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức các hoạt động kết nối du lịch, nhất là kết nối giữa các di sản văn hóa thế giới của hai tỉnh; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trên lĩnh vực quản lý, khai thác và trùng tu di sản văn hóa giữa khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam và Di sản văn hóa thế giới Wat Phu, quần thể du lịch sinh thái Xì-phăn-đon thuộc tỉnh Chămpasak.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiến lược hợp tác, đầu tư mới giữa Quảng Nam và Chămpasak
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO