Chiến lược năng lượng tái tạo của ASEAN

QUỐC HƯNG 08/06/2015 10:18

Trong chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường bền vững, các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) rất chú trọng đến phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Trước sức ép của biến đổi khí hậu, sự biến động giá cả, trữ lượng của nguồn nhiên liệu truyền thống từ dầu mỏ, than đá nên trong những năm qua, các nước ASEAN ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Một tín hiệu khả quan khi trong báo cáo Triển vọng kinh tế ASEAN được công bố vào tuần trước, Viện Kế toán công chứng Vương quốc Anh và xứ Wale (ICAEW) cho biết, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực với việc phát triển tỷ trọng điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo nhanh nhất. Cụ thể, trong vòng 10 năm từ 2002-2012, sản lượng năng lượng tái tạo tại Việt Nam tăng 83%, đạt 34 triệu kWh điện. Trong đó, năng lượng hydro (được sản xuất từ nước và năng lượng mặt trời) chiếm gần một nửa tổng lượng điện phát ra.

Một loại thiết bị nước máy nóng lạnh của Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng mặt trời (AP).
Một loại thiết bị nước máy nóng lạnh của Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng mặt trời (AP).

Tuy nhiên, ICAEW khẳng định, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong chiến lược phát triển “xanh” khi chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất. Lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các ngành sản xuất công nghiệp ít nhiều sẽ tác động tiêu cực đến môi trường nếu không được quản lý chặt chẽ. Dù vấn đề năng lượng tái tạo luôn nằm trong các chương trình nghị sự của ASEAN nhưng nhiều nước có nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực chưa đáp ứng mục tiêu về năng lượng tái tạo. Do đó, việc phát triển vượt ngưỡng từ nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu các tác động vào môi trường và ASEAN sẽ trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn hơn.

Mark Billington, Giám đốc ICAEW tại khu vực ASEAN nói, riêng Singapore được xem là quốc gia khá thành công trong chiến lược phát triển xanh khi từ năm 1994, duy trì giảm lượng khói thải. Tuy nhiên, “đảo quốc sư tử” cũng cần làm nhiều hơn nữa nếu như muốn tăng sản lượng năng lượng tái tạo lên 10% vào năm 2020. Nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Indonesia dự kiến với tỷ lệ tăng trưởng 6,3% vào năm 2018, nhưng môi trường xuống cấp vẫn là một thách thức rất lớn. Còn Malaysia, với mục tiêu trở thành một trong những quốc gia có thu nhập cao vào năm 2020, quốc gia này đồng thời cần tăng sản lượng năng lượng tái tạo để đáp ứng 2080MW điện.

Báo cáo của ICAEW thu hút nhiều chú ý của dư luận bởi ngay trong lúc này, tại thành phố Bonn của nước Đức đang diễn Đàm phán Bonn (từ ngày 1 đến 10.6). Sự tham dự của 195 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc sẽ tìm một thỏa thuận sơ bộ đa phương đầu tiên nhằm chuẩn bị cho văn bản thỏa thuận cuối cùng về biến đổi khí hậu. Dự kiến thỏa thuận trên sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thức 21, diễn ra tại Paris (Pháp) vào đầu tháng 12.2015. Đây là một sự kiện mang tính quyết định đến môi trường toàn cầu.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiến lược năng lượng tái tạo của ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO