Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam: Thách thức từ bạo lực gia đình

B.T.V 17/06/2016 09:39

Bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là mối quan tâm lớn của xã hội. Đây là thực trạng làm phá vỡ cấu trúc nhiều gia đình và là thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam trong tình hình mới.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trung bình mỗi năm trên cả nước có khoảng 8.000 vụ ly hôn có nguyên nhân từ BLGĐ. Còn một kết quả nghiên cứu của Hội LHPN Việt Nam thì cho biết có tới 72% số vụ xung đột có nguyên nhân từ sự mặc cảm của những ông chồng khi cảm thấy địa vị trụ cột gia đình của mình bị lung lay. BLGĐ để lại những hậu quả hết sức tiêu cực: 87,5% số vụ gây tổn hại về sức khỏe, thể chất; 89% gây tổn thương về tâm lý, tinh thần, 90% gây tan vỡ gia đình; 89% gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội;  91% ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, gây mất niềm tin vào gia đình, dẫn đến chán học, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, hàng năm có hơn 27% số phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng, mà nguyên nhân từ BLGĐ. Tại Quảng Nam, hàng năm có khoảng 150 - 200 lượt nạn nhân BLGĐ đến cơ sở y tế khám và điều trị.

Những con số vừa nêu cho thấy, BLGĐ dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình là những hành vi xảy ra trong gia đình, thể hiện rõ tính xâm phạm và ngược đãi về thể xác hay tinh thần, tình cảm giữa các cá nhân trong gia đình. BLGĐ là sự lạm dụng quyền lực, vũ lực nhằm hăm dọa hoặc đánh đập một người thân trong gia đình để điều khiển hay kiểm soát người đó… Và ở đó, những mâu thuẫn về kinh tế, các hành vi bạo lực, sự thiếu chung thủy, bất bình đẳng về giới, sự xâm phạm của các tệ nạn xã hội, việc xem cha mẹ già yếu là gánh nặng về kinh tế, sự thiếu quan tâm đến con cái, kể cả sự âm thầm gánh chịu bạo lực của phụ nữ… là chủ nhân làm phá vỡ “các tế bào xã hội”, là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng đối với trẻ em (bị bỏ rơi, thất học, đi bụi…), là nỗi đau khổ của người già, là sự bất an đối với xã hội và là thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu cụ thể của “Chiến phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng chống BLGĐ đến năm 2020 của UBND tỉnh, Quảng Nam sẽ có hơn 85% số gia đình được tiếp cận thông tin về phòng chống BLGĐ trong năm 2016, và đến năm 2020 con số này sẽ là 95%. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu, trong năm 2016 có hơn 50% số cán bộ công tác liên quan đến lĩnh vực phòng chống BLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chương trình hành động. Phấn đấu có hơn 70% số nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; hơn 60% số xã, phường, thị trấn (vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đạt hơn 40%) xây dựng và nhân rộng mô hình  phòng chống BLGĐ. Đến năm 2020, hơn 95% số nạn nhân được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ; hơn 90% số gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Bên cạnh đó, chương trình hành động hướng đến mục tiêu trong năm 2016 có 90% số nam, nữ thanh niên được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng chống BLGĐ trước khi kết hôn, và con số này vào năm 2020 là 95%. Trung bình hàng năm giảm từ 10 - 15% số gia đình có BLGĐ, giảm từ 10 - 15% số gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, giảm 15% số gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định. Đạt 85% vào năm 2016 và 95% vào năm 2020 về số gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo tạo điều kiện cho con cháu phát triển toàn diện, không phân biệt trai hay gái… Những chỉ tiêu, mục tiêu này đòi hỏi phải có một sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành và trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc xây dựng và bảo vệ cấu trúc gia đình trong tình hình mới.

Ảnh internet
Ảnh internet

Để bảo vệ các “tế bào của xã hội”, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về các đạo luật liên quan đến phòng chống BLGĐ, về hôn nhân và gia đình, về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, đặc biệt quan tâm tuyên truyền giáo dục cho nam giới, phụ nữ ở các vùng nông thôn, miền núi. Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tộc họ văn hóa; tiếp tục tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả của các tổ hòa giải ở cộng đồng; phát huy vai trò của gia đình, họ hàng, láng giềng trong việc phòng chống BLGĐ. Chú trọng việc phát triển kinh tế gia đình kết hợp với việc giữ gìn nền nếp, gia phong; tăng cường ngăn chặn các tệ nạn xã hội… nhằm góp phần làm cho nhà nhà yên vui, người người hạnh phúc.

B.T.V

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam: Thách thức từ bạo lực gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO