Đồn Biên phòng Đắc Pring (Đồn 661) thuộc địa phận xã Đắc Pring, huyện Nam Giang tiếp giáp với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, nằm cách trung tâm thị trấn Thành Mỹ hơn 70 cây số. Chúng tôi phải băng rừng lội suối và vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, dốc cao khúc khuỷu để đến đó, tìm gặp Đại úy ALăng Sơn - một người con của núi rừng ngày ngày vẫn giữ chắc tay súng và chia sẻ những khó khăn với đồng bào mình.
ALăng Sơn (dân tộc Cơ Tu) sinh ra và lớn lên giữa những cánh rừng thâm u trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tình yêu đồng bào, biên giới đã giúp anh nỗ lực trở thành người chiến sĩ nắm chắc tay súng canh giữ quê hương. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Sơn là người năng nổ tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng. Anh cho biết, do là người dân địa phương nên mình có lợi thế trong công tác vận động quần chúng. Vì vậy, hàng năm Đồn 661 đều tổ chức nhiều đợt để Sơn và các chiến sĩ khác đến nhiều cụm bản xa xôi để tuyên truyền, vận động bà con dần loại bỏ hủ tục lạc hậu trong việc cưới hỏi, tang lễ, cúng bói và hướng dẫn đồng bào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. “Vào những tháng cuối năm thường có mưa tầm tã, Đồn 661 có kế hoạch cho lập kho gạo trung chuyển, làng nào thiếu ăn, từng tốp chiến sĩ không quản đường sá trơn trượt để gùi gạo cứu dân, phân phát đến từng hộ gia đình khi mùa màng chưa giáp hạt. Vất vả nhất là gùi gạo đến làng Pêtapot, ngôi làng được bộ đội biên phòng phát hiện vào năm 1990 trong một chuyến tuần tra đường biên, anh em phải lội suối khe Lên, sông Rin và mất đứt cả ngày đường vật vã đi bộ” - anh Sơn nói.
Đặc biệt, ALăng Sơn luôn sát cánh cùng ban giám hiệu các trường mầm non, tiểu học và THCS đóng chân trên địa bàn trong việc vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, tham gia làm nhà bán trú, sửa chữa đường ống nước để đảm bảo nguồn nước sạch cho các em sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, hàng tháng anh em trong đơn vị còn đóng góp tiền cá nhân tùy theo tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập. Anh Sơn chia sẻ: “Nhiệm vụ của đơn vị cũng chính là công việc của địa phương và ngược lại. Vì thương buôn làng nên anh em không quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Nhìn thấy các em cắp sách đến trường, đánh vần ê a từng con chữ là xúc động, mơ ước bản làng mình sau này sẽ có những người tài giỏi góp sức xây dựng quê hương”.
Trong ba năm trở lại đây, anh Sơn còn phối hợp với chính quyền địa phương đứng ra mở lớp học xóa mù chữ ban đêm nhằm giúp bà con dân bản biết đọc, biết viết và tăng cường dạy tiếng Việt để tháo gỡ những khó khăn trong giao tiếp. Qua đó anh và các chiến sĩ trong đơn vị tuyên truyền để bà con xây dựng nếp sống văn hóa, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước để đồng bào thực hiện và noi theo. Đặc biệt, để động viên các thầy cô giáo miền ngược và miền xuôi yên tâm “bám núi”, lực lượng bộ đội biên phòng thường đến động viên, chia sẻ khó khăn, tổ chức giao lưu văn nghệ để thầy cô vơi đi nỗi nhớ nhà và thắt chặt nghĩa tình nơi biên giới xa xôi… Ghi nhận những cống hiến xuất sắc đó, năm 2013, anh Sơn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào phòng chống tội phạm ma túy. Đây quả là niềm tự hào của một chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi rẻo cao này.
QUYNH THU