Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn không ngần ngại nói rằng, “chiến thắng” lớn nhất của Phước Sơn là đã tiên phong hoàn thành những cung đường giao thông cho miền núi.
Không phải ngẫu nhiên khi cho rằng việc hoàn thành đường giao thông liên xã vùng cao Phước Sơn lại có ý nghĩa đến như vậy. Trước đây, ngay cả các phu vàng lừng lẫy cũng phải lắc đầu ngao ngán trước những cung đường hiểm trở của xã Phước Chánh, Phước Thành…Từ trung tâm thị trấn Khâm Đức, muốn đến những xã này có khi mất 2 ngày, chưa kể vào mùa mưa lũ. Nhớ lại thời điểm đó, thầy Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc kể: “Vào mùa mưa trả 2 triệu đồng cho một chuyến xe ôm từ Phước Thành vào đây mà còn bị từ chối. Bởi muốn chở 1 người đến đây thì phải đi thêm 2 người nữa, đến khi qua ngầm, qua suối thì có người để khiêng xe qua. Thời đó, 2 triệu đồng to lắm, vậy mà vẫn bị từ chối vì họ sợ vào rồi bị mắc kẹt trong này, không ra được…”.
Đường vào thị trấn Khâm Đức - Phước Sơn.Ảnh tư liệu |
Giờ cũng khoảng đường đó, chỉ mất gần một tiếng đồng hồ là đã đến nơi, không hề xuống xe đẩy bộ. Những đoạn đường khó khăn nhất đã được thảm nhựa, đổ bê tông phẳng lì. “Khó khăn nhất là làm đường. Có đường là có điện, là có giao thương, buôn bán, là nguyên vật liệu được chở vào đầy đủ, là cái chữ được thầy cô “cõng” về… Chính vì vậy, những năm qua chính quyền huyện luôn nỗ lực để có thể hoàn thành được mục tiêu”- ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói. Không những hoàn thành tuyến đường giao thông vào đến trung tâm của 5 xã vùng cao, huyện Phước Sơn đang nỗ lực để hoàn thành tuyến giao thông vào các điểm thôn. Toàn huyện có 66 thôn thì 62 thôn đã có đường ô tô vào đến nơi. Và riêng Phước Sơn làm xong việc đó. “Phước Sơn là vùng núi hiểm trở, các điểm thôn, xã lại cách xa nhau nên việc làm đường hết sức khó khăn. Nhiều người dân đến nay vẫn không dám tin là đã có đường vào được đến thôn, bởi ai cũng thừa hiểu điều đó rất khó khăn. Nhưng giờ thì tốt quá rồi, dân đã có đường để đi, mọi thứ cũng theo đó mà phát triển thôi…”- ông Hồ Văn Điều, nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn nói.
Những vùng xa ở Phước Sơn nay đã xây đường, bắc cầu. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Những cung đường “tử thần” nổi tiếng trước đây ở các xã Phước Chánh, Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc giờ như một dải lụa dài, vắt qua những sườn núi. “Trước đây, muốn đi ra Khâm Đức làm giấy tờ, họp hành gì cũng nản. Điện đài thì không có, đường thì bị chia năm xẻ bảy. Gần 2 ngày trời mới tới nơi nên ai cũng ngại. Việc về thăm nhà mỗi dịp nghỉ lễ của các thầy cô ở trường vì thế mà cũng gian nan hơn bao giờ hết nên hầu như là không về. Tiền lương một tháng không đủ cho chuyến xe ôm. Giờ thì chỉ ngồi trên xe máy, 2 tiếng đồng hồ là đến nơi, không phấn khởi mới lạ…” - thầy Nguyễn Văn Ánh cười bảo.
Ở những nơi xa xôi nhất, tập tục là một thứ quyền năng không ai có thể xâm phạm. Điều kiện thiếu thốn, dân trí còn thấp, tư duy của họ không thể thoát khỏi những tập quán cũ. “Không có đường, trạm y tế lại ở xa nên mỗi khi có người bị bệnh, dân làng thường để ở nhà, thậm chí cách ly. Có trường hợp “gánh” người bệnh đi chữa thì được nửa đường lại phải về, vì chưa kịp tới nơi người bệnh đã mất. Nỗi sợ con ma rừng trở nên lớn hơn bao giờ hết. Giờ có đường rồi, điện cũng có rồi. Cán bộ thường xuyên đến với dân hơn, những ám ảnh xưa cũ đã dần được thay đổi…”- già Hồ Văn Sách, thôn 8A, xã Phước Lộc nói.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, từ khi hoàn thành hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã cho 5 xã vùng cao, đời sống của người dân đã có những cải thiện rõ rệt. “Muốn làm một công trình gì hay xây dựng cơ sở vật chất thì việc đầu tiên phải có đường để vận chuyển nguyên liệu vào mới làm được. Bởi vậy mới nói có đường là có tất cả. Cũng chính vì thế mà chính quyền huyện tập trung mọi nguồn lực, tổ chức lồng ghép các chương trình để huy động nguồn vốn phục vụ cho việc xây dựng đường giao thông cho các xã vùng cao…”- ông Hà cho biết.
Cũng theo ông Hà, những xã vùng cao Phước Sơn hiện nay sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, kinh tế rừng. Khi đã hoàn thành hệ thống đường giao thông, huyện sẽ đẩy mạnh công tác phát triển kinh tế cho những vùng này. Cụ thể là phát triển việc trồng keo, bời lời và đặc biệt là cây quế. “Mới đây, Phước Sơn đã xin gia nhập Hiệp hội Quế Quảng Nam để tìm hướng phát triển bền vững cho người dân ở những vùng cao, khó khăn của Phước Sơn. Quế được người dân ví là “cây trời” giúp họ có cái ăn, cái mặc. Họ tôn sùng nó. Vậy nên huyện sẽ có phương án cụ thể để phát triển cây quế thành thương hiệu, tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống dân sinh”- ông Hà nói thêm.
NGUYỄN DƯƠNG