Xuân 160 năm trước, vào hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Kỷ Mùi 1859, Đà Nẵng chìm trong khói lửa bởi trận tiến công vào quân xâm lược của quân dân ta. Xuân này, xin thắp nén hương tưởng nhớ người xưa!
Một bức tranh của Pháp mô tả một trận đánh ở Đà Nẵng năm 1859. (Ảnh tư liệu) |
Sau trận đánh ngày 6.10.1858 Lê Đình Lý bị thương nặng phải xin về quê dưỡng thương và qua đời, Chu Phúc Minh được triều đình Huế cấp tốc cử vào Đà Nẵng thay thế. Nhưng rồi cũng chưa yên tâm nên Tự Đức phải đưa Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển từ Gia Định ra thay. Không có tài liệu nào cho biết các ông được bổ nhiệm ngày nào. Đại Nam thực lục chỉ ghi ngắn gọn: “Cho Kinh lược sứ là Nguyễn Tri Phương sung làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam, Chu Phúc Minh đổi sang làm Đề đốc quân vụ…” (trang 569). Như vậy sớm nhất phải đến đầu tháng 11.1958, Nguyễn Tri Phương mới có mặt ở Đà Nẵng.
Chiến trường Đà Nẵng Tết Kỷ Mùi
Sau một thời gian điều nghiên mặt trận, Nguyễn Tri Phương mới đề ra chiến thuật cho chiến trường và gửi sớ tâu trình lên triều đình. Trước thực tế họ Nguyễn chủ trương “Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn lũy để dần dần tiến gần đến giặc. Đợi thời điểm phù hợp, thời cơ thuận lợi sẽ tấn công toàn diện đuổi giặc ra khỏi lãnh thổ”.
Chiến thuật “thủ để chiến” của Nguyễn Tri Phương được thể hiện cụ thể trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ và cuộc phản công vào mùng 4 Tết Kỷ Mùi.
Muốn “thủ” trước hết phải có phương tiện phòng thủ đó là hệ thống đồn lũy vững chắc. Đầu năm 1859, Nguyễn Tri Phương bắt tay vào xây dựng hệ thống phòng thủ, hình thành đồn Liên Trì và hệ thống lũy giăng kéo dài từ thành Điện Hải bao quanh Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián đến tận Liên Trì. Bên ngoài lũy là hào sâu đào theo kiểu chữ “Phẩm” (品). Bên dưới hào có cắm chông tre, trên đậy bằng vỉ tre phủ đất và trồng cỏ ngụy trang, sau lũy cho quân sĩ mai phục sẵn sàng nổ súng chống trả khi quân địch xuất hiện.
Thời cơ đã đến khi Rigault de Genouilly cảm thấy “bế tắc” ở Đà Nẵng do chiến thuật phòng thủ vững chắc của ta lại thêm bệnh dịch và thiếu lương thực nên vào ngày 2.2 (29 tết) đã dẫn hơn 2.000 quân vào đánh Gia Định, quân Pháp còn lại ở Đà Nẵng không nhiều. Nguyễn Tri Phương cho phản công ngay, vào ngày 6.2 - mùng 4 tết. Nói về trận chiến này sách Đại Nam thực lục chỉ ghi ngắn gọn: “Thuyền quân của Tây Dương vào bãi biển, bọn Thị vệ là Hồ Oai, Cai đội là Tôn Thất Thi, Anh danh là Nguyễn Nghĩa bắn chìm được 3 chiến thuyền”.
Nói về sự chuẩn bị của quân Nguyễn Tri Phương, bác sĩ Benoist de La Grandière viết: “Người An Nam tiếp tục công việc xây dựng hàng ngày của họ với những đường chiến tuyến nhích dần về phía chúng tôi. Các ụ pháo của họ hướng qua sông Hàn và có thể gây thiệt hại lớn cho đội tàu của chúng tôi, do vậy các vị trí của họ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với chúng tôi” (Dẫn lại của Nguyễn Quang Trung Tiến trong Nghiên cứu Lịch sử Xứ Quảng, số 11, tháng 9.2018). Nói về trận chiến cũng Benoist de La Grandière mô tả: “Họ chọn đúng thời điểm để tấn công, và ngày 6 tháng 2 năm 1859, họ khai hỏa ở tất cả các ụ pháo vào đoàn thuyền và vào thành An Hải. Đường đạn của họ đã trở nên ổn định hơn và nhiều quả đạn của họ nhắm đến những thuyền nhỏ có cắm cờ chỉ huy hoặc rơi vào thành An Hải” (Nguyễn Quang Trung Tiến).
Còn Đại tá Henri de Ponchalon thì viết: “Vào ngày 6.2.1859, để mừng năm mới, người An Nam đã thực hiện đợt tiến công đầu tiên. Buổi trưa vào giờ ăn… tất cả ụ pháo và các pháo đài mới xây dựng của họ đồng loạt khai hỏa… Tiếng đạn pháo của hai bên nổ liên hồi. Cuối cùng, khoảng 1 giờ chiều quân An Nam ngưng bắn…” (Nguyễn Quang Trung Tiến, tài liệu đã dẫn).
Để trả thù, chiều ngày 6.2 quân Pháp dưới sự chỉ huy của Đại tá Faucon đem quân đánh đồn Hải Châu nhưng bị Thị vệ Hồ Oai, Cai đội là Tôn Thất Thi, Anh danh là Nguyễn Nghĩa chỉ huy quân sĩ đẩy lui, sau khi bắn chìm ba giang thuyền của Pháp. Hôm sau, ngày 7.2 Faucon đem quân phục hận. Đồn Hải Châu bị tấn công từ ba phía với lực lượng đông đảo và hỏa lực mạnh hơn rất nhiều. Hai Hiệp quản Nguyễn Tĩnh Lương và Lê Văn Đa trúng đạn tử vong tại trận. Đề đốc Chu Phước Minh phải lui quân về cố thủ đồn Phước Ninh. Tướng Nguyễn Duy cùng Phan Gia Vĩnh đem quân cứu viện đẩy lui quân Pháp lấy lại đồn Hải Châu. Faucon phải rút quân về bên kia sông Hàn và cố thủ để đợi Rigault de Genouilly quay lại.
Trận chiến có ý nghĩa lớn
Lâu nay chúng ta ít nghiên cứu kỹ trận chiến vào hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Kỷ Mùi trong cuộc chiến ở Đà Nẵng giai đoạn 1858 - 1860, nên chưa thấy hết ý nghĩa to lớn của nó. Đây là trận chiến thể hiện tư duy chiến thuật sáng suốt của Nguyễn Tri Phương, rất phù hợp với thực tế cuộc chiến: về chủ trương và chiến thuật của Pháp, về tương quan lực lượng giữa hai bên. Điều đó chứng tỏ Nguyễn Tri Phương là vị tướng “biết tiến biết thủ”, “biết ta biết địch”.
Trận chiến đó cũng góp phần phá sản chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp, khiến Rigault de Genouilly nhụt chí, người Pháp phải cay đắng thú nhận sự thất bại của mình để từ bỏ việc đánh chiếm Đà Nẵng rút toàn bộ quân đội vào ngày 23.3.1860. Điều này đã thể hiện rõ qua các báo cáo chính thức của Pháp: “Tin tức từ Tourane cho thấy người An Nam đang chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến tràn đầy sức sống… Vào ngày 6 và 7.2 (mùng 4 và 5 Tết Kỷ Mùi) quân An Nam được khuyến khích bởi sự ra đi của các tàu viễn chinh, đã cố gắng thực hiện một nỗ lực mới để đẩy chúng ta khỏi dòng sông Hàn và các đồn chúng ta chiếm đóng ở đó. Hai trường hợp này rất đáng lưu ý đối với quân đội của chúng ta, bởi chúng chứng minh rằng người An Nam đã không mất hy vọng trục xuất chúng ta khỏi bờ biển của họ”! (Nguyễn Quang Trung Tiến).
Việc nghiên cứu kỹ lưỡng và khách quan thông qua trận chiến này giúp chúng ta có cái nhìn chính xác hơn về lịch sử, có sự đánh giá “bình tĩnh” và “nhân văn” hơn đối với người trước, chứ không phải như một số đánh giá gây hàm oan trước đây, như: “Đại quân của tướng Nguyễn Tri Phương vẫn cứ án binh bất động trước một đạo quân xâm lược ít hơn đang bị cô lập, bị dịch bệnh, thuốc men, lương thực đều thiếu… và đang kêu cứu”! (Hoàng Văn Lân - Nguyễn Thị Chinh, Lịch sử Việt Nam - 1858 - cuối thế kỷ 19, Nxb Giáo Dục, tr.9).
LÊ THÍ