Tạp chí eLife vừa công bố kết quả nghiên cứu rất thú vị về chiều cao của người dân các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nghiên cứu được tiến hành bởi 800 nhà khoa học về sức khỏe thuộc nhóm NCD Risk Factor Collaboration liên kết với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về xu hướng tăng chiều cao ở người trưởng thành tại 187 quốc gia trong một thế kỷ qua. Theo đó, Hà Lan là đất nước sở hữu những người đàn ông cao nhất thế giới với chiều cao trung bình đáng kinh ngạc là 183cm trong khi phụ nữ của Latvia có chiều cao trung bình cao hơn đất nước nào khác với 173cm. Đáng nói, chỉ hai thế kỷ trước, người Hà Lan thuộc nhóm có chiều cao thấp nhất thế giới. Nhưng trong nhiều năm qua, Hà Lan lọt vào top các quốc gia giàu có, hạnh phúc và đáng sống nhất thế giới.
Nhiều người dân Hà Lan có thói quen sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại. Ảnh: Wordpress |
Tương tự, đàn ông của quốc gia Hồi giáo Iran và phụ nữ xứ sở kim chi - Hàn Quốc có mức độ tăng trưởng chiều cao rất nhanh, thêm 16cm và 20cm tương ứng. Ngược lại, quốc gia non trẻ nhất khu vực Đông Nam Á là Đông Timor (được thành lập vào năm 2002) là nơi đàn ông thấp bé nhất hành tinh với chiều cao trung bình khoảng 160cm. Còn phụ nữ thấp nhất hành tinh là tại quốc gia khu vực Trung Mỹ - Guatemala, trung bình 150cm, tức không cao hơn bao nhiều so với một thập kỷ trước là 148cm. Ngoài ra, nhóm các nước có chiều cao thuộc hàng thấp nhất phải kể đến Philippines, Bangladesh, Nepal, Madagascar, Lào, quần đảo Marshall, Ấn Độ và Indonesia.
Nhìn chung, xu hướng phát triển chiều cao thường tập trung nhiều hơn vào các quốc gia thuộc khu vực châu Âu. Khu vực châu Mỹ thì ngược lại. Nếu như vào năm 1914, chiều cao trung bình của nam giới tại khu vực đứng thứ ba trong khi nữ giới cao hàng thứ tư thế giới, nay chiều cao của họ rớt xuống hàng thứ 37 và 42 tương tứng. Còn tại khu vực châu Á, Nhật Bản được xem là một trong những đất nước điển hình về người dân có tỷ lệ tăng trưởng chiều cao nhanh nhất khu vực. Trong vòng 100 năm qua, chiều cao ở nam giới trung bình tăng thêm gần 3cm trong khi nữ giới hơn 2,5cm. Qua công bố nghiên cứu mới của eLife cũng cho thấy chiều cao của người Việt Nam tăng trung bình từ 147cm lên 153,3cm, từ năm 1896 - 1996. Việt Nam không nằm trong nhóm quốc gia có chiều cao trung bình cao nhất hoặc thấp nhất nhưng theo bảng xếp hạng của eLife, thứ hạng của Việt Nam lại giảm từ hạng 182 thế giới xuống hạng 188/200 quốc gia trong danh sách.
Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu đó, các nhà khoa học kết luận rằng, những yếu tố chính quyết định đến tăng trưởng chiều cao của mọi người là tiêu chuẩn về chăm sóc sức khỏe, môi trường, vệ sinh, dinh dưỡng, sức khỏe và dinh dưỡng của người mẹ trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, những người cao hơn bố mẹ của mình còn có thể xuất phát từ việc các tế bào gen đột biến được khích thích hay được chăm sóc tốt hơn. Một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm là sự tương ứng giữa chiều cao và sức khỏe của con người. Các nhà khoa học của nhóm NCD Risk Factor Collaboration và các chuyên gia của WHO cho rằng, những người cao hơn có xu hướng sống thọ hơn khi họ ít có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nhóm người này lại dễ có nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư, nhất là đại tràng, trong khi đó phụ nữ dễ đối mặt với bệnh ung thư vú sau mãn kinh và ung thư cổ tử cung. Các chuyên gia sức khỏe cho rằng chính phủ một số nước cũng cần quan tâm hơn đến hệ thống y tế hay bảo hiểm y tế, chăm sóc trẻ sơ sinh yếu kém kể cả bệnh béo phì để kích thích tăng trưởng chiều cao.
QUỐC HƯNG