Chúng ta đang chứng kiến những cơn gió ngược thốc bụi mù vào cỗ xe kinh tế đời sống.
Ngược một cách oái ăm là một mặt kêu gọi nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa mặt khác lại đẻ ra những tấm chắn. Ồn ào dư luận là các trạm BOT thu phí giao thông. Chưa nói có thể ẩn sau nhiều cái trạm là tham nhũng bết bát mà chỉ riêng cái việc chặn đường dày đặc, bình quân 62km có 1 trạm, bắt xe cộ dừng lại thu phí chính là cản tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Bởi lẽ chi phí vận chuyển (một phần trong logistics) quá lớn đã làm đội giá thành lên cao rồi; thêm chuyện tốc độ xe “rùa bò”, “đi dạo” qua 88 trạm BOT trên quốc lộ 1 thì hàng hóa sao mà đưa nhanh ra thị trường.
Đi đường thì bị chặn như vậy, còn ở kho hay đến nơi sản xuất, tiêu thụ lại thêm cả “rừng thủ tục” làm cho hàng hóa khó thông thương. Chẳng hạn, theo thông tin của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện có 100 ngàn mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, và mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành. Buồn cười như để sản xuất mặt hàng sô cô la cần tới 13 giấy phép, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải có 4 văn bản của Bộ NN&PTNT... Phí đi đường rồi phí thủ tục vây bủa, trong khi còn nhiều chi phí không chính thức nữa khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn. Chính phủ đã có Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35, rồi Thủ tướng Chính phủ cũng đã kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều diễn đàn về đầu tư, nhưng xem ra việc tháo gỡ những cản ngại với nền kinh tế còn chậm chạp.
Trong những ngày gần đây lại xuất hiện thêm thông tin đáng quan ngại về chuyện tăng thuế, phí. Nguyên do là Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019, vì nại rằng mức VAT hiện tại 10% tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Và không chỉ đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính còn kiến nghị tăng một loạt sắc thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại nước ngọt, trà, cà phê đóng lon theo dây chuyền; thuốc lá; tăng thuế với xe bán tải… Đặc biệt, trước đó bộ này đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ mức 3.000 đồng lên 8.000 đồng/lít. Câu chuyện tăng thuế lập tức gây hiệu ứng dư luận, với các luồng ý kiến đa chiều. Trong đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, có ý kiến khá xác đáng rằng tăng thuế đánh trực tiếp vào hàng hóa sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời tác động ngược trở lại doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ, Chính phủ đã và đang cố gắng để xây dựng một nhà nước kiến tạo bằng việc cải cách để giúp cho đời sống của người dân dễ chịu hơn, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dễ dàng, thuận tiện hơn. Những luồng gió thổi vào hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp vừa được nhen lên thì không thể để những cơn gió ngược tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, nhất là thuế khóa và những rào cản thông thương hàng hóa. Mặt khác để chống thâm thủng ngân sách quốc gia, cần ưu tiên đến các việc giám sát chặt chẽ đầu tư công, chi tiêu từng đồng bạc thuế, giảm sự cồng kềnh của bộ máy ăn lương... Nếu để chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 70% thu ngân sách, và nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ trầm trọng trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, sẽ rất khó ổn định và phát triển.
Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế vừa mới ra đời (Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII) đã tạo niềm hứng khởi, có thể làm dậy lên làn sóng đầu tư mới. Tuy nhiên, với những chiều gió ngược nói trên, thiển nghĩ để nghị quyết này đi vào cuộc sống cần ưu tiên thực hiện ngay giải pháp đã xác định là “Bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức. Không biến việc chấp thuận, xác nhận, chứng nhận đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật thành giấy phép con, gây cản trở hoạt động của kinh tế tư nhân”...
ĐĂNG QUANG