Chiều muộn, tôi lên lại chùa Linh Ứng. Khách vẫn đông, đông như mọi ngày khác, như chưa từng vãn. Nhân, bạn tôi, ở xa, nghe nói nhiều, bây giờ mới tới chiêm bái, không ngừng trầm trồ đẹp đẹp quá, khi ngước nhìn tượng Phật Bà, ngồi đứng phóng tầm mắt ra xa. Lúc quay về, khi xuống núi rồi, lại bắt dừng lại, ngó từ xa rồi lặng lẽ trầm tư. Chẳng biết y nghĩ gì, nhưng sau đó, khi những ồn ào xây dựng biệt thự, nhà nghỉ ở Sơn Trà rộ lên, lại nhắn: “Ở đâu tĩnh mà không có động, ông nghĩ sao?”.
Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Internet |
Sơn Trà đã và đang khiến bao người xáo trộn tâm tư. Quả núi này, thời gian dài mê ngủ, đúng hơn là được ngủ, như chính nó muốn thế, sinh ra đã thế, mặc dù mang trong mình sứ mệnh như lực sĩ đứng tấn nơi hải khẩu chiến lược, là tấm khiên che chở cho dải đất phồn nhiêu sau lưng nó, như bà mẹ chở che con trước bão mưa, ngoại tặc. Tôi nhớ đâu có xa mấy, thuở mới ra trường, cứ quanh quẩn bên ni bên tê một con phà phì phò khói, có lần chạy xe về đó, đường sá gập ghềnh, mờ hút mây mù, như thể là nơi xa lạ. Mà đâu phải chỉ mình tôi ngắm nhìn nó trong con mắt của kẻ chẳng xa lạ mà cũng không thân thiết, như mơ hồ hư thực. Rồi dần dà, cây cối đất đá ở đó cũng được... tái định cư, nhường chỗ cho công trình mọc lên. Từ đó, mới thấy sự gắn bó chỉ có được khi người ta ký thác tâm tư hoặc lợi quyền, khi đặt chân lên lại, nhất là lúc chùa Linh Ứng ra đời.
Có nhiều chuyện được thêu dệt xung quanh ngôi chùa này. Một người am tường trong giới phong thủy nói với tôi rằng, chỗ đặt chùa, nhất là tượng Phật Bà, là quá độc đáo, nó trấn yểm điềm dữ cho cả vùng đất, mà rất linh thiêng. Rồi sau đó có lời lan truyền rằng, chính nhờ có chùa này mà bao năm rồi Đà Nẵng không bị bão lớn, không biến động này nọ... Chùa dựng lên, thập phương bá tánh đổ về nườm nượp. Tôi nhớ năm ngoái, khi rộ chuyện hướng dẫn viên cho khách Trung Quốc xuyên tạc chủ quyền, tôi lên chùa, lạc giữa rừng người xanh đỏ tím vàng, ông bảo vệ nói với tôi rằng, khách này lộn xộn kinh hoàng, vào chánh điện mà cứ la hét đùa giỡn. Tôi xấn lại chỗ một ông, vốn dốt đặc tiếng Trung, nên tôi nhờ cô hướng dẫn viên nói giọng bắc làm cầu nối. Cô này chỉ giúp đúng một câu là hỏi ông ở đâu, rồi lỉnh qua chỗ khác ngồi lướt điện thoại. Ông đưa ra cái thẻ như chứng minh thư ở ta, tôi đọc được nơi cư trú là Hải Nam. Huy động chút chữ Hán còn trong óc, tôi bút đàm với ông, đại khái rằng nơi đây, rồi Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Cha nội này lắc đầu khua tay liên tục không đồng ý, rồi cười hô hố. Đồng nghiệp đi cùng cười: “Anh bụp nó đi”. Tôi không nén được cười. Lỗi đâu phải của họ. Vườn có gà vào bới phá rau đậu là do rào thưa. Tại mình bao năm rồi cứ ấp a ấp úng. Tôi rời chỗ, đi đến nơi tượng Phật, nắng chói chang, ồn ào những khách từ bắc, từ Trung Quốc. Có chốn chùa chiền, thâm nghiêm nào trên đất nước này mà ồn bằng chỗ này?
Chiều đổ bóng khá nhanh, vẫn nóng rát lưng áo. Những ngày qua, như mọi ngày, khách vẫn đổ về đó, như chưa từng biết, không cần biết, Sơn Trà một lần nữa không yên, bởi đang được... khám tổng quát từ trung ương. Cuộc “khai quật” lần này, là điểm khóa sau bao tranh luận, tốn giấy mực, họp hành về chuyện xây nhà không phép, vượt quy định, phá cảnh quan ở Sơn Trà. Hôm kia bỗng ngồi nhớ, bữa đó vị lãnh đạo thành phố nói quản lý cái chi mà để người câu cá phát hiện xây dựng trái phép rồi báo lên mới hay? Bữa đi ngang Cầu Rồng ngó xuống, nghĩ lơ mơ nếu mình có quyền, thì sẽ cho dựng tượng ông câu cá nào đó, bởi như lẽ bỗng nhiên, ai xúi ông xuống đó đi chơi, để cứu cả thành phố, cứu cả trái núi này! Lại nhớ, vị lãnh đạo trên nói phải thưởng cho ông đó. Nếu thưởng là thưởng cái chi, tên gọi của động thái bức xúc mà la làng trên, khi vào sổ khen thưởng là chi? Nếu ghi là đã phát hiện phá rừng nghiêm trọng, thì đúng là chưa từng có tiền lệ. Lại nghĩ, chắc bữa đó trời quang mây, nên ông câu cá thấy rõ, chứ cả chục năm nay, có ai thấy đâu, mây che phủ hết rồi, hay là ông có thiên nhãn, hay là Phật Bà khai nhãn cho ông, bởi ồn ào quá, Phật bực mình nên bèn nhờ ông mà quở trần gian?... Từ dưới này chạy lên, là đụng chùa, rồi đi tiếp, đi tiếp, mới đụng chỗ ăn chơi nhảy nhót nghỉ ngơi, khuất sau đó. Tượng Phật Bà, tính từ chỗ đặt, đến biển, đâu chừng mấy chục mét, ở đó có đường và bờ vực thẳm, chỉ có đá và um tùm cây cối. Sách dạy rằng, làm nhà nên ở trước chùa, bởi có ma quỷ nào dám đứng trước mặt Phật. Chỗ người ta xây bậy là ở cách xa, né một bên...
Ca dao rằng: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm”. Câu ca trên đường nam tiến đứt ruột của những lưu dân xứ Quảng, thiên di về phương nam, ngó lại “quê nhà xa lắc xa lơ đó/ ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Chiều đó, Sơn Trà không mây, để rồi chứng kiến những loang lổ như vết cháy, vết bỏng khổng lồ trên thân thể...
TRUNG VIỆT