Chiều sâu bả trạo

09/12/2012 00:54

Từ tín ngưỡng thờ cá Ông của lễ hội cầu ngư thông qua hát bả trạo, con người luôn khám phá những bí ẩn ở tương lai cũng như sự khát khao tìm về quá khứ. Đó là chiều sâu của một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian vừa được đề cập tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở xứ Quảng”.

Nhận chân giá trị

Hát bả trạo là di sản văn hóa phi vật thể, một hiện tượng văn hóa dân gian được bén rễ từ sinh hoạt “văn hóa biển”, đáp ứng nhu cầu tinh thần - tình cảm không thể thiếu của nhân dân. Chất diễn xướng dân gian hát bả trạo lớn mạnh và phát triển, biểu lộ nét đẹp chân chất, sự cảm hóa thăng hoa qua những sáng tạo độc đáo, phong phú trên cái nền không gian quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân vạn chài. Đây là một trong những đặc trưng của văn hóa đa nguyên, mang tính đặc thù của các tỉnh từ Bắc Trung Bộ đến Nam Bộ. 

alt
Đội hát múa Bả trạo xã Bình Minh.

Bả trạo là phần hội không thể thiếu được, là hoạt động xương sống có sức hấp dẫn và thu hút được nhiều người xem trong lễ hội cầu ngư. “Bả trạo” có nghĩa là “cầm chắc tay chèo”, nhưng có nơi đọc chệch thành “bá trạo” (trăm tay chèo, trăm bạn chèo). Đây là vấn đề đang còn nhiều bàn cãi của các nhà ngôn ngữ học, và cũng không thực tế so với các đội chèo bả trạo ở Quảng Nam. Ở đây, chúng ta tạm hiểu động từ “bả trạo” dưới góc độ “hát bả trạo”, “hát múa bả trạo”, “chèo bả trạo”, “xây chầu bả trạo”..., tất cả cùng nghĩa là “hát chèo thuyền”. 

Trình tự một buổi diễn xướng hoạt cảnh hát bả trạo thể hiện diễn biến lúc thuyền ra khơi cho đến khi thuyền cập bến an toàn, được kết cấu gồm có 3 phần: phần ra khơi, bủa lưới; phần thuyền bị gặp nạn trên biển và nhờ Ông cứu giúp; phần kể về ân đức của Ông luôn phù hộ độ trì cho dân vạn chài. Mỗi chương trình chèo (hát) thường diễn ra trong thời gian 90 - 120 phút. Do sự giao thoa, đan xen, tiếp biến từ các loại hình diễn xướng, cho nên tấu khúc mở màn được lấy từ loại hình sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp tuồng truyền thống, gồm những bài như: Khai trường, Chiến mới, Chiến xưa, Bóp... Tính chất âm nhạc là gam màu chủ đạo của hát bả trạo, trong đó sử dụng đa dạng các kiểu lối hát có nguồn gốc trong tuồng truyền thống, trong âm nhạc Phật giáo, các làn điệu dân ca Quảng Nam. Đặc biệt là sự vận dụng một cách khéo léo từ những làn điệu dân ca nhiều vùng miền khác nhau, với giai điệu, tiết tấu, sắc thái đầy cảm xúc. Qua đó, tạo nên sự phong phú về thang âm, tính sáng tạo về giai điệu, ngôn ngữ và âm nhạc để trở thành loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo xứ Quảng.

alt
Biểu diễn văn nghệ truyền thống tại huyện Thăng Bình.                        Ảnh: Q.VIỆT

Lễ hội cầu ngư không chỉ đơn thuần là một hoạt động tín ngưỡng với tục thờ “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần” của dân vạn chài, mà mục đích của nó còn xa hơn: định hướng mục tiêu, hướng đích hành vi ứng xử của con người trong cộng đồng. Vì thế, loại hình diễn xướng dân gian này xứng đáng đại diện cho một miền văn hóa, “văn hóa miền biển”, của xứ Quảng, hàm chứa các giá trị văn hóa - âm nhạc đích thực.

Lan tỏa

Mở rộng địa chỉ quy tụ
Ngoài việc thành lập các đội hát múa bả trạo và đàn, hát dân ca, hình thức hát tuồng cũng đã thành lập được câu lạc bộ ở xã Bình Hải (huyện Thăng Bình). Sau khi thành lập, các câu lạc bộ diễn xướng dân gian được Phòng VH-TT huyện tập trung lại để bổ sung kinh nghiệm biểu diễn từ các nghệ sĩ Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam. Sau đó, mỗi câu lạc bộ họp với nhau thống nhất các tiêu chí hoạt động, bầu ra ban chủ nhiệm, quy định thời gian tập luyện, hoạt động biểu diễn và sinh hoạt định kỳ. Ông Lê Ngọc Đính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn, hát dân ca xã Bình Quý cho biết các thành viên tham gia với tất cả niềm say mê, sinh hoạt và biểu diễn, tập luyện đều đặn. Bà Lê Thị Thắm, người dân yêu dân ca ở thôn Quý Phước 1 (xã Bình Quý) nói: “Chúng tôi làm quần quật cả ngày, đến tối luôn chờ để được xem biểu diễn các làn điệu dân ca. Được theo dõi các nghệ sĩ chân đất của chính quê hương mình biểu diễn, tôi khâm phục khi thấy họ “nói” được tình yêu cuộc sống của chúng tôi qua âm nhạc”.
Các hình thức sinh hoạt này đã manh nha từ nhiều năm nay, trở thành nét sinh hoạt văn hóa sinh động tại các làng quê trên địa bàn huyện Thăng Bình. Đến năm 2012, ngành VH-TT huyện đã quy tụ các nghệ sĩ chân đất để thành lập các câu lạc bộ đàn, hát dân ca ở 2 xã Bình Quý, Bình Trị.

Vì nói lên được tâm thế và tín ngưỡng của người đi biển nên Câu lạc bộ Bả trạo xã Bình Minh (Thăng Bình) đã thu hút 20 thành viên tham gia, gồm 1 tổng tiền, 1 tổng lái, 1 tổng hậu, 1 tổng khoang và 16 con trạo. Ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, “tổng tiền” ở câu lạc bộ - cho biết: “Đội hát múa bả trạo chúng tôi có chức năng quảng bá, tuyên truyền nghệ thuật diễn xướng dân gian này thông qua lễ hội cầu ngư. Đây là một hoạt động cần thiết để kế thừa, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Nhờ tuân theo các quy chế hoạt động rõ ràng, tôi tin rằng 20 thành viên chúng tôi đã tập luyện và biểu diễn đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của ngư dân vùng biển”. Bà Nguyễn Thị Lý (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) cũng chia sẻ: “Làng chúng tôi là làng biển. Biển đã nuôi sống chúng tôi, nhưng biển cũng đã lấy đi nhiều trụ cột của gia đình. Khao khát bám biển, sau những tai họa chúng tôi vẫn ra khơi. Lao động nhọc nhằn và mất mát như vậy nên chúng tôi chỉ mong thần Đông Hải phù trợ, yên bình mưu sinh. Được chứng chiến nghi thức thờ cúng cá Ông của đội hát múa bả trạo làng biểu diễn, tôi rất cảm động và thấy yên lòng hơn”.

Theo Phòng VH-TT huyện Thăng Bình, thời gian qua, diễn xướng bả trạo trong lễ hội cầu ngư được duy trì đều đặn ở xã Bình Minh. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội cũng như dàn dựng bài bản các thể hát lại chưa được đúng với nội dung và hình thức nghệ thuật của thể loại này. “Từ thực tế đó, chúng tôi đã vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã thành lập đội hát múa bả trạo như một cách duy trì tính bền vững và có chiều sâu của hoạt động văn hóa dân gian này. Đây là công việc cần thiết” - ông Trần Ngọc Đội, Trưởng phòng VH-TT huyện khẳng định. Cũng theo ông Đội, việc thành lập các đội hát múa không những đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần của nhân dân mà còn bảo tồn, phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian này trước những tác động của đời sống.

XA VĂN HÙNG - QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiều sâu bả trạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO