Sông Thu Bồn là một trong những con sông nội địa có lưu vực lớn nhất nước ta và từ lâu đã gắn chặt với đời sống, tâm hồn cư dân xứ Quảng. Chảy từ thượng nguồn xuống biển, đi qua nhiều huyện, thị vùng đất khác nhau nên thong dong trên sông Thu, du khách như được khám phá cả mạch nguồn văn hóa đất Quảng.
Từ đoạn trung lưu (huyện Nông Sơn) đổ về xuôi, sông mang tên gọi Thu Bồn, dòng chảy hiền hòa, ổn định vào mùa khô thích hợp cho tàu, thuyền dạo chơi du lịch. Anh Nguyễn Văn Long - Giám đốc Công ty Du lịch Hội An Kayah Tours cho biết, chúng tôi thường xuyên thiết kế các tour vớt rác kết hợp ngắm bình minh, hoàng hôn trên sông Thu Bồn kết hợp cho khách ghé thăm các làng nghề ven sông ở huyện Duy Xuyên và được du khách nhất là khách nước ngoài hào hứng đón nhận.
Rong ruổi thêm một chút về phía thượng nguồn sông Thu để nghe, để thấy những câu thơ của thi sĩ Tường Linh rất chân thật và quá đỗi thơ mộng: “Nhà tôi ở bên bờ sông đó/Mùa bấc, mùa nồm sông lồng lộng gió/hàng cau vườn chuối xiêu xiêu/Chiều nhẹ nâng cao vút cánh diều… /Tháng tám nguồn về trái lòn bon ngọt lịm/ Ghe biển đưa lên con cá nục, cá sòng…”. Dưới chân núi Cà Tang quanh năm mây phủ, lữ khách đã một lần lãng đãng lên thuyền xuôi theo sông Thu êm đềm chảy uốn lượn giữa bên ni Trung Phước, bên tê Đại Bình sẽ cảm thấy mọi xô bồ phố thị chợt tan biến, ở đó du khách chỉ còn cảm thụ màu xanh của cây trời, tiếng dập dìu sóng sánh của sông nước và đâu đó vang vọng chim chóc hót lanh lảnh. Tại ngày hội văn hóa - du lịch Đại Bình lần đầu tiên được tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua, nhiều du khách đã được trải nghiệm tour sông nước này và đi xa hơn đến cả danh thắng Hòn Kẽm Đá Dừng nhuốm màu huyền bí.
Xuôi dọc sông Thu, du khách không thể không trầm trồ trước vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Ngay dưới chân cầu Câu Lâu, bãi bồi Đông Khương mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng biệt. Đứng ở chân cầu Câu Lâu phóng tầm mắt về phía xa xa vào ngày mùa hoa màu đương kỳ sinh sôi nảy nở, cứ ngỡ đang lạc vào đâu đó những cánh đồng bao la, xanh ngút ngàn tận chân trời ở miền Tây Nam Bộ. Còn khi mùa mưa qua đi, trên những nổng đất, ở đó trơ trọi từng bụi rơm nhỏ nhắn hình thành một cách tự nhiên đều tít tắp xung quanh chỉ có màu trắng của cát, vết cào cấu của sóng nước vỗ sâu vào mạn bãi bồi. Anh Nguyễn Tấn Pháp - một hướng dẫn viên du lịch địa phương chia sẻ, ngoài các tour thăm thú sông Thu theo chiều xuôi dọc thì thi thoảng cũng có những du khách lên đò để vãn cảnh theo chiều ngang của dòng sông. “Cầu tre Cẩm Đồng (thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong) là một trong những địa điểm mà du khách thích thú ghé thăm bởi cảnh sắc rất lãng mạn nhất là lúc bình minh hoặc hoàng hôn”, anh Pháp nói. Quả thực, nếu muốn chứng kiến nhịp sống người người dân ven sông Thu, cầu tre Cẩm Đồng là một địa điểm tuyệt vời để du khách đặt chân khám phá bởi ở đó có các chị, các mẹ khi ánh chiều tà buông xuống vẫn miệt mài gánh chở rau qua cầu tre, thỉnh thoảng du khách cũng có thể bắt gặp con đò nhỏ khua nước nhè nhẹ ăm ắp nông sản rẽ sóng về nhà.
Xác định du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là lợi thế lớn để phát triển du lịch địa phương, thế nhưng đến nay việc khai thác du lịch khắp các tuyến sông trên địa bàn tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Dòng sông như giao thoa, hòa quyện giữa hai nền văn hóa thấm đẫm bản sắc Sa Huỳnh và Champa trong quá khứ vẫn thanh bình như thủa nào. Nếu có dịp, hãy một lần lãng đãng trên dòng sông Thu êm đềm.