Ở vùng đất khó phân định đâu là ranh giới của sông, đâu là thẳm sâu của biển như xã Tam Quang (Núi Thành) trong thời khắc ngày tàn có bao nhiêu điều mới lạ như mỗi chuyến tàu đi lại về. Chiều đông, biển mênh mông lòng người.
1.Tôi ngồi chặp lâu trên bến cảng Kỳ Hà, nhìn con tàu chở hàng lướt về phía sóng. Gió đông rầm rào làm những hàng sào rớ dựng đứng như “cột mốc” cuối cùng của sông đổ ra biển rung lên. Ngổn ngang tàu lớn nhỏ neo đậu sát bờ như thường thấy ở bao làng chài ven biển. Khi trời chập choạng tối, các ngư dân bản địa cùng với hàng chục chiếc ghe chèo, ghe gắn máy nổ nhổ neo ra sông đánh bắt cá. Ánh điện từ bờ, thuyền phả xuống sông, thi thoảng dải ngân hà trên bầu trời vụt sáng lóng lánh mặt nước. Sông Trường Giang xưa nay đa dạng nguồn lợi cá tôm, nuôi sống hàng trăm ngư dân chuyên nghề thả rớ, lưới. Chính vì vậy, bất luận thời thế đổi thay, nghề khai thác biển xa bờ đang “lên ngôi”, nhưng không ít ngư dân vẫn ăn đời ở kiếp với triền sông này. Bốn mùa xuân - hạ - thu - đông như một, người dân vẫn giữ thói quen cắm sào thả rớ, hoặc thả lưới dập dìu để cải thiện đời sống. Hàng sào rớ như mặc định về quyền sử dụng thủy phận của ngư dân. Chỉ có nghề thả lưới là hoạt động tự do không bị giới hạn về khu vực mưu sinh, ngoại trừ nằm trong luồng lạch đường hàng hải. Nhiều ngư dân bảo, sông Trường Giang từ Cửa Lở về xã Tam Hiệp trước ngày chưa nạo vét cá tôm rất nhiều, có đêm bắt bán cả triệu đồng. Thế nhưng vài năm gần đây, khi cảng biển Chu Lai - Trường Hải đưa vào hoạt động, cá, tôm giảm hẳn, bất đắc dĩ có người bỏ nghề sông. Nguồn sống bị thu hẹp.
Một góc vùng đất cảng Tam Quang. Ảnh: HỮU PHÚC |
Thủy triều vùng bờ biển từ huyện Thăng Bình tăng dần đến Cửa Lở. Hiện tượng này buộc dòng Trường Giang phải chảy về Kỳ Hà đem theo sa bồi hàn cửa nên cảng luôn trong tình trạng cạn. Luồng lạch nước nông là cơ hội cá tôm sinh sôi nhiều. Tôi nhớ, dự án nạo vét luồng từ cảng Kỳ Hà về Tam Hiệp vài năm trước gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân. Nguồn cơn do tiền bồi thường ngư cụ chưa thỏa đáng, sai đối tượng hưởng lợi, nhưng cái chính vẫn là người dân lo sợ sẽ mất đi nguồn sống lâu dài. Hàng đống đơn kêu cứu của ngư dân vượt cấp, dự án buộc phải trì hoãn năm lần bảy lượt, có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc. Ai đó bảo, người dân cạn nghĩ nên chống đối thi công dự án mà chắc chắn dòng sông sẽ cho viễn cảnh đẹp. Song, có ở trong hoàn cảnh của họ mới thấu được nỗi lo phòng xa.
Đò chở khách từ xã đảo Tam Hải về bến Tam Quang. |
Con người vốn dĩ thủy chung với mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên và được truyền cái nghề ông bà để lại. Như anh Huỳnh Công (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) hơn 20 năm gắn bó với nghề câu cá ngừ đại dương, nhưng đến kỳ nghỉ đông, hễ trời yên gió lặng là anh đem rớ ra sông thả. Anh bảo, cả những cụ già sức không còn dẻo dai vẫn khó dứt ra với nghề. Họ gắn bó với sông ngoài để mưu sinh còn là niềm vui của tuổi xế chiều. Thanh niên của làng, hết mùa biển là ra sông đánh bắt, chấp nhận cảnh sẽ được chăng hay chớ chứ không chịu cảnh ngồi không, bó gối rung đùi. “Ở đâu không biết, chứ trên đất cảng này, anh thấy đó, thanh niên đâu có rượu chè, cờ bạc bê tha. Thời gian rảnh rỗi, gần như họ phụ giúp gia đình buôn bán, kinh doanh, còn lại ra sông thả rớ kiếm con tôm, cá. Con tôm đất để chế biến bánh xèo anh ăn đây cũng do tôi đóng rớ mà có đấy” - anh Công vừa nói vừa nhắc chảo bánh xèo vừa chín tới khỏi bếp củi đỏ hừng.
Cuối năm, nhưng cảng Kỳ Hà vẫn chưa sôi động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa. |
Chiều cuối năm. Không nhiều chuyến xe ngược xuôi tấp nập chở hàng qua lại cảng, nhưng không khí ấm áp bao trùm cả làng chài An Hải Đông, Sâm Linh Đông (Tam Quang). Từ cảng Kỳ Hà chạy xuống bến đò Tam Quang chưa đầy cây số, nhà cửa san sát chẳng thua gì phố. Nhà cũng là cửa hàng buôn bán, kinh doanh, nhiều nhất là bày bán các mặt hàng ngư cụ. Một đoạn đường có 5 - 6 quán bánh xèo kề nhau đỏ bếp nhìn vào như xua tan cái giá lạnh của mùa đông. Ông Nguyễn Hữu Định - cán bộ xã Tam Quang cho hay, hậu cần nghề biển phát triển rầm rộ hơn chục năm qua, cộng với sự hình thành của cảng biển và đóng chân của các cơ quan, doanh nghiệp nên làng chài dọc sông nhộn nhịp như phố. “Dân tôi quen gọi đây là “thị trấn ven sông” - ông Định hóm hỉnh nói.
Rớ quay của ngư dân Tam Quang nơi cửa sông - cửa biển. |
2.“Qua mỗi chuyến đi xa lại thấy yêu quê mình đất cảng. Mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi con tàu và nhà máy. Mà ta yêu quý, nghe đất nước đang gọi mình đi. Những cánh chim của đồng quê. Hỡi em yêu ta lại hẹn ngày về…”. Lời bài “Chiều trên bến cảng” mà anh cán bộ cảng Kỳ Hà hát cho tôi nghe da diết, át cả tiếng sóng rầm rập ngoài khơi xa. Bến cảng là nơi chứng kiến cuộc ra đi rồi trở về của những con tàu, con người vượt trùng dương. Vì thế mà lòng người ở lại cũng “mềm” trong mỗi lần xa cách, nhớ nhung. Ông Võ Phước Long - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai kiêm Giám đốc Xí nghiệp Cảng Kỳ Hà chia sẻ: “Anh thấy đó, thời điểm cuối năm mà cảng biển vắng hoe, chỉ có mỗi tàu chở than. Công nhân bốc xếp cũng không có việc để làm. Sa thải lao động thì xót xa lắm. Mà trong thời buổi khó khăn này, sớm muộn gì cũng cắt bớt người lao động”. Tôi nhớ, những năm doanh nghiệp ăn nên làm ra, đến dịp cuối năm hay ra quân đầu năm, lãnh đạo cảng đều mời phóng viên đến ghi nhận cảnh tàu nước ngoài trên 15 nghìn tấn cập cảng bốc hàng, nhưng 4 năm nay lại rơi vào im lặng. Giá xăng dầu liên tục giảm cũng chẳng cứu được ngành vận tải hàng hóa đường biển. Tôi nhẩm đếm ở bến cảng Kỳ Hà có 10 con tàu tham gia lai dắt, bốc dỡ, vận tải neo đậu, nhưng chỉ một chiếc với vài lao động đang bốc dỡ hàng hóa. Theo ông Long, hàng hóa vận chuyển qua cảng chủ yếu là dăm gỗ, xi măng, bột sắn đưa từ tỉnh Quảng Ngãi ra. Trước đây, doanh nghiệp chuyên chở hàng cho các nhà máy sản xuất từ Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Khu công nghiệp Tam Hiệp. Khi cảng Chu Lai - Trường Hải, cảng Trường Thành của quân đội quản lý đưa vào vận hành đã thu hút lượng hàng hóa ở các đối tác lớn trước đây của công ty. Sản lượng hàng hóa qua cảng Kỳ Hà sụt giảm mạnh. Năm 2011 lượng hàng hóa qua cảng gần 700 nghìn tấn thì trong 2 năm 2012 - 2013 chỉ còn khoảng 445 nghìn tấn và đến năm nay chỉ còn hơn 200 nghìn tấn. “Năm nay, doanh nghiệp lỗ tiền tỷ. Sang năm 2015, đơn vị sẽ chuyển sang cổ phần hóa, chắc chắn sẽ cắt giảm người lao động để tinh gọn bộ máy. Thật lòng, nhiều người gắn bó công việc lâu năm, cắt giảm hợp đồng cũng phải đắn đo, mà làm ăn khó khăn cũng không thể duy trì người lao động ổn định được” - ông Long chia sẻ. Nhiều cảng biển hình thành đòi hỏi doanh nghiệp cạnh tranh cao nhưng rào cản không nhỏ cho cảng Kỳ Hà là nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mọc lên nhưng chưa hoạt động bao nhiêu nên sản lượng hàng không nhiều như dự báo. Ông Long ngậm ngùi: “Kỳ vọng để rồi thất vọng. Trong bối cảnh khó khăn, ở đoạn “giữa đòn gánh” như Quảng Nam nhiều năm nay doanh nghiệp giẫm chân tại chỗ. Vừa qua, Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) quyết định không đầu tư tại Núi Thành để lại cho cảng Kỳ Hà một khoản nợ khá lớn đang tìm cách khắc phục”.
Mưa chiều rây rắc. Màn đêm buông xuống bến cảng thật nhanh.
Ghi chép của TRẦN HỮU PHÚC