Tôi đến thủ đô của đất nước Hungari vào một buổi chiều thu. Khi chuyến xe bus đưa chúng tôi từ sân bay quốc tế Ferenc Liszt vào trung tâm thành phố Budapest, tôi có cảm giác như đi vào một thế giới khác. Bình yên và thơ mộng. Thời gian dường như chững lại theo những vòng xe lăn chậm qua các con phố yên tĩnh, yên tĩnh đến mức những con phố lặng lẽ nhất ở Đà Lạt hay thành phố Tây Nguyên so với nó cũng còn có đôi chút xô bồ.
1. Thành phố đứng soi bóng trên dòng sông Danube với những tòa lâu đài cổ kính trông đẹp như một trang cổ tích. Giá như không có những chiếc ô tô, tôi ngỡ mình như lạc vào một thế giới thần tiên xa xưa nào đó. Thành phố thơ mộng nằm trên dòng sông Danube, giữa cái se lạnh của mùa thu Đông Âu. Có nằm mơ, tôi cũng không bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình dạo du thuyền trên dòng sông Danube, trong tiếng nhạc của J.Strauss. Dòng sông Danube, đối với tuổi trẻ của thế hệ chúng tôi đã trở thành huyền thoại. Con sông dài thứ hai của châu Âu này, dài sau sông Volga, không chỉ chảy qua mười quốc gia: Đức, Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Serbia, Romania, Bulgaria, Moldova và Ukraine trước khi chảy ra Biển Đen, mà nó vẫn chảy giữa lòng thơ ca và âm nhạc Âu châu để trở thành bất tử trong giai điệu Valse qua hai bài The Blue Danube (Dòng Danube xanh) của Johann Strauss II, nhà soạn nhạc người Áo, và bài Waves of the Danube (Sóng sông Danube) của Ivan Ivanovici, nhà soạn nhạc người Romania. Gần hai thế kỷ trôi qua, dòng sông Danube vẫn mãi trôi theo theo những giai điệu valse kỳ diệu đó để lan tỏa trên khắp thế giới, trong tâm hồn những người mê âm nhạc. Ở miền Nam trước 1975, không mấy ai là không biết đến bài hát Dòng sông xanh - một trích đoạn bài The Blue Danube qua lời dịch của cố nhạc sĩ Phạm Duy và giọng ca Thái Thanh.
Nói đến con sông Danube là nói đến Johann Strauss. Và nói đến Johann Strauss là nói đến bản nhạc bất hủ của ông về dòng sông Danube. Vì vào ngày hôm sau, khi tôi mua vội sáu đĩa CD trong một shop nhỏ bên cạnh tòa lâu đài Bratislava của thủ đô Slovakia để kịp theo chân cả đoàn, khi lên xe bus, giở ra nhìn nhan đề, đĩa nào cũng có bài “An der schönen blauen Donau” (có nghĩa là: “Gửi về dòng sông Danube xanh xinh đẹp”, nhan đề tiếng Đức của bài The Blue Danube). Được sáng tác vào năm 1866, do được gợi hứng từ một bài thơ của Karl Isidor Beck, bản nhạc của Johan Strauss được xem là bài quốc ca không chính thức của nước Áo. Nó đã trở thành biểu tượng của Hoàng gia Áo, và là một phần không thể thiếu trong văn hóa của đất nước này.
2. Khi ngồi trên chiếc du thuyền ngắm cảnh sông Danube - phần sông chia Budapest thành hai phần: thành phố mới Pest và thành cổ Buda, ngắm những những tòa lâu cổ kính soi mình bên dòng sông trong không gian thơ mộng và buồn man mác của buổi chiều thu, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng: “Đời hưng vong bao thành quách lâu đài. Từ thiên cổ đứng buồn soi đáy nước”. Các tòa lâu đài đó ắt hẳn đã trải qua nhiều sóng gió của biển dâu lịch sử, để giờ đây đứng trầm mặc trong ánh chiều thu như một nhân chứng nghệ thuật, nhắc nhở con người đến hai chữ “hưng vong”. Hai bờ sông có lẽ đã chứng kiến bao triều đại hưng rồi vong, bao thế hệ con người đến rồi đi. Những tấn tuồng bi hài trên sân khấu đời đều vĩnh viễn khép lại, hoặc bị thổi bay theo cơn lốc vô thường. Chỉ còn lại dòng sông Danube chảy trong tiếng nhạc của J.Strauss và Ivanovici.
Khúc sông, nơi chiếc du thuyền chúng tôi đi qua, nước không chảy xiết hay dồn dập, cũng không thấy tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá hay những hình ảnh những con sóng đuổi nhau, như ta hình dung qua giai điệu rộn ràng trong đoạn giữa của bài The Blue Danube hay bài Waves of the Danube. Có lẽ do chiếc du thuyền khá lớn khiến chúng tôi chỉ có cảm giác dòng sông chảy khá nhanh, nhưng rất đỗi êm đềm. Hoặc có lẽ sông Danube chỉ cuồn cuộn sóng, chỉ chảy dồn dập như sóng nhạc, tại địa điểm khởi nguồn của nó là vùng Rừng Đen của Đức, nơi hợp lưu của hai dòng sông Brigach và Breg.
Những cây cầu bắc qua sông Danube quả là những công trình tinh xảo. Những kỹ sư xây cầu thời trước đã đem hết tài hoa để biến những phương tiện bắt con sông huyền thoại này thành những tác phẩm nghệ thuật, không chỉ phần trên cầu, mà cả dưới chân cầu, để mấy trăm năm sau, những du khách ngồi trên thuyền chiêm ngưỡng vẫn không khỏi ngẩn ngơ. Những pho tượng đá tuyệt đẹp trên đầu những trụ cầu, bị che khuất dưới mặt cầu và chỉ những người đi thuyền mới thấy, như muốn hòa chung với những pho tượng khác nằm rải rác trong thủ đô để làm sống lại không khí Hy Lạp và La Mã thời cổ đại.
3. Đối diện với những tòa lâu đài cổ kính bên kia sông, trên một đoạn trên bờ sông phía đông, gần bến đậu của những chiếc du thuyền, nơi mọi người đi dạo, là một cảnh tượng khác. Đó là những đôi giày vô chủ, được đúc bằng sắt, nằm rải rác trên bờ sông với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau, mũi hướng về phía dòng sông. Chúng được chế tạo tinh xảo đến mức dẫu có nhìn gần, ta cũng tưởng đó là những đôi giày bằng da thật. Nhưng đằng sau tác phẩm nghệ thuật đó là câu chuyện làm đau nhói lòng người. Nó vốn là công trình tưởng niệm những nạn nhân Do Thái bị bắn chết trên bờ sông Danube vào những năm 1944 - 1945. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, các thành viên thuộc đảng Arrow Cross - phe thân Hitler ở Budapest đã dồn những nạn nhân Do Thái từ già trẻ, lớn bé không phân biệt trai, gái đến sát mép sông để hành quyết. Trước khi bắn các nạn nhân rồi đẩy xác xuống sông để dòng nước cuốn đi, chúng bắt họ phải để lại giày dép, vì đây là món đồ có giá trị giao dịch trong thời chiến. Những tên đồ tể phát xít đó đã thu gom chúng lại để bán lại cho thị trường chợ đen. Chỉ trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi (từ 15.10.1944 đến 28.3.1945), bọn chúng đã tàn sát khoảng 10 ngàn người bên bờ sông này, và gửi 80 ngàn người khác đến “lò sát sinh” Auchswitz ở Ba Lan.
Quá khứ đen tối cùng tội ác đẫm máu của phe phát xít, chỉ trên một đoạn sông này thôi, cũng khiến ta không khỏi rùng mình và đau lòng nhớ lại thảm họa lịch sử được tái hiện qua hình ảnh những đôi giày. Công trình tưởng niệm với tên “The Shoes on the Danube Bank (Những đôi giày trên bờ sông Danube) đó được hình thành vào năm 2005 bởi đạo diễn phim Can Togay, với sự đóng góp của nhà điêu khắc Gyula Pauer. Những đôi giày sắt đó được gắn vào kè đá, và đằng sau chúng, trên lối đi, có gắn ba tấm biển bằng gang, với dòng chữ bằng tiếng Hungary, tiếng Anh và tiếng Do Thái: “To the memory of the victims shot into the Danube by Arrow Cross militiamen in 1944 - 1945. Erected 16 April 2005” (Để tưởng nhớ các nạn nhân bị quân Arrow Cross bắn trên sông Danube năm 1944 - 1945. Được dựng vào ngày 16.4.2005). Những cây nến, những bó hoa mà du khách kính cẩn đặt xuống những đôi giày kia liệu có đủ sức nhắc nhở con người trước những tham vọng hùng bá ngu xuẩn và cuồng điên?
4. Trên những cấp dẫn lên tòa lâu đài gần Cầu Xích - một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng tại Budapest, do kiến trúc sư người Anh William Tierney Clark thiết kế và khánh thành năm 1849, tôi bắt gặp một họa sĩ đường phố đang ngồi vẽ những bức tranh về cây cầu và tòa lâu đài để bán cho du khách. Trông anh ta thật cô đơn và lạc lõng giữa đám du khách đang tíu tít bận rộn chụp ảnh mà quên đi thưởng ngoạn cảnh vật, vốn là mục đích chính của những chuyến lữ hành! Anh ta còn trẻ, nhưng sao tôi thấy anh giống như hình ảnh ông đồ già trong thơ của Vũ Đình Liên. Chỉ khác là một người viết tranh, một người viết chữ. Tôi mua một bức tranh nhỏ, xem như kỷ niệm để ghi nhớ sự lạc lõng của nghệ thuật giữa cảnh tượng xô bồ.
Khi chuyến xe bus đưa đoàn ra khỏi Budapest, tôi không còn dịp nhìn thấy lại dòng sông Danube tại những quốc gia khác. Nhưng hình ảnh những đôi giày trong ánh chiều thu và hình ảnh những tòa lâu đài theo mộng ven bờ sông, tiếng nhạc Strauss bồng bềnh rất nhẹ trên chiếc du thuyền trên sông Danube, hình ảnh người họa sĩ cô đơn giữa thành phố Budapest vẫn còn đọng mãi trong tôi trên đường về Salzburg, quê hương của nhạc sĩ Mozart.