Trên các vùng biển thường xuất hiện loài chim báo bão, có “khinh công” tuyệt kỹ bay qua quãng đường cả 14 - 15 nghìn cây số vượt Thái Bình Dương. Mỗi khi trời có ráng mây, người bình thường chỉ nhận ra “ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì gió, ráng đỏ thì mưa”, nhưng chim báo bão lại có thể cảm ứng mà bay trước ngọn gió để báo hiệu cho người đi biển sớm tìm chỗ tránh bão. Đứng trong đất liền thấy chim báo bão xuất hiện, là sắp có bão từ biển tràn vào.
Hình ảnh con chim báo bão cong mình theo sóng, oằn mình theo gió, đã có người mô tả và suy nghiệm: “Lạ kỳ thay loài chim báo bão, nó xả thân để dẫn dắt những kiếp mong manh, nó quên mình để cứu chuộc những thân xác một mai có thể chành vành lênh nổi, nó ngậm sóng, ngậm gió ngậm bão để bất chấp bị dìm xuống biển sâu. Và con người, những thân phận đang mải mê mưu sinh bám biển, sẽ đi về đâu, nếu một ngày ngừng cánh bay mải miết của loài vô tri báo bão? Chỉ là một cánh chim vô tri nhưng lại chấp chới một sự an bằng?” (Hồ Huy).
Cảm ứng của loài chim báo bão, là một trong những hiện tượng “linh giác”, “linh ứng” của động vật trong tự nhiên. Còn động vật bậc cao là con người thì thế nào? Dù được tạo hóa ban cho nhiều giác quan hơn, lại có đầu óc phân tích khoa học và tổ chức xã hội, nhưng không hiếm khi hầu như “mù lòa” trước các biến cố thiên tai, biến đổi khí hậu. Bằng chứng là tiếng kêu than đau đớn của con người trước gió bão, lụt lội, lở núi, động đất, sóng thần… vẫn diễn ra đây đó. Cho nên người ta vẫn mong có được tuệ nhãn để sớm tiên báo và chỉ đường vượt qua các biến cố thiên tai.
Theo nhà Phật, tuệ nhãn là con mắt vừa thấy đạo, vừa đạt đạo. Không riêng Đức Phật có tuệ nhãn, mà mỗi người đều có thể có được con mắt ấy nhờ biết cách nghe học, suy tư và thực nghiệm. Như thế muốn có tuệ nhãn cần phải có mắt quan sát tinh tế, học hỏi, nghiên cứu nhiều, dùng tâm sáng và trí huệ phân tích soi chiếu tri thức cùng kinh nghiệm thực tiễn. Trong đời sống, nếu có duyên chúng ta sẽ được diện kiến những bậc có tuệ nhãn chỉ đường quán xét, để phá tan các giả tưởng, tránh được mê lầm.
Trở lại với chuyện cảnh báo thiên tai, giống như chim báo bão, nhiều người có thể tiên báo và khuyến cáo những cách ứng phó. Như các nhà khoa học “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, nếu có “tuệ nhãn” sẽ đưa ra những cảnh báo sớm và hữu ích cho cộng đồng xã hội. May thay cho đồng bào miền Trung trong nhiều tháng qua, ngoài hệ thống cảnh báo quốc gia, đã có thêm các chuyên gia vào cuộc để cảnh báo những cơn bão, lũ lụt, sạt lở núi... Trong đó có một chuyên gia cấp cao về biến đổi khí hậu đã liên tục đóng góp các bản tin dự báo mưa bão qua trang cá nhân Huy Nguyen trên Facebook.
Dù chỉ là trang cá nhân với khoảng 4.000 người kết bạn, nhưng đã có 78 nghìn người theo dõi (tính đến ngày 22.10), do Huy Nguyen đã phân tích và đưa ra nhiều cảnh báo khá chuẩn xác, dự lường nhiều tình huống thiên tai do mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất, và đường đi, tốc độ của bão... Hẳn phải có trí tuệ quan sát và phân tích sắc sảo, đồng thời nặng tấm lòng vì đồng bào ruột thịt nên Huy mới thức khuya dậy sớm nghiên cứu, đưa ra khuyến cáo cụ thể công việc cần chuẩn bị để ứng phó như đề xuất các hồ đập sớm xả nước để đón lũ, triển khai bảo vệ tài sản, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ… Vì thế, mỗi ngày càng có nhiều người vào xem trang Huy Nguyen, và nói như nhà báo Nguyễn Thế Thịnh “tôi cứ ước, nếu mỗi chuyên gia khí tượng thủy văn của ta từ quốc gia cho đến các khu vực mỗi người là một Huy Nguyen thì sẽ tránh hoặc hạn chế được vô vàn sự cố thương tâm”.
Đáng quý thay một cánh chim báo bão đã mang trái tim và trí tuệ để giúp ích cho đời!