(VHQN) - Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thấm sâu trong máu huyết dân tộc Việt ngàn đời. Dù trải bao đổi dời dâu bể theo cuộc thiên di từ Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển, cuốn sử các dòng họ vẫn biên lại những dấu vết cội nguồn tổ tông, nhắc nhớ tục thờ cúng ông bà, trong đó có ngày hội chạp mả.
Chương “Phong tục” trong “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn (trang 339, quyển VII) có mô tả tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên của người Quảng Nam, thường diễn ra trong các hội lễ hằng năm: “Đến như tiết Nguyên đán cúng tổ tiên, lạy cha mẹ; ngày hôm sau thì bầu bạn đi lại chúc nhau gọi là “mừng tuổi”, đầu xuân thì sắm cỗ bàn để tế thổ thần; tiết trung nguyên thì sắm đồ mã để cúng tổ tiên; tiết đoan dương thì cúng tổ tiên và hái các thứ lá để làm thuốc; ngày 10 tháng Ba thì cúng cơm mới; tháng Chạp thì tảo mộ…”.
Trải qua hơn 550 năm mở đất về phương Nam, biết bao dòng họ đã cuốn vào dòng chảy lịch sử đất Quảng, mang theo bên mình tinh huyết của tiền nhân, của văn hóa truyền thống người Việt. Vào đất mới mà lòng vẫn lưu luyến cố hương, nên trong “Bắc địa tấu từ” (Lời tâu về đất Bắc) chép lại việc mở đất thời vua Lê Thánh Tông, cũng ghi lại 24 vị tiền hiền khai khẩn đất Điện Bàn. Trong đó, phần “tông đồ hội tánh” nêu rõ xuất xứ quê quán các vị từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Cao Bằng vào đây lập làng dựng ấp, rồi “trên vùng đất đã khai phá, chúng tôi lập ra 4 ngôi đình dùng để sinh hoạt hội hè, tế lễ”.
Đất đai khai phá ngoài diện tích để canh tác kiếm cái ăn, thì dành một phần ruộng lấy hoa lợi tế cúng tổ tiên. Như thế ít ra từ thế kỷ 15, tục thờ cúng tiền hiền của các dòng họ người Việt đã ở xác lập rõ ràng với “thuận ước” bằng văn bản tại Quảng Nam.
Người Quảng nói riêng, người Việt nói chung đều trọng vọng văn hóa tâm thức hướng về cội nguồn.
Xem qua vài tài liệu xưa vậy đủ thấy người Quảng nói riêng, người Việt nói chung đều trọng vọng văn hóa tâm thức hướng về cội nguồn. Câu răn dạy cháu con truyền đời kế tục phải giữ gìn gia sử “chim có tổ người có tông” và được thực hành trong gia phong ứng xử với tục thờ cúng ông bà.
Tục thờ cúng tổ tiên ông bà, nhất là các vị tiền hiền dòng tộc, được thể hiện một cách tập trung cao điểm vào dịp hội lễ nào hằng năm? Đầu thế kỷ 20, học giả Phan Kế Bính biên khảo Việt Nam phong tục, ấn hành năm 1915, chép lại truyền thống “phụng sự tổ tông”, biểu hiện rõ nhất trong việc tế Thủy Tổ: “Mỗi năm về ngày húy nhật ông Thủy Tổ, cả họ họp mặt tại nhà thờ, dùng lễ tam sinh, hoặc tùy họ to họ nhỏ mà dùng bò hoặc lợn để tế tổ.
Tế xong làm cỗ bàn ăn uống vui vẻ với nhau. Một tiết Thanh minh thì cả họ rủ nhau đi đắp mả tổ, nhiều họ đắp mả to gần bằng núi. Có họ đắp xong thì tế ngay tại mả tổ, có họ thì đem về nhà. Các tuần các tiết cũng có cúng, nhưng chỉ nhà trưởng nam cúng mà thôi. Đến tháng Chạp lại có một tuần hợp tế các tổ tông trong họ, thì họ lại họp đông như khi giỗ Tổ”.
Ở đây cũng cần chú giải cho rõ là người Quảng thờ cúng tiền hiền, thủy tổ nhiều nơi, cúng tế tại nhà thờ tộc, đình làng là phổ biến nhưng đồng thời mỗi khi chạp mả thường có cúng trước ở mả sau khi tảo mộ. Người Quảng cũng thường xuân kỳ thu tế ở nhà thờ, đình làng, tế cúng cả thành hoàng và thủy tổ tiền hiền.
Rồi cao điểm là dịp tháng Chạp và tiết Thanh minh, tảo mộ và chạp mả được tiến hành quy mô lớn. Vùng đất Gò Nổi (Điện Bàn) mấy năm nay phục hồi lễ hội Thanh minh với nhiều sắc màu văn hóa dòng họ, trong đó có việc tổ chức chạp mả tộc. Tuy vậy, nhiều dòng họ ở các vùng đất khác của xứ Quảng vẫn chọn chạp mả tộc vào tháng Chạp (đúng lạp nguyệt), kèm với việc tảo mộ hương khói ông bà tổ tiên trước khi đón tết.
Không phải “chết là hết”! Mối dây “mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên” (cây có cội, nước có nguồn) vẫn bám rễ và lưu chảy trong huyết mạch truyền từ đời này qua đời khác. Hãy thử nghe lời tế vọng tiên tổ mỗi lần chạp mả tộc mà thao thiết sự tri ân với các bậc tiền nhân:
“Cây xanh nhờ cội, nước ngọt nhờ nguồn/ Nhớ ơn xưa khảo trí tốn công/ Sinh thành dưỡng dục chẳng nề gian lao/ Thức khuya dậy sớm ra vào/ Cày sâu cuốc bẫm, cơ đồ dựng xây/ Để nối lại đời sau lập chí/ Đời nối đời chia phái nhánh chi/ Tầng cao bóng mát sum sê/ Lá rụng về cội người về tổ tông/ Nay con cháu về đây tảo mộ/ Từ tộc gia cho đến gia đường/ Lòng thành con cháu dâng hương/ Cầu xin phò hộ cháu con sum vầy…”.
Thật đủ đầy ý nghĩa với “cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người” như học giả Phan Kế Bính từng cất công khảo cứu.