Ca dao luôn đem lại những điều bất ngờ và thú vị mỗi khi ngẫm ngợi về nó. Có những từ, không phải phương ngữ, mãi đến gần đây tôi mới vỡ lẽ. Ví dụ như “ổi tàu” trong hai câu ca dao: “Chim xanh ăn trái ổi tàu/ Xứng đôi mẹ gả ham giàu làm chi”.
Trước hết là nói về con “chim xanh”. Lấy con chim xanh ra để làm đối xứng với trái ổi tàu, ta tự hiểu, sự chênh lệch của cặp đôi này là không đáng kể, thậm chí là không có. Vậy, con chim xanh nó như thế nào?
Dĩ nhiên, chim xanh trước hết thì màu sắc của nó phải xanh và phải ăn được trái ổi tàu thì đó mới đích thị là con chim xanh trong hai câu ca dao trên. Nhưng trong ca dao, những ví von của người xưa nhiều khi rất thâm thúy, trong nhiều trường hợp hình như tác giả khuyết danh chỉ mượn cớ sang đường mà thôi.
Trở lại với con chim xanh trong hai câu ca dao trên. Loài chim xanh mà chúng ta thường thấy, chúng bé hơn chim cu ngói một tí và bay thành đàn vài ba chục con, rất ưa loại trái cây rừng, từa tựa trái của cây sanh. Tôi từng chứng kiến chim xanh ăn trái cây rừng như vừa miêu tả chứ chưa thấy chúng ăn trái ổi tàu bao giờ. Có thể, người xưa mượn cớ ví von chim xanh/ ổi tàu để nói cái ý ở câu sau “xứng đôi thì mẹ gả” chăng?
Vậy ổi tàu là loại ổi như thế nào? Trong trí nhớ con trẻ của tôi, loại ổi này trái to hơn trái ổi sẻ. Người Việt mình tự ngàn xưa luôn mang tâm lý “vọng ngoại”, hễ loại cây/ con gì hơi khác những thứ của nhà trồng/ nuôi được thì đích thị nó là bên… Tàu hoặc tận bên Xiêm (tức Thái Lan), như vịt xiêm chẳng hạn.
Chim xanh với bộ lông óng ánh, bắt mắt đến thế hẳn phải xứng với loại ổi to, da láng khi chín mọng như ổi tàu. Suy diễn như thế, sai làm sao được! Vì vậy, người mẹ chỉ cần “xứng đôi” là gả ngay chứ không so đo tính toán, không “ham giàu” để có khi con mình chịu khổ.
Mới đây, đọc một bài viết của ông Nguyễn Đức Lập, một luật sư, con trai Bà Tùng Long - tiểu thuyết gia nổi tiếng trước năm 1975 nói rằng, ông vô cùng “thất vọng” với chính ông vì là người miền Trung nhưng mãi đến gần đây, tình cờ ông mới biết “ổi tàu” không phải trái ổi từ bên Tàu mà chính là trái ngũ sắc.
Có lẽ dân Quảng Ngãi cũng như các tỉnh Trung Trung Bộ quá quen thuộc với loài cây mọc thành từng lùm, lá nhám, trái của nó như hạt tiêu, ăn có vị ngọt. Hoa của nó đủ màu sắc. Loại trái cây này có thể là món khoái khẩu của loài chim xanh. Nhưng cũng có thể chưa hẳn là thế.
Như đã nói ở trên, trong ca dao, có những câu chỉ để “mượn đường” mà chẳng có ý nghĩa gì. Câu “Chim xanh ăn trái ổi tàu” cũng có thể như vậy. Nhà văn Bình Nguyên Lộc từng viết một khảo cứu về chữ “tàu” này, nó chả có gốc gác gì của Trung Quốc cả mà có trường hợp, chữ “tàu” có nghĩa là lạt. Thịt kho tàu không phải là kho như bên Tàu mà kho lạt lạt thôi.
Như hai con sông Cái Tàu Thượng và Cái Tàu Hạ (Đồng Tháp) là những con sông nước lợ (lạt lạt) vậy. Qua đó mới thấy, ca dao là kết quả những đúc rút từ tri thức của nhiều lớp người, qua nhiều thế hệ nên nó luôn hàm ẩn những kín đáo thâm sâu.