Chín chữ "Chạy"

NGUYỄN ĐIỆN NAM 27/11/2016 06:39

Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, được Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XII thông qua. Trong phần chỉ ra những biểu hiện chính của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có đến 9 chữ chạy được liệt kê sau đây: chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp.

Vì đâu lại có cái sự chạy? Ai chạy và chạy ai? Tại sao phải chạy? Làm thế nào để bịt các cửa chạy?... Hàng loạt câu hỏi như thế được đặt ra.

Trước hết nhận diện lại cái sự chạy. Không lạ gì nữa. Nói chạy là nói luồn lách, lo lót để đạt được mục đích tư lợi, phần lớn thông qua con đường “tiểu ngạch”, là lối “đi đêm”. Bởi nếu người ta đủ điều kiện để hưởng những gì đúng với khả năng, năng lực, cống hiến thì đường đường chính chính mà đi chứ gì phải chạy. Khi đã xác định “chạy”, nghĩa là phải tìm kiếm cái mà lẽ ra mình không có, bằng cách tiêu cực. Không phải anh hùng mà khai gian rồi chạy cho được phong anh hùng (sau bị lộ như ông Hồ Xuân Mãn ở Huế trước đây, hay như đơn vị của Trịnh Xuân Thanh làm ăn thua lỗ te tua mà chạy để được đề nghị phong anh hùng lao động). Kẻ có tội thì chạy tội. Học hành lôm côm chạy ra bằng cấp thật, đến tiến sĩ cũng ất ơ (học có mấy ngày, đăng ký để được trường nước ngoài bán bằng). Khi có chủ trương luân chuyển cán bộ thì chạy chỗ, lánh nặng tìm nhẹ, tìm chỗ “màu mỡ”. Nặng nhất thuộc về cán bộ là nạn chạy chức, chạy quyền. Nhiều vụ bổ nhiệm tràn lan (như một sở ở một tỉnh miền bắc có 45 người mà hết 43 người làm lãnh đạo; một tỉnh miền núi nhiều cán bộ chủ chốt là người trong họ).

Chạy thì dùng mấy cái thứ “ưu tiên” như: hậu duệ, quan hệ, tiền tệ... để chạy. Phải có người ban phát và tạo ra cửa mới có kẻ chạy. Không chạy trực diện được thì qua cò, thứ cò đã sinh ra lảng vảng ở cửa sai nha, rất rành thói quen, đường đi nước bước của sếp hoặc vợ sếp, con sếp. Các chiêu trò của cò làm cho sếp “mắc quai” khi tuồn vào cửa sau những thứ của cải vật chất làm mờ mắt “những người đàn bà sau lưng quan tham”.

Từ chạy sinh ra cái giả, của giả. Khi có đầy đủ thứ mà người ta chạy được rồi nên ai cũng như ai; anh có bằng, có huân chương thì tôi cũng có; thế là nhăng nhít cả lên chẳng biết đâu là thật/giả nữa. Hồi bao cấp có câu truyền miệng “thẳng thắn thật thà thì thua thiệt/ lo lòn, luồn lách lại lên lương”, bây giờ biến thái ra muôn hình kiểu chạy núp bóng “cơ chế thị trường”. Phần lớn là dùng tiền để mua, như cái câu “kinh điển” kiểu Năm Cam: Cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng... rất nhiều tiền.

Của giả từ việc chạy đã làm hỏng nát xã hội. nguy hiểm hơn như nhà báo Hữu Thọ từng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội: Việc “chạy” bây giờ thường diễn ra, khiến có người lúc đầu không muốn chạy, nhưng cả làng chạy thì mình không thể không chạy theo. Thế là hỏng, là loạn, trước hết là loạn chuẩn. Đáng sợ là hàng giả, tiền giả, bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả,... những thứ này tuy nép rất khéo trong cái thật nhưng đã góp phần làm nên “người giả”. Mà những “người giả” này dễ được tin dùng, cất nhắc nếu họ không được kiểm tra từ hành động, kết quả hay từ đánh giá trung thực của nhân dân. Ông Hữu Thọ cũng đã sớm xuất bản cuốn tiểu phẩm “Chạy” khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa IX) ra đời để cảnh báo, nhưng từ đó đến nay cái sự chạy vẫn chưa bị ngăn chặn triệt để.

Muốn chống chạy thì phải bịt các cửa chạy. Lỗ hổng này rất lớn trong quy trình vận hành của bộ máy và các kẽ hở luật pháp. Sự tha hóa quyền lực, tham nhũng ghế, lợi ích nhóm, cơ chế “xin - cho”... đã tạo cửa cho nhiều kẻ chạy. Phải bịt các cửa chạy trước cơ quan công quyền bằng sự minh bạch hóa, dân chủ hóa và các công cụ giám sát hữu hiệu. Phải xử thật nặng những kẻ ăn của đút và kẻ chạy chọt. Và cuối cùng là đạo đức xã hội. Nếu coi cái việc chạy là đương nhiên và không có ai phản kháng thì đến lúc cả làng, cả xã hội đều chạy. Bịt cửa chạy không chỉ bằng các chế tài luật pháp mà còn phải bắt đầu rất sớm từ giáo dục công dân, từ văn hóa và đạo đức. Không có sự liêm sỉ, lòng tự trọng ở mỗi người thì cái sự chạy mỗi ngày mỗi chồng lên những phong bì dày cộp, làm tham nhũng tiêu cực trở thành bệnh ung thư càng phổ biến mà thôi.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chín chữ "Chạy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO