Bữa chạy xe máy trên cầu vượt phía dưới chợ Trung Phước (huyện Nông Sơn) tầm 8 giờ sáng, đi trong sương lãng đãng núi và xanh thẳm Thu Bồn, giật mình vì lạ.
Từ trên Hòn Kẽm Đá Dừng, mạch núi chạy về đây, uốn lượn như khép mở hai cánh tay. Đến đoạn Phước Ninh rồi về Trung Phước, nó như dừng lại, nhẩn nha tựa kẻ lãng du ham vui mà lòng dạ hào sảng.
Đứng ở cầu vượt ngó về phía núi Chúa, thấy núi như chai rượu đã mở nắp. Có lần nói chuyện với ông già có chân trong băng nhạc cổ ở đây, ông nói trên đó có bàn cờ tiên, đi lên cũng không khó. Sương như cái chớp mắt uể oải của cô gái trễ tràng dậy muộn, mơ màng qua rèm cửa.
Xanh ngắt một màu của núi của sông của mắt người đi ngược. Lòng không khỏi bâng khuâng cảm khái, rằng hèn gì đất này sinh văn vật, hào kiệt. Bữa rồi gặp Hồ Tấn Vũ vốn sinh quán chốn này, rời khỏi làng trong bao khốn khó theo đuổi nghiệp cầm bút, bèn thổ lộ tâm ý đó, Vũ gật đầu liền: “Chỗ cầu vượt là nơi Bùi Giáng chăn dê đó anh…”.
Lặn lội giữa xanh ngắt của cây trái đầu nguồn, cán bộ xã Phước Ninh cứ nằng nặc nhờ một việc, là ngó dùm và giúp cho mấy chữ chỗ Lăng Ông của thôn Bình Yên.
Anh Trương Ngọc Vũ - Chủ tịch UBND xã Phước Ninh nói: “Lăng này xã đang nhờ ngành chuyên môn cấp trên làm hồ sơ di tích. Chỉ khi được công nhận thì mới được đầu tư. Có cơ sở khang trang, được giới thiệu thì mới mở được rộng hơn địa điểm du lịch của xã”. Tôi nói rằng, muốn công nhận di tích phải có hồ sơ khoa học. Lội vào đó, thắp nhang giữa tứ bề cây lá, sao thương quá phận người.
Chuyện rằng, thời Pháp có một người tên là Cát Cao thủ lĩnh nghĩa quân. Ông dẫn lính vào núi Hòn Tàu, hạ cây đục thuyền đánh giặc. Ông chết, nồi hương thờ ông trôi ra bến Cúng - miếu Ba Khe, rồi trôi tiếp đến khu mả Ngài.
Bà con tưởng nhớ lập lăng nhưng thấy khu đất đó không đẹp bằng chỗ hiện nay nên dời về, dựng lăng. Năm 1992, thay vì nhà gỗ như trước, khu lăng bằng bê tông mọc lên, đến năm 2019 trùng tu lần 2 bề thế uy nghi.
Theo anh Phạm Đình Đại - thôn trưởng Bình Yên, đây không chỉ là lăng thờ của Bình Yên mà là cả hai thôn Xuân Hòa và Đông An. Một người cao tuổi trong thôn cho biết, nơi đây rất linh thiêng, phụ nữ không dám đi trước mặt lăng. Địa chí Nông Sơn có ghi tên lăng này. Tại Nông Sơn, lăng này là lớn nhất, cũng là di tích đầu nguồn sông Thu…
Ai thường đi rừng sẽ thỉnh thoảng gặp những cái miếu vô danh nhưng chưa từng hoang lạnh; những bát nhang lẻ loi nhưng đỏ chân…
Nơi đó có thể là chỉ dấu của một thời lam chướng nghìn trùng, người nào đó vì nghĩa, vì miếng ăn mà bỏ mạng; trời rất hay cứu độ bá tánh trong cơn nguy khốn, hay tấc lòng thơm thảo biết ơn của kẻ sơn tràng tạ ơn thần rừng thần núi giang tay che chở cho họ giữa muôn trùng khốn khó bủa vây.
Có sống với rừng, ở giữa rừng mới thấy phận người như chiếc lá, chỉ còn cách cúi đầu trước trời đất, trước huyền linh, may ra yên ổn sống sót mà sinh nhai.
Những lăng, miếu lập ra, đôi khi chẳng hề được biên chép. Nó mọc lên từ tâm thức dân gian và không hề tồn tại vô nghĩa, không phải chuyện đùa giỡn. Với những quy định khoa học ngặt nghèo về định danh, đôi khi nó không thể đáp ứng được, nhưng thực tế cho thấy, có những địa chỉ, người ta không cần biết tuổi tác nguồn gốc xuất thân, mà nó ăn sâu vào họ như phần không thể thiếu của đời sống tâm linh.
Họ trân trọng giữ gìn và ao ước được đám đông công nhận, không phải để làm oai với thiên hạ, mà muốn lan tỏa sự ngưỡng vọng đến với nhiều người, như lời nhắn rằng, họ tồn tại nhiều khi nhờ chốn đó, sự tồn tại không gọi tên chỉ mặt được nhưng sừng sững và cụ thể.
Du lịch văn hóa - tâm linh đang là xu hướng lớn để kích hoạt kinh tế ở những vùng có lợi thế. Muốn công nhận một di tích, thì giấy tờ phải chính danh. Không sai. Nhưng cũng có cái chính danh mà dân thờ, từ lòng dân, không sách vở mà bất diệt, truyền đời.
Tôi cầu mong cho tâm nguyện của bà con ở đây được toại thành, nhưng nếu không được, thì cũng không nên ngại ngần đưa nó vào danh sách du lịch. Thì bài chòi, dân ca đó, ai chỉ giùm sử sách nào ghi, mà chỉ là sản phẩm truyền miệng, nhưng thiên hạ sấp ngửa tìm tới. Tôi vẫn quyết cho rằng cái gì hợp lý thì tồn tại, đó là gì nếu nó không chính danh, mà đã vậy là do phận nó có lâu rồi…
Nghĩ tới đây mà thương người ở núi, như kẻ đi biển giữa ba đào, họ biết dựa vào đâu ngoài trời đất. Mạch núi vẫn chạy, từ cầu vượt ngó lên phía Hòn Kẽm như bắt gặp cái nhìn phiêu hốt của một cao nhân ẩn mặt…