Xây dựng Đảng

Chỉnh đốn đội ngũ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

NGUYỄN THANH BÌNH 10/05/2024 09:14

Trong những bối cảnh đặc biệt của lịch sử, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã giúp siết chặt hàng ngũ, giữ vững ý chí chiến đấu cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và để lại nhiều bài học quý cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

ong-bui-hong-long.jpg
Ông Bùi Hồng Long - Bí thư Đảng ủy xã Tam Dân, Phú Ninh (trái) thăm hỏi hộ ông Lê Văn Thanh (thôn Ngọc Tú) có hoàn cảnh khó khăn, được xã nhận giúp đỡ năm 2023. Ảnh: N.ĐOAN

Chú trọng chất lượng đảng viên

Tháng 3/1949, Liên khu ủy 5 ra Nghị quyết “đẩy mạnh đà phát triển để xây dựng Đảng thành một đảng quần chúng mạnh mẽ”. Từ đây, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam chú trọng công tác phát triển đảng viên mới.

Nếu tháng 3/1949, Đảng bộ có 3.477 đảng viên, thì đến tháng 11 cùng năm có 21.058 đảng viên và lên đến 53.613 đảng viên vào cuối năm 1950 (tỷ lệ đảng viên so với số dân là 1/16).

Đáng chú ý, số lượng đảng viên tăng đột biến trong thời gian ngắn, lại không đi đôi với chất lượng, đặt ra vấn đề cấp bách về nâng cao chất lượng, siết chặt lại đội ngũ của Đảng. Trong năm 1949, Đảng bộ tỉnh tiến hành mở đợt học tập và kiểm thảo ở chi bộ về “cần, kiệm, liêm, chính”.

Đến tháng 7/1950, khi có chủ trương của cấp trên, Đảng bộ nhanh chóng thực hiện việc “tạm dừng phát triển đảng viên mới, tập trung củng cố nâng cao chất lượng đảng viên, kiện toàn tổ chức đảng”.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra chất lượng đảng viên, đưa những người không đủ điều kiện, phẩm chất ra khỏi Đảng. Riêng trong năm 1950, Đảng bộ đã khai trừ ra khỏi Đảng 139 đảng viên, cảnh cáo 57 đảng viên. Ở Đảng bộ huyện Duy Xuyên, chỉ qua tuần thanh tra nội bộ, đã đưa ra khỏi Đảng 40 người.

Nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn nhất quán phương châm coi trọng chất lượng hơn số lượng về đội ngũ. Qua các đợt chỉnh đốn Đảng, số lượng đảng viên của Đảng bộ đã giảm từ hơn 53.000 vào cuối năm 1950, còn 49.000 vào giữa năm 1952 và đến năm 1954 còn khoảng 35.000.

Hay như, giai đoạn 1990 - 1995, bên cạnh kết nạp được 4.000 đảng viên mới, Đảng bộ đã kiên quyết khai trừ và đưa ra khỏi Đảng bằng các hình thức đến 1.853 người.

Những con số đó chứng minh quyết tâm chính trị to lớn của Đảng bộ tỉnh trong việc làm trong sạch đội ngũ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu và củng cố niềm tin yêu của nhân dân với Đảng.

Từ năm 1951 - 1954, Tỉnh ủy mở đợt sinh hoạt mang tên “Trại Tháng Tám” và phát động phong trào “Rèn cán, chỉnh cơ”, uốn nắn nhận thức giản đơn trong xây dựng “Chi bộ tự động công tác”.

Đồng thời kiểm thảo cán bộ, đảng viên theo tinh thần nội dung thư của Bác Hồ gửi Liên khu 5 về “Cán bộ phải cùng phê bình và sửa chữa mình từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, kiên quyết sửa cho kỳ được”.

Đặc biệt, giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ tỉnh liên tiếp mở các đợt chỉnh Đảng nhằm chấn chỉnh tư tưởng, tác phong công tác, chỉ rõ các sai phạm của đảng viên để xử lý kỷ luật, loại bỏ những người không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng

Đầu những năm 1990, Việt Nam tiếp tục bị Mỹ và một số nước bao vây, cấm vận và vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Liên Xô lâm vào khủng hoảng toàn diện và sụp đổ. Các thế lực thù địch ráo riết thực hiện “diễn biến hòa bình”.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng bộ giảm lòng tin đối với tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, một số ít xin ra khỏi Đảng. Năm 1991, là năm duy nhất trong lịch sử Đảng bộ có số lượng đảng viên mới kết nạp (627) ít hơn số đảng viên ra khỏi Đảng dưới các hình thức (819).

Trong hoàn cảnh đó, tháng 10/1991, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV xác định phương hướng công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ đến là “Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cuộc vận động làm trong sạch Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”.

Như vậy, Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ ràng, cụ thể những nhiệm vụ cấp bách, trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Hơn nữa, Đảng bộ còn khẳng định kiên định con đường chủ nghĩa xã hội và quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của mình.

Quyết tâm chính trị trong phương hướng xây dựng Đảng đó cho thấy tinh thần, thái độ đúng đắn, trách nhiệm cao của Đảng bộ trước những khó khăn, thách thức, vận mệnh đang đặt ra trên con đường phát triển của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy đã đổi mới một bước công tác giáo dục chính trị tư tưởng, coi trọng việc tổ chức quán triệt đường lối đổi mới của Đảng. Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng” trong toàn Đảng bộ.

Lần đầu tiên toàn tỉnh hình thành hệ thống 37 điểm để chỉ đạo rút kinh nghiệm chung về thực hiện nghị quyết. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều quyết định, quy định nhằm cụ thể hóa các chủ trương về công tác đảng viên, công tác tổ chức, công tác cán bộ.

Trong nhiệm kỳ này, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, từng bước giảm dần số tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh từ 23% năm 1991 tăng lên 32% vào năm 1995.

Hơn 6.000 cán bộ các cấp của tỉnh đã được học các lớp lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 1992, số đảng viên mới kết nạp mỗi năm đều tăng hơn năm trước, khắc phục được tình trạng sa sút nghiêm trọng vào năm 1991.

Đối với những đảng viên không còn tha thiết với Đảng, giảm sút ý chí phấn đấu đã được đưa ra khỏi Đảng bằng các hình thức thích hợp. Trong giai đoạn 1992 - 1994, có 672 người bị xóa tên trong danh sách đảng viên, 185 người xin ra Đảng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Từ thực tế lịch sử cho thấy, Đảng bộ tỉnh đã xác định đúng đắn và đấu tranh kiên quyết bảo vệ đường lối, khắc phục mọi biểu hiện dao động về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, sợ gian khổ, hy sinh, thoái thác nhiệm vụ và quan liêu, xa dân, sa ngã về đạo đức, lối sống.

Từ đó, tạo nên sự thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, góp phần làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính các cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận trong Đảng bộ đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng trong mỗi thời kỳ.

Đồng thời phát triển các quan điểm lý luận đúng đắn, tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đảng và xã hội, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Khi số lượng đảng viên tăng lên nhanh trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ coi trọng huấn luyện chính trị, sửa đổi lề lối làm việc, chỉnh đốn tổ chức và siết chặt đội ngũ. Sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về số lượng và chất lượng là thành quả vượt trội mà Đảng bộ đã đạt được trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sau này, khi có những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, “rời bỏ” hàng ngũ trước sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, Đảng bộ đã thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và làm trong sạch đội ngũ của mình.

Rõ ràng, có chỉnh đốn tổ chức Đảng mới khẳng định sức mạnh chính trị to lớn của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong mỗi thời kỳ, bên cạnh những đảng viên ưu tú, hết lòng phục vụ Tổ quốc, vì nhân dân, vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt về lý tưởng, dao động vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Nếu không ngăn chặn và đẩy lùi những khiếm khuyết đó sẽ dẫn đến nguy cơ làm biến chất Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

(Tác phẩm hưởng ứng Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 - năm 2024)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chỉnh đốn đội ngũ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO