Chuyện xây dựng chính phủ điện tử (e-Government) đã khởi xướng mấy năm rồi nhưng vẫn là vấn đề thời sự. Chính phủ đã có Nghị quyết 36a/NQ-CP (ban hành ngày 14.10.2015) và Quảng Nam đã có Chỉ thị 05/CT- UBND của Chủ tịch UBND tỉnh (ban hành ngày 4.2.2016) yêu cầu tổ chức thực hiện, song cho đến nay chính phủ/chính quyền điện tử còn ở bước xây nền.
Chính phủ/chính quyền điện tử, hiểu một cách nôm na, đó là kiểu chính phủ/chính quyền… trên mạng, “sử dụng internet và mạng toàn cầu (world-wide-web) để cung cấp thông tin và các dịch vụ của chính phủ tới công dân”. Như thế phải sử dụng công nghệ thông tin (ICT), công nghệ số để xây dựng dữ liệu và cung cấp trực tuyến cho dân chúng qua con đường “điện tử hóa” và “mạng hóa”. Giao dịch của công dân với chính phủ/chính quyền điện tử sẽ thuận tiện, nhanh gọn hơn nhiều. Như việc khai thuế, xin giấy phép kinh doanh hay gửi giấy tờ đi lại qua mạng đều có thể được cả. Một e-Government vận hành tốt có thể giải quyết dịch vụ công trực tuyến mà dân không cần đến trụ sở chính quyền, ngoại trừ khi phải cần có “chữ ký tươi” hoặc dấu vân tay của họ để lưu chứng từ gốc. Thuận tiện vậy nhưng sao triển khai chậm? Là do tư duy, năng lực một bộ phận lãnh đạo chưa bắt kịp tiến bộ công nghệ, cũng có phần do sức ỳ của bộ máy công quyền. Tệ hơn nữa là có ý kiến cho rằng, nếu mọi thứ đều giao dịch trực tuyến qua mạng minh bạch thì cán bộ khó “chấm mút” được nên chỉ có thể “đi xe ôm, buôn chổi đót” mới có tiền xây biệt phủ (?!).
Muốn có chính quyền điện tử, dĩ nhiên phải đầu tư hiện đại hóa phương tiện, ứng dụng ICT và truyền thông. Nhưng nếu có công cụ, phương tiện hiện đại mà tư duy cán bộ không đổi mới, thiếu chính quy thì cũng như không. Máy tính dùng để chơi game, nghe nhạc, lên mạng “tám chuyện” suốt ngày, việc của dân làm sao giải quyết kịp (?). Cách mạng 4.0 mà tư duy 0.4 thì nảy sinh rắc rối.
Muốn có chính quyền điện tử thì cấp xã phường cần làm trước. Bởi theo các chuyên gia phân tích, cấp xã phường có dân số khoảng 5.000 -10.000 người dễ áp dụng công nghệ và quản trị mạng. Nếu 11 ngàn xã phường làm xong thì bước sau kết nối với 713 quận huyện, thị xã, rồi 63 tỉnh thành không khó.
Nói dễ bắt đầu từ cấp độ cơ sở với số dân quy mô nhỏ thì có bài học kinh nghiệm từ Estonia. Đây là một quốc gia châu Âu gần Nga, chỉ có 1,3 triệu dân (chưa bằng tỉnh Quảng Nam) mà đột phá phát triển ICT trong vòng 25 năm qua đã vào tốp 30 quốc gia đứng đầu thế giới về ICT, có 100% số người trẻ biết dùng internet, có viện hàn lâm ICT. Estonia đã triển khai “văn phòng chính quyền không giấy”, nên việc khai và trả thuế trực tuyến chỉ mất khoảng 5 phút; đăng ký mở công ty qua internet mất khoảng 30 phút. Người dân cũng có thể bỏ phiếu bầu cử, trả phí đỗ xe qua mạng nhờ wifi miễn phí khắp nơi. Estonia coi “truy cập internet là một quyền con người” nên chính phủ điện tử của họ năng động đề ra mọi chính sách dựa trên sự minh bạch và tiện lợi cho công dân, phòng ngừa tham nhũng trong bộ máy công quyền.
So sánh Estonia với Việt Nam sẽ thấy mình còn cách xa họ quá về ICT (năm 2017, Estonia có chỉ số ICT đứng thứ 17 còn Việt Nam đứng thứ 108). Tuy nhiên, nếu có khát vọng thay đổi thì Việt Nam không khó để cải thiện tình hình, bởi tốc độ tăng trưởng người dùng internet của nước ta thuộc hàng cao nhất thế giới, với hơn nửa dân số dùng internet và có tài khoản Facebook. Việt Nam cũng không thiếu người giỏi ICT, như một chàng trai Quảng Nam đã biết khai thác dịch vụ trên internet, được Google chi trả 727.000USD (gần 17 tỷ đồng), mới vừa đóng thuế thu nhập cá nhân khoảng 1,4 tỷ đồng.
Xây dựng chính phủ/chính quyền điện tử khó hay dễ, nhanh hay chậm là tùy thuộc vào việc đổi mới tư duy, quyết tâm và năng lực.
NGUYỄN ĐIỆN NAM