Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Mong đợi sự thực thi

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 10/09/2016 09:42

Những thông điệp của Chính phủ kiến tạo, hành động, nhất là Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 ban hành ngày 16.5.2016 được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc để thúc đẩy sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thương giới cho rằng Nghị quyết 35 sẽ là chìa khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo ra môi trường thông thoáng, cởi mở và minh bạch hơn.

Tuy nhiên, trước một loạt khó khăn của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay thì hơn lúc nào hết, cần phải biến những chủ trương thành hành động cụ thể một cách nhanh nhất để đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. Thương giới cũng thừa nhận mọi việc làm được hay không không phải do Chính phủ mà doanh nghiệp vẫn phải đóng vai trò quyết định, chủ thể của hành động và quyết định sự thành công.

Cảng Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cảng Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty EMIC HOSPITALITY HỘI AN: “Cần đồng hành hơn vai trò bà đỡ”

Thông điệp một Chính phủ hành động, một Chính phủ kiến tạo với các nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chuyển từ ban phát sang phục vụ là tín hiệu rất vui cho doanh nghiệp Việt Nam khi Chính phủ của nhiều nhiệm kỳ trước biết mà chưa mã hóa thành hành động dám làm, dám thay đổi “sự thật” về những khó khăn của cơ chế đã làm cản trở doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, muốn thực thi đúng, thiết nghĩ Chính phủ phải làm thế nào cho toàn bộ hệ thống nhà nước từ trung ương đến địa phương phải thay đổi cách nhìn về doanh nghiệp. Chính phủ nhanh chóng “mã hóa” thành những quy định, quy chế, đảm bảo việc giám sát quá trình thực thi và có biện pháp xử lý nghiêm khắc cá nhân, tập thể không thực hiện đúng những chế tài đã được đưa ra

Khá nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận định “doanh nghiệp không muốn lớn”. Điều này thực sự đúng. Đau khổ nhất ở Việt Nam là những doanh nghiệp không muốn lớn thường rơi vào doanh nghiệp không có năng lực và những doanh nghiệp có lòng tự trọng cao. Không bàn tới những doanh nghiệp thiếu năng lực, còn những doanh nghiệp có năng lực, có lòng tự trọng cao thì họ lại không tin vào sự quản lý chưa minh bạch của chính quyền. Với những gì đã diễn ra, đa số doanh nghiệp lớn ít bền vững vì họ xây dựng doanh nghiệp dựa trên nền tảng của các mối quan hệ, chiếm tỷ trọng cao là những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm ngọn như bất động sản, tài chính. Mối quan hệ yếu đi họ sẽ yếu theo. Những doanh nghiệp chân chính không muốn phát triển dựa trên mối quan hệ thân mật với chính quyền luôn gặp nhiều rủi ro, bất trắc trong kinh doanh thì làm sao họ muốn và có thể lớn được. Có thể dễ dàng nhận thấy trình độ quản lý của nhiều cơ quan nhà nước phát triển chậm hơn trình độ quản lý của doanh nghiệp. Thiết nghĩ doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững cũng không vội lớn để tránh những rủi ro thất bại không phải do mình.

Cứu doanh nghiệp hay xây dựng nền tảng quốc gia khởi nghiệp, rất cần một chính quyền văn minh. Đó là một chính quyền đồng hành với doanh nghiệp, trở thành mắt xích quan trọng cùng doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm chứ không phải một chính quyền luôn suy nghĩ là “bà đỡ” cho doanh nghiệp như hiện nay. Muốn doanh nghiệp phát triển, chính quyền địa phương sớm có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp một cách cụ thể. Họ phải cùng ngồi với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế hỗ trợ để liên kết các doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp có tư duy phát triển bền vững bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, xã hội. Lợi ích kinh tế được phân bổ một cách công bằng đến những người hưởng lợi và cộng đồng, sớm cải cách hành chính một cách mạnh mẽ bằng hành động chứ không phải bằng lời nói như hiện nay. Chính quyền tỉnh sớm can thiệp vào chính quyền địa phương làm sao nhanh chóng tẩy chay các tệ nạn chai lì trong giải tỏa đền bù, cấp phép xây dựng.

Không bàn cãi về nghị quyết của Chính phủ đã đáp ứng đa số nguyện vọng của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp vẫn chờ đợi lớn hơn về sức mạnh thực thi nghị quyết và giám sát thực hiện của Chính phủ xuống từ địa phương. Đó là sự cần duy nhất hiện nay của doanh nghiệp mong đợi từ Chính phủ, bộ ngành trung ương và các cơ quan công quyền địa phương.

Lê Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An: “Chờ đợi thực thi”

Không hình sự hóa các vấn đề kinh tế là ý tưởng mới. Theo tôi, chỉ trừ những trường hợp cố tình làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội hay cố tình lợi dụng các chính sách nhà nước để trục lợi, vi phạm pháp luật thì phải hình sự hóa, còn hiện trong làm ăn đã có luật doanh nghiệp, luật đầu tư. Việc xử lý các mối quan hệ kinh tế trên tinh thần dân sự sẽ làm cho doanh nhân cảm thấy yên tâm và không thấy bất an trong việc phát triển mở rộng, bởi làm ăn kinh tế luôn gặp trở ngại rủi ro lúc được lúc mất là chuyện bình thường. Có thể từ những rủi ro, thất bại hôm nay họ sẽ tìm mọi cách đi đến thành công cho tương lai. Chứ nếu thất bại mà hình sự hóa thì uy tín mất đi, doanh nghiệp, doanh nhân mất hết nhuệ khí, sẽ không dám xả thân để làm kinh tế. Nếu quan điểm rõ ràng như vậy, những thông điệp ấy giúp doanh nghiệp mạnh dạn khởi nghiệp, mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh trong điều kiện giảm bớt rủi ro về pháp lý

Trong Nghị quyết 35, điều tâm đắc là một doanh nghiệp trong một năm chỉ được thanh tra, kiểm tra một lần là vô cùng mừng vì muốn kiểm tra phải thông báo và chuẩn bị cho doanh nghiệp, chớ kiểm tra liên tục thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp còn phải tập trung lo làm ăn. Chính nghị quyết 35 thổi tới cho doanh nhân một luồng gió mới sự tôn trọng của chính phủ khi không xem doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà là phục vụ. Sự thay đổi nhận thức này đã mang đến niềm tin của doanh nghiệp vào Chính phủ ngày càng được nâng lên. Mọi quyết định, chiến lược đầu tư…cũng khó đưa đến thành công của doanh nghiệp nếu như không nhận được sự quan tâm của chính quyền. Nếu các cơ quan ban ngành cơ quan thực thi thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết, tinh thần của Thủ tướng thì chắc sẽ có thay đổi lớn về nhận thức. Việc thay đổi tư duy từ chính quyền chủ yếu quản lý sang phục vụ là điều mới mẻ. Nếu đúng như nhận thức đó thì doanh nghiệp sẽ được tạo cú hích lớn, nền kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh trong thời gian tới. Tất cả doanh nghiệp đều phấn khởi, ủng hộ các chủ trương, chính sách của nhà nước, nhưng vấn đề thực thi của các bộ, ngành, cơ quan quản lý lại là chuyện khác…Doanh nghiệp vẫn đang phải chờ đợi!

Trần Thị Hiển - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Đại Dương Kính: “Tự đi tìm câu trả lời đáp lại sự ưu ái”

Trăn trở đầu tiên của doanh nghiệp là tìm kiếm cơ hội làm ăn. Dù cơ hội đó là đối tác mới, thị trường mới hay một thông tin thoảng qua. Chính doanh nghiệp xác định cơ hội và rủi ro để nắm bắt. Vấn đề là các chính sách mới được dày công soạn thảo có thật sự hiệu lực để tạo ra sự chuyển dịch theo hướng các nhà làm chính sách mong muốn hay không mà thôi. Đại Dương kính không ngừng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp kể từ năm 2006 ra đời trên nền tảng của một cửa hàng chuyên cắt và thi công lắp dựng kính năm 1994. Điều ấy đã cho phép doanh nghiệp tiến nhanh, nhưng khó có thể xác định được điều gì khi thương trường, thị trường vẫn còn đầy khó khăn.

Thực tế nhiều năm, doanh nghiệp không biết được chính sách nhà nước sẽ được định hướng như thế nào để có thể dựa vào đó mà tính toán cho kế hoạch tương lai. Doanh nghiệp luôn gặp khó khăn xuất phát từ chính sách vĩ mô của nhà nước không đồng bộ, rõ ràng. Có những chính sách đúng nhưng thực thi mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi nơi mỗi phách, không phân định rõ ràng khuyến khích cái gì và cấm cái gì? Doanh nghiệp rất cần một hành lang pháp ý rõ ràng, chứ không cần sự ưu đãi. Lỗ, lãi là chuyện thường trong kinh doanh, nhưng đừng để doanh nghiệp bơi trong vòng luẩn quẩn. Quyết định mang tính đột phá đến tốc độ và mức độ phục hồi của nền kinh tế, thị trường đều phụ thuộc vào sự điều hành của Chính phủ và hệ thống ngân hàng. Thật sự chính quyền Quảng Nam đã chia sẻ, hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp, nhưng quyết định cho sự tồn vong của doanh nghiệp không chỉ cứ bám theo các quy định của nhà nước cấp trên mà phải dựa vào thực trạng doanh nghiệp tại địa phương. Vì vậy, có những điều không trái pháp luật, có thể vận dụng, giải quyết được thì cũng nên vận dụng để cứu cho những doanh nghiệp gặp khó khăn.

Sự ủng hộ của xã hội và cả hệ thống chính trị, từ thể chế đồng bộ, minh bạch, các chính sách khả thi và hiệu lực…mới vừa được ban hành là một sự thay đổi lớn, chính là cơ hội để giới doanh nghiệp phát triển. Còn lại là doanh nghiệp sẽ làm gì để đáp lại sự “ưu ái” đó mới chính là việc của doanh nghiệp phải tự đi tìm câu trả lời. Nhưng cũng không nên trách doanh nghiệp nếu như họ không thể lớn hơn, mạnh hơn để vươn lên tầm quốc gia hay thế giới vì nguồn lực của doanh nghiệp hiện tại rất hạn hẹp.

Văn Công Mẫn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Quang: “Khéo lo thì no, khéo co thì ấm”

Chính phủ đã ra mệnh lệnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã có một hành lang pháp lý rõ ràng để mạnh dạn thay đổi mà không sợ bất kỳ chuyện hình sự hóa nào. Vấn đề là doanh nghiệp của anh có thích ứng được với thị trường hay không? Vốn ngân hàng đều ưu tiên cho sản xuất, nhưng hơn hết là doanh nghiệp có thực sự sản xuất và có thể tính toán được lợi nhuận đủ để trả lãi suất cho ngân hàng hay không? Mỗi một doanh nghiệp đều phải tự mở cho mình một lối đi, làm sao cho phù hợp với thị trường và nội lực doanh nghiệp. Hơn 11 năm hoạt động, không xuất khẩu vì quá nhiều rắc rối, chỉ mua các mặt hàng thủy hải sản, nông sản sơ chế để bán lại cho các nhà máy của các doanh nghiệp khác tinh chế xuất khẩu. Khách đặt hàng tới đâu làm tới đó. Vì vậy nên nhiều biến động của thị trường cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Thực sự thì chính quyền, cơ quan quản lý tại địa phương hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp. Cần gì họ tư vấn hỗ trợ ngay. Doanh nghiệp vẫn thường xuyên theo dõi các thông điệp từ Chính phủ hay các nghị quyết, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tầm của doanh nghiệp ở đâu thì quan tâm theo dõi ở mức mình có.

Khó khăn của doanh nghiệp thì nhiều, nhưng một khi doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục, minh bạch về tài chính, thuế, kể cả vệ sinh an toàn thực phẩm…thì không việc gì phải sợ các cuộc kiểm tra hay thanh tra. Cơ bản là anh có tìm được thị trường mới là điều quan trọng. Doanh nghiệp phải thật sự chủ động việc kinh doanh còn nhà nước chỉ hỗ trợ. Việc mở rộng hay thu hẹp, đừng sản xuất mặt hàng này chuyển sang mặt hàng khác của doanh nghiệp đều phải dựa vào tín hiệu của thị trường.

Cơ chế, chính sách của nhà nước đã tháo gỡ cho doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất. Vấn đề là sự lựa chọn. Nếu những đơn hàng an toàn thì sản xuất, còn rủi ro thì tính toán kỹ lưỡng. Ngay cả việc vay ngân hàng cũng đâu khó dù tất cả đều phải thế chấp. Tùy theo lực doanh nghiệp mà tính toán có vay hay không. Không thể vay ngắn hạn để đầu tư cho dài hạn sẽ gặp rủi ro. Cứ vay sản xuất, xuất lô hàng xong trả ngay ngân hàng thì không khó. Thật sự nếu doanh nghiệp không làm sai trái thì các cơ quan quản lý cũng không bắt bẻ gì. Doanh nghiệp cần minh bạch, không biết hay vướng thì hỏi thì không sợ gì. Chuyện quan tâm của Chính phủ là chuyện lớn, cái chính là doanh nghiệp vẫn phải tự mình chủ động, tính toán cho sự phát triển của doanh nghiệp trong một hành lang pháp lý đã được rộng mở thì cũng chẳng phải lo gì nhiều. Ông bà nói nhiều rồi: Khéo lo thì no, khéo co thì ấm mà.

Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Cởi trói cho doanh nghiệp”

Thủ tướng Chính phủ đã công bố, Chính phủ mới sẽ là một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm khiết cho thấy Chính phủ đã bắt đầu đi vào giải quyết những bức xúc, những sự kìm hãm phát triển đất nước. Những thông điệp ấy đã tạo được sự đồng thuận rất cao trong dư luận nhưng điều người dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất là làm thế nào để biến lời nói thành hành động để tạo chuyển biến thực sự. Cộng đồng doanh nghiệp còn phải theo dõi, xem lời nói biến thành hành động ra sao. Có lẽ cần sự tập hợp được các cấp, các ngành cùng vào cuộc để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ không. Hy vọng lần này giữa lời nói với việc làm sẽ khớp lại gần nhau, những bức xúc của nền kinh tế sẽ được giải quyết bằng những hành động và chuyển biến cụ thể

Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp Việt Nam của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc này như một lời hiệu triệu, tạo niềm tin vào doanh nghiệp. Không thể giải quyết hết những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị nhưng mang lại thông điệp rất lớn. Đó là sự truyền lửa, khôi phục niềm tin và Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư.  Tuy nhiên, thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng chỉ có thể thực hiện được khi môi trường kinh doanh phải được thực sự cải thiện. Kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chỉ trong một vài hội nghị hay ngày một ngày hai rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết đến nơi đến chốn, không để tình trạng “nước đổ đầu vịt”. Liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không thì câu trả lời lại tùy thuộc vào liệu có làn sóng cải các thể chế kinh tế hay không? Làm sao việc xây dựng các doanh nghiệp liêm chính sáng tạo phải là trào lưu của doanh nghiệp Việt Nam, là chuẩn mực chính của doanh nghiệp Việt. Hy vọng mệnh lệnh quan trọng của Thủ tướng sẽ được các vị bộ trưởng thực thi nghiêm túc, không thể chậm trễ, với nhận thức rằng, chậm trễ ngày nào là cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân, cản trở sự phát triển của đất nước ngày đó. Ví dụ việc thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014 và năm 2015 – một nghị quyết quan trọng mang tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng sau hơn 2 năm thực hiện, chỉ có 13/63 địa phương, và 4/22 bộ ngành gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ. Hay như việc soạn thảo các Nghị định về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã ban hành từ 2014, nhưng trong suốt cả năm 2015 và Quý 1.2016, các bộ, ngành vẫn đủng đỉnh, chỉ từ cuộc họp của Chính phủ vào tháng 4.2016, khi Thủ tướng ra lệnh không được bàn lùi, các bộ ngành mới “vắt chân lên cổ” để có được dự thảo nghị định theo yêu cầu của Luật một cách vội vã, và không tránh khỏi những thiếu sót.

Doanh nghiệp tự tin với cuộc chơi mới bên cạnh sự đồng hành của một Chính phủ hành động và kiến tạo, nhưng vẫn đi kèm một chữ “nếu”. Nếu từng công chức chưa thay đổi, thì những cam kết, quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, hay các kế hoạch tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng dù hay ho thế nào cũng không có ý nghĩa. Nếu từng công chức có được tư duy vì sự phát triển của doanh nghiệp như vậy, họ sẽ thay đổi cách làm, tìm cách thay đổi quy trình, quy định để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Chỉ khi đó các nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ mới thực sự tác động vào đời sống của doanh nghiệp. Mọi sự thay đổi đều rất khó khăn, nhưng nhiều địa phương đã bắt đầu suy nghĩ theo hướng này, chỉ có điều cần phải tạo thành xu hướng, thành tư duy chung của xã hội.

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Mong đợi sự thực thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO