(QNO) - Microsoft Windows là hệ điều hành được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, ít nhất là khi nói về các loại máy tính để bàn và máy tính xách tay. Nhưng Chính phủ Triều Tiên muốn rời xa nó.
Windows không chỉ phục vụ tốt cho các khách hàng tiêu dùng, doanh nghiệp thông thường mà nó còn được dùng rộng rãi đối với các hệ thống máy tính trong văn phòng chính phủ nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, hệ thống máy tính của Bộ Nội vụ và an ninh Triều Tiên sẽ thí điểm nền tảng Linux mã nguồn mở thay Windows trước khi áp dụng ở các cơ quan khác vì tính năng bảo mật.
Trang Slashgear dẫn lời ông Choi Jang-hyuk - Giám đốc Văn phòng Dịch vụ kỹ thuật số của Bộ Nội vụ và an ninh Triều Tiên, cho biết việc thay đổi nhằm giảm chi phí bản quyền, cũng như tránh phụ thuộc vào một hệ điều hành.
Bên cạnh một số lỗ hổng bảo mật thì muốn xài Windows phải tốn chi phí không hề rẻ cho hàng ngàn hệ thống máy tính.
Quyết định của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về chi phí duy trì nền tảng Windows. Tới tháng 1.2020, Windows 7 sẽ hết hạn hỗ trợ kỹ thuật miễn phí và nếu nâng cấp lên Windows 10, Chính phủ Triều Tiên sẽ tiêu tốn kinh phí rất lớn. Vì vậy Linux được xem xét vì có khả năng cung cấp một hệ thống ổn định hơn có thể được hỗ trợ lâu hơn Windows.
Theo ông Jang-hyuk, việc chuyển đổi sang Linux và mua máy tính mới có thể tiêu tốn của Chính phủ khoảng 780 tỷ won (655 triệu USD). Con số này khá lớn, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra mua bản quyền hệ điều hành Windows.
Khác với Windows được Microsoft bán bản quyền, Linux là nền tảng mã nguồn mở và miễn phí (tùy trường hợp). Nền tảng này được đánh giá có mức độ bảo mật cao cũng như khả năng tùy biến. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là số lượng ứng dụng hỗ trợ hạn chế, một số nhà sản xuất máy tính không phát triển driver cho máy chạy Linux hay giao diện khó làm quen và sử dụng.