Chính sách cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số: Nan giải chất lượng, việc làm

XUÂN PHÚ 16/12/2013 08:57

Đào tạo không theo nhu cầu của địa phương dẫn đến tốt nghiệp không bố trí được việc làm; chất lượng đào tạo thấp; nhiều người phải bỏ giữa chừng vì học không theo kịp chương trình là những bất cập hiện nay trong công tác cử tuyển học sinh (HS) người dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhằm đào tạo nguồn cán bộ cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, từ năm 1991, Bộ GDĐT bắt đầu triển khai thực hiện chính sách cử tuyển. Đây là chính sách tuyển sinh vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) mà thí sinh không phải trải qua kỳ thi tuyển sinh và đối tượng chủ yếu dành cho HS con em đồng bào DTTS (còn có HS người Kinh sinh sống ở miền núi nhưng tỷ lệ không quá 15% so với tổng chỉ tiêu).

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều trường hợp sẽ được học đại học, cao đẳng theo chính sách cử tuyển. Ảnh: X.PHÚ
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều trường hợp sẽ được học đại học, cao đẳng theo chính sách cử tuyển. Ảnh: X.PHÚ

Cơ hội cho HS miền núi

Những năm đầu thực hiện, theo quy định và chỉ tiêu của Bộ GDĐT giao, số lượng HS theo học cử tuyển của Quảng Nam khá ít, mỗi năm khoảng 10 em. Do đó trong vòng 10 năm đầu (từ 1991 đến năm 2001), cả tỉnh chỉ có hơn 100 HS theo học tại các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2002, chỉ tiêu có sự tăng vọt khi mỗi năm Quảng Nam được giao hơn 100, thậm chí có năm lên đến  231 chỉ tiêu. Với khả năng của mình, rõ ràng bằng con đường cử tuyển thì HS con em đồng bào DTTS mới có nhiều hơn cơ hội học ĐH, CĐ. Qua hơn 22 năm thực hiện chính sách cử tuyển đã góp phần rất lớn giúp các địa phương miền núi của tỉnh có được nguồn cán bộ năng lực cao, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều người học tập từ mái trường ĐH, CĐ, TCCN trở về địa phương đã trở thành những cán bộ, công chức, viên chức mẫn cán, phát huy tốt khả năng của mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều năm trước đây Bộ GDĐT giao chỉ tiêu cử tuyển cho các tỉnh không theo nguyên tắc cụ thể nào và cũng chẳng xuất phát từ nhu cầu của địa phương dẫn đến một mâu thuẫn trong đào tạo là “cần thì không có, mà có lại chẳng cần”. Thực tế này đã làm nảy sinh tình trạng có huyện buộc lòng phải “từ chối” cử tuyển khiến cho tỉnh không ít lần tuyển thiếu chỉ tiêu, làm thiệt thòi quyền lợi học tập của các em HS. Chẳng hạn, có những năm huyện Bắc Trà My và huyện Đông Giang không xét tuyển theo đủ chỉ tiêu đã được tỉnh phân bổ mà theo lý giải của lãnh đạo các huyện này là “do địa phương không có nhu  cầu sử dụng cán bộ ở các ngành đào tạo; nếu đưa đi học dẫn đến việc sau này các em ra trường sẽ không có chỗ sử dụng”. Bất cập này kéo mãi cho đến năm 2007 mới được điều chỉnh. Ông Lê Đình Dưỡng - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp (Sở GDĐT) cho biết, từ năm 2007 đến nay, để phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của từng huyện, việc cử tuyển với số lượng bao nhiêu, ngành đào tạo gì đều do các địa phương đề nghị. Cụ thể, hàng năm các huyện xây dựng chỉ tiêu, ngành đào tạo rồi xin ý kiến thẩm định của các ngành chức năng của tỉnh như Sở Nội vụ, Y tế, NN&PTNT, GDĐT, Tư pháp… trước khi báo cáo với UBND tỉnh để xin chỉ tiêu của Bộ GDĐT. Nhờ đó, đã không còn xảy ra tình trạng chuyên ngành đào tạo không phù hợp với nhu cầu của địa phương hoặc tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí nhu cầu theo học cử tuyển hiện nay khá lớn. Chẳng hạn, năm 2013 này có đến 466 hồ sơ đăng ký nhưng chỉ cử tuyển 118 trường hợp.

Vẫn còn bất cập

Qua 22 năm thực hiện chính sách cử tuyển, Quảng Nam có gần 2.000 HS theo học các trường ĐH, CĐ, TCCN trong cả nước. Trừ huyện Nam Giang có số lượng cử tuyển vượt trội với 431 HS, các huyện còn lại khá đều nhau như Phước Sơn 244, Đông Giang 281, Tây Giang 285, Bắc Trà My 296, Nam Trà My 229. Ngoài ra, các huyện Hiệp Đức, Núi Thành, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Nông Sơn cũng có HS người DTTS được tỉnh quyết định cho đi học theo chính sách cử tuyển. Tộc người trên địa bàn tỉnh được áp dụng chính sách cử tuyển, đông nhất là các dân tộc Cơ Tu (932 HS), Ca Dong (286), Mơ Nông (216), Co (164), Tà Riềng (139). Theo báo cáo của Sở GDĐT, đến nay, đã có 675 trường hợp tốt nghiệp, gồm 418 ĐH, CĐ và 257 TCCN.

Nếu như bước đầu đã giải quyết được bất cập về nhu cầu chỉ tiêu, ngành nghề đối với các địa phương thì đến nay vấn đề chất lượng đào tạo và việc làm vẫn còn là “bài toán” nan giải. Khả năng học tập của HS người DTTS hạn chế trong khi chính sách cử tuyển chỉ yêu cầu có học lực từ trung bình. Vì thế, không ít trường hợp không theo kịp nội dung chương trình, nhất là các ngành đòi hỏi chuyên môn cao như y dược, kỹ thuật công nghệ, tài chính pháp lý dẫn đến phải bỏ học giữa chừng, gây lãng phí tiền của Nhà nước, công sức của người học. Báo cáo của ngành chức năng cho biết, thời gian qua đã có tổng cộng 142 người bỏ học giữa chừng. Đó là chưa kể, những bất cập trong cơ chế cử tuyển cũng làm cho chất lượng đào tạo thấp, kém hiệu quả, thậm chí có ý kiến còn cho rằng “đào tạo cử tuyển ra những bác sĩ kém chất lượng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân”.

Sự mất cân đối về ngành nghề đào tạo cũng là một trong những bất cập hiện nay. Đa số HS muốn vào học các ngành hấp dẫn trong khi những ngành nghề có nhu cầu lớn của miền núi như nông lâm, khoa học xã hội nhân văn ít được chọn lựa. Theo thống kê của Sở GDĐT, trong gần 2.000 HS cử tuyển của tỉnh thời gian qua, ngành sư phạm đông nhất với 871 người, tiếp đến là y dược 415; ngược lại ngành nông lâm ngư chỉ 188, khoa học xã hội nhân văn 40, văn hóa nghệ thuật - TDTT 64. Trong khi đó, việc làm cho HS cử tuyển ra trường cũng còn gặp vướng mắc. Nhiều năm trước, do cử tuyển không theo nhu cầu của địa phương nên không ít trường hợp học xong ra trường địa phương không thể bố trí  làm việc được vì ngành đào tạo không phù hợp hoặc quỹ biên chế không còn. Thực tế có huyện 1 năm cùng lúc có hơn 40 HS tốt nghiệp ngành trung cấp sư phạm. Vì vậy, theo ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho con em đồng bào DTTS nâng cao tinh thần phấn đấu tự học, xóa bỏ tâm lý ỷ lại để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cử tuyển, cần có cơ chế, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp, tránh gây lãng phí đối với nguồn nhân lực này. Cũng có ý kiến cho rằng, cần có chiến lược dài hơi trong việc xây dựng nhu cầu cử tuyển. Ngay cả các địa phương cũng cần xác định trách nhiệm của mình trong công tác cử tuyển, tránh tình trạng cử đi học không đúng thành phần, không đảm bảo chất lượng.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số: Nan giải chất lượng, việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO