Chính sách giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng; sắp xếp dân cư khu vực miền núi; tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên… là những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX.
Sắp xếp dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất hiện là mối quan tâm của cử tri các địa phương miền núi. TRONG ẢNH: Dựng nhà ở tạm cho người dân bị sạt lở đến khu vực khe Chữ (xã Trà Vân, Nam Trà My). |
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 vào sáng qua 5.12, HĐND tỉnh đã báo cáo thẩm tra, mổ xẻ những vấn đề còn vướng mắc trong phần trả lời ý kiến cử tri của UBND tỉnh.
Bất an với... miền đất định cư
Mưa lớn kéo theo hiện tượng sạt lở đất đá vừa qua gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của các địa phương miền núi. Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, nhà máy thủy điện Sông Bung 2 vỡ đường ống dẫn dòng làm thiệt mạng 2 công nhân và nhấn chìm làng mạc dưới khu vực lòng hồ thủy điện. Sau kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX, cử tri và nhân dân các thôn Đắc Tà Oóc, Công Tơ Rơn, Đắc H’ Lôi (xã La Dêê, Nam Giang) kiến nghị, Nhà nước cần bố trí nguồn lực xây dựng các khu tái định cư vì hiện nay các thôn trên nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, lũ quét, không an toàn cho người dân. Nằm ở làng kế cận, các hộ dân thuộc thôn Vinh, thôn 2, thôn Pà Păng (xã Tà Pơ, Nam Giang) bị thu hồi đất do triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Sông Bung 4 đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất và đất ở.
Liên quan đến lĩnh vực dân tộc và miền núi có 19 ý kiến cử tri đề nghị UBND tỉnh giải quyết theo luật định (gồm 2 ý kiến về lĩnh vực đầu tư xây dựng; 2 ý kiến về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; 1 ý kiến về tài chính ngân sách; 3 ý kiến về tài nguyên đất đai và 11 ý kiến về thực hiện các cơ chế chính sách). Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá, có 13/19 ý kiến cử tri đã trả lời khá rõ, giải thích cụ thể; 5 ý kiến cử tri, UBND tỉnh có trả lời nhưng còn chung chung trong phân công nhiệm vụ. Đó là ý kiến đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng định kỳ nhà làng truyền thống theo chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới; giải pháp cụ thể xử lý dứt điểm nạn khai thác vàng trái phép ở vùng giáp ranh Phú Ninh – Tiên Phước; trồng cây dược liệu sâm ba kích trên địa bàn huyện Nam Giang bị chết không rõ nguyên nhân; ý kiến quy rõ trách nhiệm cho từng ngành khi giao đất rừng, quản lý bảo vệ rừng sát với thực tế và phản ánh của cử tri huyện Phước Sơn về hỗ trợ kinh phí hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đầu tư nước sạch nông thôn. Còn lại 1 ý kiến được UBND tỉnh tiếp thu giao nhiệm vụ cho các địa phương, đơn vị liên quan nhưng không đưa ra mốc thời gian giải quyết cụ thể. (Trích từ Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX. |
Trong chương trình phát triển toàn diện miền núi, năm 2016, Tỉnh ủy đã có chủ trương ưu tiên quy hoạch, sắp xếp dân cư. Ngày 19.4.2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12 đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát quy hoạch sắp xếp dân cư miền núi. Tuy nhiên, do phân bổ chậm nguồn lực nên tiến độ sắp xếp dân cư miền núi diễn ra rất chậm chạp. Về ý kiến cử tri địa phương phản ánh thiếu đất ở, đất sản xuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Phạm Thị Như cho rằng, các hộ dân tái định cư thôn 2 (xã Tà Pơ) có diện tích đất nông nghiệp bình quân mỗi hộ hơn 2ha. Các hộ này không thiếu đất theo văn bản hưởng dẫn của Bộ NN&PTNT. Còn các hộ dân thuộc thôn Vinh, thôn Pà Păng (xã Tà Pơ) không có hộ nào phải di dời, tái định cư do xây dựng dự án nhà máy thủy điện Sông Bung 4. Diện tích thu hồi của các hộ dưới 30% tổng diện tích nên không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sản xuất.
Cũng liên quan đến Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, chính quyền và cử tri huyện Phước Sơn phản ánh, việc sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện gặp vướng mắc do không có nguồn kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, phản ánh trên là không có cơ sở xem xét. Bởi, Quyết định số 3150 ngày 29.8.2017 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với một số dự án lớn tại vùng tây có quy định hỗ trợ 30 triệu đồng cải tạo đất ở (bao gồm khoán gọn để hộ tái định cư chi phí chi trả chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phát dọn, san lấp nền nhà). UBND huyện Phước Sơn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Chính quyền các địa phương miền núi cho rằng, các ngành liên quan giao đất rừng chưa sát thực địa, dẫn đến phát sinh tranh chấp. Vì vậy, UBND tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo các ngành hữu quan cùng với các địa phương rà soát giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng để điều chỉnh, bổ sung. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, các ngành tuy có triển khai giao đất giao rừng nhưng còn chung chung, theo kiểu “cha chung không ai khóc”, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Nan giải với môi trường
Những năm gần đây, từ ngày nhà máy vàng Bồng Miêu (Phú Ninh) đóng cửa hoạt động, tái diễn liên tục tình trạng khai thác vàng trái phép ở khu vực giáp ranh giữa xã Tam Lãnh (Phú Ninh) với xã Tiên Lập (Tiên Phước). Cử tri cho rằng, các biện pháp đã triển khai không giải quyết căn cơ, trong khi lực lượng chức năng thì “giơ cao đánh khẽ”. Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp, cần ban hành cơ chế quy rõ trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác gây hậu quả nghiêm trọng đối với chính quyền các cấp, lực lượng công an, kiểm lâm…
Vẫn chưa có biện pháp giải quyết rốt ráo nạn khai thác vàng trái phép ở vùng giáp ranh 2 huyện Phú Ninh và Tiên Phước. |
Trong khi đó, ý kiến cử tri huyện Phước Sơn phản ánh, các công trình phục vụ nước sạch trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh cần hỗ trợ kinh phí cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo để đào giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt. UBND tỉnh cho rằng, chính quyền địa phương cần lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, khảo sát, tổng hợp báo cáo về tỉnh xem xét, hỗ trợ theo Nghị quyết số 180 ngày 11.12.2015 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận định, phần nội dung trả lời của UBND tỉnh chưa làm rõ vấn đề cử tri yêu cầu, đồng thời cho rằng Nghị quyết số 180 của HĐND tỉnh chỉ ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch theo hệ thống tập trung. “HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn bản đặc biệt khó khăn thiếu nước sinh hoạt với bình quân 1,5 triệu đồng/hộ theo Quyết định số 2085 ngày 31.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ” – bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh nói.
Hàng chục kiến nghị của cử tri về kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp miền núi; một số công trình giao thông bức thiết như cầu Nông Sơn và đường nối từ cầu Nông Sơn đến đường Đông Trường Sơn; điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để bố trí đất ở, đất sản xuất; về lĩnh vực môi trường, đất đai… được các sở, ban ngành giải trình, giải đáp nghiêm túc, đáp ứng nguyện vọng người dân. Đáng chú ý là, chủ trương di dời cấp phép xây dựng nhà máy Thép Việt – Pháp được công bố, giải thích rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, vấn đề tồn tại là chỉ đạo phối hợp giữa các ngành và địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ trong giải quyết kiến nghị của cử tri; cá biệt có nội dung trả lời chưa đúng quy định pháp luật.
TRẦN HỮU