Chính sách đối với vùng DTTS: Động lực phát triển miền núi

Thực hiện chuyên đề: ALĂNG NGƯỚC 04/07/2018 09:14

Các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được triển khai một cách đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn đã tạo nên động lực phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai một cách đồng bộ, phù hợp đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai một cách đồng bộ, phù hợp đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

CƠ HỘI ĐỔI THAY DIỆN MẠO

Là địa bàn sinh sống của hơn 319 nghìn người, trong đó có khoảng 130 nghìn người là đồng bào DTTS, với hơn 783 nghìn héc ta diện tích tự nhiên (chiếm hơn 74% diện tích toàn tỉnh), miền núi Quảng Nam luôn được xem có nhiều lợi thế và tiềm năng trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, kết hợp mở rộng phát triển cây dược liệu, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Những năm qua, từ các nguồn ngân sách của trung ương, của tỉnh, nhiều dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư một cách đồng bộ, tạo cơ hội thay đổi diện mạo, xóa dần tỷ lệ hộ nghèo và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi.

Giúp sức

Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhìn nhận, những năm qua, cùng với đẩy mạnh công tác giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa, Quảng Nam luôn quan tâm đến việc thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS theo Nghị quyết 1557 của Chính phủ, xem đó như “trợ lực” để đồng bào có cơ hội thoát nghèo, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, thông qua các nghị quyết, chương trình về chính sách giảm nghèo, nâng cao thu nhập, phát triển y tế, giáo dục… của tỉnh, nổi bật là Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, với các nhóm dự án lớn đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Diện mạo miền núi đang thay đổi khá rõ nét nhờ các chính sách hỗ trợ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Diện mạo miền núi đang thay đổi khá rõ nét nhờ các chính sách hỗ trợ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Từ chủ trương trên, cùng với các chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch và mở rộng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đồng thời tỉnh cũng chú trọng đến công tác rà soát, quy hoạch và sắp xếp, bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp sắp xếp cho gần 1.500 hộ dân, tổng nguồn kinh phí thực hiện gần 106 tỷ đồng. “Tỉnh cũng đã quan tâm lồng ghép hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc các Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, cũng như hỗ trợ phát triển lâm nghiệp gắn với chính sách giảm nghèo vùng DTTS theo Nghị định 75 của Chính phủ. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, đã có 789 người DTTS tham gia học nghề, đến nay có 516 người hoàn thành đào tạo và 422 người đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” - ông Bình cho hay.

Tạo cơ hội phát triển

Tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi giảm bình quân mỗi năm 5,23%

Trong số 9 huyện miền núi của tỉnh, hiện có 3 huyện Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ; cùng 3 huyện khác là Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My được thụ hưởng bổ sung 70% theo nghị quyết này. Giai đoạn 2016 - 2020, vùng miền núi của tỉnh có 63 xã khu vực III và 48 thôn đặc biệt khó khăn được công nhận theo Quyết định 582 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo năm 2017, từ các chính sách thu hút đầu tư cho miền núi, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khu vực này đạt khoảng 7,1%, cao hơn mức tăng bình quân của tỉnh (5,55%), với thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt hơn 91% và có hơn 81% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 37,2% trạm y tế đạt chuẩn; 35% đường giao thông nông thôn được cứng hóa; hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5,23%...

Các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS luôn được xem như “liều thuốc quý”, có tác động mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức lan tỏa và mở ra cơ hội thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, từ điện - đường - trường - trạm, cho đến đời sống văn hóa, dân trí, du lịch… Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh - ông Đặng Tấn Giản cho rằng, để miền núi thực sự có cơ hội phát triển, bên cạnh đón nhận nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần linh hoạt trong công tác thu hút đầu tư, khuyến khích xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh triển khai đúng mục tiêu các chính sách hỗ trợ đặc thù đến với người dân. Sự minh bạch về nguồn kinh phí hỗ trợ, chú trọng đến công tác kết nghĩa giữa các địa phương đồng bằng - miền núi và tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư cũng là cơ hội để miền núi phát triển một cách nhanh và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, cùng với lồng ghép các nguồn lực của trung ương, thời gian qua tỉnh luôn quan tâm đặc biệt đến chính sách dân tộc và tập trung đầu tư xây dựng miền núi trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía tây của tỉnh, thông qua Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Thời gian tới, tỉnh quyết tâm tập trung nguồn lực đầu tư nhằm đảm bảo hoàn thành theo đúng mục tiêu, định hướng của tỉnh trong chiến lược phát triển miền núi.

Tại buổi làm việc mới đây về công tác triển khai thực hiện chính sách dân tộc tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - bà Hà Thị Khiết bày tỏ vui mừng trước những đổi thay của vùng đất “trung dũng, kiên cường” trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai bão lũ hàng năm, song Quảng Nam là một trong những địa phương được đánh giá có sức bật vượt trội về tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Cùng với đó, nhiều chính sách của tỉnh cho vùng đồng bào DTTS được triển khai những năm qua, đã cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo địa phương trong phát triển miền núi, góp phần đưa đồng bào xóa dần tình trạng nghèo khó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, các chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đồng bào DTTS phải đổi mới cách làm một cách phù hợp, có hiệu quả thiết thực, nhất là trong công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và nâng cao dân trí” - bà Khiết nhấn mạnh.

CẦN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

Không chỉ duy trì theo lộ trình lâu dài và phù hợp với tình hình địa phương miền núi, các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS cần phải tiếp tục thực thi hỗ trợ theo cơ chế đặc thù nhằm giải quyết những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực biên giới. Ông Hồ Thanh Tân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, đối với đồng bào miền núi, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh, ngoài các chương trình, dự án của Chính phủ về công tác giảm nghèo, nhiều chính sách hỗ trợ lồng ghép của tỉnh cũng đã được triển khai, góp cho diện mạo nông thôn miền núi thêm khởi sắc. Tuy nhiên, do đặc thù về điều kiện của miền núi, cũng như việc đầu tư khá dàn trải của một số địa phương nên việc triển khai một số chính sách vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả cao như mục tiêu ban đầu. Nhiều dự án, nguồn vốn phân bổ chưa kịp thời và đầy đủ, khiến việc đầu tư, hỗ trợ bị ảnh hưởng trong thời gian khá dài.

Với sự tập trung đầu tư, công trình hạ tầng giao thông về tận ngõ làng, đảm bảo điều kiện đi lại của người dân. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Với sự tập trung đầu tư, công trình hạ tầng giao thông về tận ngõ làng, đảm bảo điều kiện đi lại của người dân. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để giảm nghèo ở miền núi hiệu quả, bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi trong tín dụng từ phía ngân hàng chính sách, cần có định hướng tập trung phát triển sản xuất từ lâm nghiệp gắn với các dự án trồng rừng, kết hợp với du lịch sinh thái và hình thành các mô hình vườn cây dược liệu dưới tán rừng. Ông Tấn chia sẻ, lâu nay công tác khuyến nông luôn có nhiều bất cập, nhất là chưa có lời giải trong bài toán khó về thị trường tiêu thụ, khiến các sản phẩm nông sản đặc trưng của đồng bào DTTS còn khá thụ động. “Ưu tiên cơ chế đặc thù, đồng thời cũng nên xâu chuỗi các chính sách cho vùng đồng bào DTTS nhằm tránh gây sự chồng chéo, trùng lặp, không đem lại hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần tăng nguồn vốn vay để đồng bào phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng rừng và mở rộng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa, con người vùng cao” - ông Tấn chia sẻ.

Là người có thâm niên công tác hơn 20 năm ở miền núi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành nêu lên những trở ngại thường gặp ở vùng đồng bào DTTS khiến các chính sách, chương trình dự án đầu tư chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Như chính sách về phát triển giáo dục vùng DTTS, hiện nay trung ương ban hành quá nhiều văn bản, văn bản sửa đổi, bổ sung về chế độ, chính sách ưu đãi gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, Nghị định 116 của Chính phủ cũng gây nhiều bất cập trong việc áp dụng triển khai tại địa bàn các huyện miền núi, nhất là trong chế độ hỗ trợ học sinh DTTS. “Cùng ở một xã, học chung một trường, nhưng có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ, có học sinh không được thụ hưởng khiến tâm lý so bì xuất hiện giữa các học sinh và phụ huynh. Từ đó, gây ảnh hưởng đến kết quả học tập của một số em không được thụ hưởng chính sách” - ông Thành nói.

Liên quan đến chính sách thụ hưởng theo Nghị định 116 của Chính phủ, tại buổi làm việc với đoàn Hội đồng tư vấn về Dân tộc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mới đây, lãnh đạo tỉnh cũng đã kiến nghị trung ương nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh theo nghị định này từ 40% mức lương cơ bản/tháng lên 50% hoặc 60%. Đồng thời cho phép Quảng Nam có cơ chế riêng trong việc hỗ trợ học sinh DTTS không được hưởng chính sách theo Nghị định 116 (đối với những học sinh người DTTS thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 582 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn miền núi trong những năm tới.

ĐÒN BẨY THOÁT NGHÈO

Một trong những chính sách thiết thực nhất góp phần quan trọng vực dậy kinh tế gia đình của người dân miền núi là nguồn vốn vay hỗ trợ tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đã dần vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ ưu đãi trong chính sách tín dụng đã mở cơ hội giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.  TRONG ẢNH: Tỷ phú sâm Ngọc Linh - Nguyễn Văn Lượng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhờ ưu đãi trong chính sách tín dụng đã mở cơ hội giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. TRONG ẢNH: Tỷ phú sâm Ngọc Linh - Nguyễn Văn Lượng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đa dạng chính sách tín dụng

Xác định chính sách tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS có tác động tích cực đến sự phát triển chung ở vùng miền núi, những năm qua, cùng với các chương trình dự án của Chính phủ, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều chương trình ưu đãi đến với người nghèo, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ bộ mặt nông thôn miền núi, cải thiện đời sống người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.

Nghiên cứu nâng mức trần vay cho đồng bào DTTS

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam cho biết, từ điều kiện thực tiễn hiện nay, sắp tới Ngân hàng CSXH sẽ có nghiên cứu cụ thể trong việc nâng mức trần cho vay đối với đồng bào DTTS, không hạn chế ở mức 50 triệu đồng như trước đây. Bởi khi có sự đột phá “đục thủng” mức trần và kéo dài thời gian đối với chương trình vay mới có thể giúp đồng bào DTTS có cơ hội phát triển tầm xa. Bên cạnh đó, cũng sẽ ưu tiên đầu tư tín dụng cho sinh viên một cách “cởi mở”, tạo điều kiện tốt nhất trong chính sách đào tạo, nhất là con em đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đẩy mạnh hỗ trợ vốn, cũng cần tiếp tục tạo điều kiện để đồng bào được tiếp cận đầy đủ các chương trình vốn vay và có chính sách hỗ trợ ưu tiên, xây dựng nguồn vốn phù hợp theo cơ chế, hướng phát triển của người dân. “Ngoài nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, cần phải huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa để giao các địa phương triển khai trực tiếp cho người dân một cách đầy đủ, kịp thời và đảm bảo mục đích sử dụng, giúp đồng bào miền núi thực sự có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống” - ông Lý nói.

Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho hay, sau 10 năm (2007 - 2017) thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào DTTS, đời sống của người dân đã có bước chuyển khá rõ nét. Trong tổng số 17 chương tình tín dụng đang được triển khai có 2 chương trình dành riêng cho hộ đồng bào DTTS, gồm: cho vay vốn phát triển sản xuất theo các Quyết định 32, Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ và cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, đi xuất khẩu lao động theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ. Từ các chương trình này, Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho vay hơn 88,5 tỷ đồng giúp hàng nghìn đồng bào vùng cao phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh ngành nghề theo nhu cầu của từng hộ. “Trong quá trình cho vay, chúng tôi luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, nhằm vừa tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, vừa kịp thời xử lý những rủi ro có thể gặp phải ở các hộ vay, cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính đối với hộ đồng bào khi gặp rủi ro” - ông Lam chia sẻ.

Thời gian qua, các chính sách dành riêng cho hộ đồng bào DTTS đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo nên đòn bẩy thoát nghèo cho các hộ miền núi, với nhiều mô hình phát triển kinh tế có thu nhập khá ổn định. Cho đến nay, đã có hơn 10.300 hộ đồng bào được tiếp cận vốn vay của chương trình, với nhiều hình thức hỗ trợ đa dạng, linh hoạt, đảm bảo chính sách ưu tiên đặc thù. Thông qua vốn vay này, nhiều hộ đồng bào DTTS đã tiếp cận được môi trường tín dụng, kinh nghiệm làm ăn, cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ và từng bước xóa bỏ dần tâm lý trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên của một bộ phận người miền núi. “Nguồn vốn hỗ trợ của chính sách tín dụng ưu đãi cũng giúp nhiều hộ đồng bào DTTS xây dựng được nhà cửa kiên cố, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, tạo lao động việc làm và góp phần tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới” - ông Lam cho biết thêm.

“Bà đỡ” thoát nghèo

Trong số hộ dân thoát nghèo từ chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, phải kể đến hộ anh Nguyễn Văn Lượng (dân tộc Ca Dong) - một đại gia sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Nhiều năm trước, từ một hộ nông dân nghèo, anh Lượng đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư, mở rộng trồng vườn sâm Ngọc Linh trên cánh rừng già dưới chân núi. Sau hơn 10 năm, vườn sâm ngày nào của anh Lượng nay đã có hơn 20 nghìn gốc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ sâm, hộ ông Lượng đổi đời, trở thành tỷ phú của huyện Nam Trà My. Hay như hộ ông Rapát Mơi (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Atép 2, xã Bha Lêê, huyện Tây Giang). Từ một hộ nghèo, năm 2009 gia đình ông vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để trồng rừng, phát triển kinh tế. Sau gần 10 năm, gia đình ông đã có hơn 4ha vườn keo lá tràm, kết hợp chăn nuôi bò và trồng cây dược liệu, cho thu nhập ổn định trở thành gương sáng thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng CSXH Việt Nam mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đánh giá cao hiệu quả từ các chương trình chính sách cho vay tín dụng đối với đồng bào DTTS trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, chính những nguồn vốn hỗ trợ này đã giúp đồng bào có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, mở hướng trong phát triển kinh tế gia đình và từng bước thoát nghèo bền vững, với nhiều tấm gương điển hình trong cộng đồng miền núi. Ông Thanh cũng cho hay, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển vùng đồng bào DTTS, trong đó Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh được xem là động lực lớn, mang tính đột phá mới trong việc giúp miền núi thoát nghèo bền vững. “Định hướng của tỉnh, bên cạnh tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực,… việc hỗ trợ thoát nghèo ở miền núi, vùng đồng bào DTTS với nhiều cách làm hay, mô hình có ý nghĩa luôn được quan tâm đặc biệt. Cùng với các chính sách khuyến khích đăng ký thoát nghèo bền vững, đào tạo nghề, tỉnh cũng đã và đang tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, gắn với phát triển rừng dược liệu và khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.

Thực hiện chuyên đề: ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách đối với vùng DTTS: Động lực phát triển miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO