Chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy: Cần thiết nhưng cũng cần thận trọng

NGUYÊN ĐOAN 01/10/2018 02:13

Tại Kỳ họp thứ 8 tổ chức cuối tuần qua, HĐND tỉnh đã thông qua 4 nghị quyết; đồng thời sau khi xem xét, thảo luận các đại biểu HĐND tỉnh cũng thống nhất giao Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện đối với dự thảo đề án Quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ dôi dư do việc sắp tổ chức bộ máy giai đoạn 2019 - 2021.

Tin liên quan

  • Bế mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh (khóa IX): Thông qua 4 nghị quyết
  • HĐND tỉnh (khóa IX) khai mạc kỳ họp chuyên đề: Bàn cơ chế hỗ trợ cán bộ dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy
  • Sáng nay 28.9, khai mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX
Tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối tuần qua, chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư là nội dung được các đại biểu HĐND quan tâm thảo luận, góp ý. Ảnh N.Đ
Tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối tuần qua, chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư là nội dung được các đại biểu HĐND quan tâm thảo luận, góp ý. Ảnh N.Đ

Cẩn trọng từng nội dung

Theo HĐND tỉnh, việc ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ là cần thiết, thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chủ trương tinh giản biên chế trong điều kiện số đối tượng có nhu cầu nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi nhiều nhưng không đảm bảo yêu cầu, điều kiện theo quy định hiện hành của Trung ương. Qua thảo luận, nhiều đại biểu có chung nhận định, đây là một chính sách quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn tỉnh. Do vậy, đơn vị soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, thận trọng làm rõ các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, mức hỗ trợ như thế nào cho phù hợp, hài hòa với các chính sách đã ban hành của Trung ương.

Theo tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư của UBND tỉnh, dự toán tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ trong giai đoạn 2019 - 2021 là 204,2 tỷ đồng, với tổng cộng 1.684 người được thụ hưởng. Cụ thể, năm 2019 gần 64 tỷ đồng (614 người); năm 2020 hơn 56,3 tỷ đồng (459 người); năm 2021 gần 94 tỷ đồng (611 người).

Trong báo cáo thẩm tra đối với dự thảo đề án này, bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, so với chính sách hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì mức hỗ trợ của tỉnh cho 6 nhóm đối tượng tinh giản biên chế có cao hơn, dễ dẫn đến việc vận dụng điều kiện, quy định để áp dụng theo hướng có lợi nhất, tạo tác động không tốt ở nhiều khía cạnh, ảnh hưởng khả năng đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện. Theo đó, bà Nguyệt đề xuất hai phương án hỗ trợ gồm: hỗ trợ 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội nhưng khống chế mức tối đa được hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/người; hoặc hỗ trợ một tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội. Về đối tượng áp dụng, bà Nguyệt đề nghị, đối với nhóm đối tượng “Người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn trong cơ quan hành chính Đảng, Nhà nước trước ngày 1.1.2016” mà đề án đề cập chưa bao quát hết các đối tượng cần có chính sách điều chỉnh. Do đó, cần bổ sung đối tượng hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời cần ràng buộc điều kiện “hợp đồng trong định mức biên chế được cấp có thẩm quyền giao”. Ngoài ra, bổ sung thêm các đối tượng công an viên thường trực xã, người hoạt động không chuyên trách thôn vào đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ.

Phải hài hòa mức hỗ trợ

Ngoài 4 nhóm không được hưởng cơ chế hỗ trợ của đề án như dự thảo đã đề cập (gồm thuộc diện: tinh giản biên chế theo Nghị định số 108; còn dưới 12 tháng đến tuổi nghỉ hưu; làm việc chưa đủ thời gian cam kết; bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc), Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị quy định thêm đối tượng không được hưởng chính sách hỗ trợ gồm: người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn trong định mức biên chế được cấp có thẩm quyền giao tại cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trước ngày 1.1.2016 tham gia dự tuyển trong các kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức sau thời điểm ban hành chính sách nhưng không trúng tuyển; các trường hợp tự ý nghỉ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng; có nguyện vọng nghỉ việc nhưng không thuộc đối tượng dôi dư sau sắp xếp; người đang hưởng lương theo quy định của pháp luật được bầu giữ các chức danh lãnh đạo trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, các hội trong chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao nghỉ việc sau khi sắp xếp.

Tiếp thu, giải trình về các nội dung liên quan, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, người nghỉ hưu trước tuổi được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định Nghị định 108 mức cao nhất là 240 triệu đồng. Ông Tuấn cũng cho rằng, mức hỗ trợ của tỉnh sẽ tuân thủ nguyên tắc là không vượt cao hơn so với mức hỗ trợ của Nghị định 108. Cơ chế hỗ trợ phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng, khung định mức phù hợp nhằm giải quyết nguyện vọng nghỉ thôi việc của cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Ông Tuấn cũng thống nhất theo đề nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh là nên hỗ trợ 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội nhưng khống chế mức tối đa hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/người.

Trao đổi làm rõ thêm về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu Sở Nội vụ nghiên cứu kỹ, làm rõ về các điều kiện thụ hưởng theo quy định tại Nghị định 108 so với cơ chế hỗ trợ mà tỉnh xây dựng đã phù hợp, thỏa mãn chưa. Đặc biệt hết sức lưu ý, tính toán kỹ, có nguyên tắc rõ ràng đối với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra như hơn 1.300 giáo viên đang hợp đồng, hay những người đang làm việc hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế hiện nay ở các đơn vị, địa phương có được hưởng cơ chế hỗ trợ không; nếu không thì đơn vị nào phải chịu trách nhiệm giải quyết?

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, cơ chế hỗ trợ của tỉnh phải nhằm động viên, khuyến khích cán bộ không đủ điều kiện nghỉ hưu theo Nghị định 108; động viên, ghi nhận các trường hợp tự nguyện nghỉ thôi việc do nhu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy. Mức hỗ trợ phải đảm bảo hài hòa, không để xảy ra độ vênh lớn giữa các đối tượng thụ hưởng; có đánh giá tác động đến các đối tượng khi cơ chế đưa ra. HĐND tỉnh sẽ chọn thời gian hợp lý để tổ chức họp bàn, thống nhất ban hành nghị quyết chứ không chờ đến kỳ họp cuối năm.

NGUYÊN ĐOAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy: Cần thiết nhưng cũng cần thận trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO