Chính sách hỗ trợ chi phí bảo dưỡng tàu vỏ thép: Ngư dân vẫn chưa thụ hưởng

VIỆT QUANG 02/05/2018 09:13

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có ngư dân nào được tiếp cận chính sách hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép dù cơ chế có hiệu lực từ năm 2014.

Tàu vỏ thép cần được duy tu, bảo dưỡng định kỳ.Ảnh: VIỆT QUANG
Tàu vỏ thép cần được duy tu, bảo dưỡng định kỳ.Ảnh: VIỆT QUANG

Ngư dân lo lắng

Ngày 17.11.2015, tàu cá vỏ thép đầu tiên của tỉnh mang số hiệu QNa-95997 được Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn hạ thủy, bàn giao cho chủ tàu là ngư dân Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình). Cứ sau mỗi năm sản xuất trên biển, ông Thu lại duy tu, sửa chữa tàu định kỳ. “Mỗi lần duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép, tôi tự huy động vốn, tốn kém gần 100 triệu đồng. Theo chính sách, tôi được hỗ trợ 100% chi phí nhưng đến nay, dù đã năm lần bảy lượt gửi hồ sơ đến ngành chức năng nhưng vẫn chưa một lần được tiếp cận cơ chế. Quy định đã có nhưng ngư dân không thụ hưởng được là thiệt thòi” - ông Thu nói. Tàu vỏ thép của ông Thu làm nghề lưới rê hỗn hợp, từ năm 2015 đến nay do khai thác không hiệu quả nên ông không thể trả đúng hạn khoản nợ cho BIDV chi nhánh Quảng Nam - ngân hàng đã cho vay 13,5 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. “Thất bại với nghề lưới rê hỗn hợp, tôi đã chuyển sang nghề lờ lươn cũng thua lỗ. Tôi có ý nguyện vay vốn không lãi suất của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để cải hoán tàu sang nghề chụp mực nhưng không thành nên để tàu nằm bờ. Không có vốn thì làm sao tôi có thể định kỳ duy tu, sửa chữa cho tàu vỏ thép trong thời gian tới. Nếu vậy thì tàu sẽ rất nhanh hư hỏng” - ông Thu cho biết.

Điều kiện hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép

Áp dụng cho các chủ tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa theo chứng nhận của UBND tỉnh; không vi phạm các quy định pháp luật về thủy sản và quy định pháp luật khác có liên quan. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm đơn đề nghị hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ; bản sao chứng thực giấy xác nhận hoạt động khai thác hải sản xa bờ; hợp đồng kinh tế về duy tu, sửa chữa tàu; bản sao chứng thực các giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác hải sản; hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ liên quan đến việc duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép.

Đến thời điểm này, 32 tàu vỏ thép được ngư dân Quảng Nam đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 67 sau thời gian sản xuất từ 1 năm trở lên đã đến hạn duy tu, sửa chữa. Các chủ tàu đều phải tự huy động nguồn vốn khoảng 100 triệu đồng cho mỗi lần bảo dưỡng. Theo ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam), đến nay vẫn chưa có ngư dân nào trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép dù Nghị định 67 quy định nội dung này đã có hiệu lực từ năm 2014 và nay đã được thay thế bằng Nghị định 17 vẫn duy trì nội dung này. “Tàu vỏ thép hoạt động trong môi trường nước biển nên rất dễ bị hoen gỉ, xuống cấp, hư hỏng. Bởi vậy, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép để có thể được hoạt động lâu dài trên các vùng biển xa. Ngư dân rất cần được hỗ trợ, có người đã thực hiện hồ sơ rất nhiều lần nhưng chưa tiếp cận được cơ chế hỗ trợ là bất cập mà chưa biết khi nào có thể tháo gỡ được” - ông Toàn nói.

Chồng chéo quy định

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngay khi Nghị định 67 có hiệu lực, triển khai cơ chế hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 117/2014/TT-BTC ngày 21.8.2014 hướng dẫn các địa phương có nghề cá trên phạm vi toàn quốc thực hiện. Nội dung thông tư ghi rõ: căn cứ hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ của Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ ngư dân duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép theo chi phí thực tế nhưng mức chi không quá 1% so với giá trị của con tàu vỏ thép đó. “Các hồ sơ đề xuất hỗ trợ bảo dưỡng tàu vỏ thép của ngư dân đều không được Sở Tài chính chấp thuận vì có sự chồng chéo trong hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan của trung ương” - ông Ngô Tấn nói. Cụ thể, thông tư của Bộ Tài chính yêu cầu phải có định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép định kỳ của Bộ NN&PTNT nhưng trong Thông tư số 27/2014/TT-BNN&PTNT ngày 25.8.2017 của Bộ NN&PTNT chỉ có quy định chung chung về duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép chứ không có nội dung cụ thể, chi tiết nào liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép. Sự bất nhất về hướng dẫn đã khiến cho ngư dân chịu thiệt.

Trước bất cập về hướng dẫn thực hiện cơ chế từ các cơ quan của trung ương, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT có quy định thống nhất, cụ thể về định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép để ngư dân tiếp cận thì mới đây đã nhận được văn bản trả lời. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) đề nghị Sở NN&PTNT hướng dẫn ngư dân triển khai thực hiện các công việc duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép định kỳ và hoàn tất hồ sơ đề nghị hỗ trợ để được hưởng chính sách theo quy định mà không hề nhắc đến nội dung quan trọng là định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép định kỳ theo yêu cầu của ngành tài chính. Vậy nên, câu hỏi của ngư dân là bao giờ sẽ tiếp cận được cơ chế hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép thì ngành chức năng của tỉnh vẫn không trả lời được.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách hỗ trợ chi phí bảo dưỡng tàu vỏ thép: Ngư dân vẫn chưa thụ hưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO