Chính sách hỗ trợ giáo dục

TƯỜNG VY 07/12/2021 06:51

Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa X (khai mạc vào hôm nay 7.12) sẽ bàn bạc để đưa ra một số chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, miền núi. Đây còn là chính sách nhân văn, giúp phụ huynh, đội ngũ giáo viên giảm bớt khó khăn.

 

Thời gian qua, cùng với sự ra đời của hàng loạt công ty, xí nghiệp, nhà máy, hệ thống giáo dục mầm non (GDMN) dân lập, tư thục tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em là con của công nhân, người lao động.

Để hỗ trợ GDMN phát triển, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22 (19.4.2021) về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh. Chính sách này đã được đón nhận tích cực.

Theo đó, con công nhân làm việc tại KCN khi theo học ở các cơ sở GDMN dân lập, tư thục thì được hưởng chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là 160 nghìn đồng/tháng, giáo viên mầm non là 800 nghìn đồng/tháng, các cơ sở GDMN tại KCN cũng được hỗ trợ 20 - 50 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất (tùy theo số lượng trẻ).

Tuy nhiên, các đối tượng tương tự nhưng ở các CCN lại chưa được hưởng chính sách, tạo ra sự mất công bằng trong phát triển giáo dục. Báo cáo của Sở GD-ĐT cho biết, số trẻ mầm non là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các CCN cả tỉnh đang học tại các cơ sở GDMN là gần 4.000 trẻ, trong đó có gần 3.000 trẻ đang học tại các cơ sở thuộc loại hình dân lập, tư thục. Riêng trẻ đang học tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục đóng trên địa bàn có CCN là 1.800 trẻ.

Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, chỉ khác khái niệm KCN và CCN mà trẻ mầm non và giáo viên tại các cơ sở dân lập, tư thục ở các KCN được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh còn CCN thì không (cả tỉnh hiện có 11 KCN và 58 CCN). Do đó, một chính sách hỗ trợ phát triển GDMN tại các CCN cũng như KCN là rất cần thiết, tạo ra sự công bằng và phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương.

“Chính sách này ra đời sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp, nâng cao chất lượng chăm sóc dinh dưỡng và giáo dục trẻ, bảo đảm sự công bằng trong thụ hưởng cho mọi trẻ em; đồng thời giảm gánh nặng tài chính đối với phụ huynh là công nhân, người lao động” - ông Thành nói.

Với ý nghĩa đó và cũng nhằm khắc phục những bất cập, HĐND tỉnh kỳ họp lần này sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 22; trong đó điều quan trọng nhất là bổ sung CCN vào nghị quyết.

Chị Võ Thị Liễu công nhân ở một công ty tại CCN Trường Xuân (Tam Kỳ) chia sẻ, nếu có chính sách hỗ trợ này sẽ rất quý, giúp những gia đình công nhân thu nhập thấp như chị có điều kiện cho con đến trường. Theo đề án của UBND tỉnh, kinh phí thực hiện mỗi năm 17,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 2,5 tỷ đồng.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ cho GDMN, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh còn xem xét chính sách hỗ trợ đối với nhân viên phục vụ nấu ăn cho học sinh tại các trường phổ thông công lập ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 (18.7.2016) của Chính phủ (bằng mức lương tối thiểu vùng 3.070.000 đồng/tháng); bổ sung chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội để họ an tâm gắn bó lâu dài.

Hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn cũng chính là giúp học sinh được phục vụ nấu ăn tập trung khi không thể đến trường và về nhà trong ngày, góp phần nâng cao chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách hỗ trợ giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO