Chính sách hỗ trợ nào cho người nghỉ hưu, thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính?

ĐÔNG ANH 21/11/2023 20:21

(QNO) - Chiều nay 21/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách thuộc diện dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐÔNG ANH 

Không nên hỗ trợ “cào bằng”

Theo Phương án tổng thể số 7258 ngày 25/10/2023 của UBND tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Nam tiến hành sắp xếp 10 ĐVHC cấp xã và 2 ĐVHC cấp huyện.

Nhằm giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp ĐVHC, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ soạn thảo các dự thảo nghị quyết, quyết định về chính sách hỗ trợ trình HĐND và UBND tỉnh ban hành.

 
 Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu khai mạc. Ảnh: ĐÔNG ANH

Theo dự thảo nghị quyết, chính sách hỗ trợ quy định cho 2 trường hợp “nghỉ hưu trước tuổi” và “thôi việc ngay”. Ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo Nghị định số 29 của Chính phủ về tinh giản biên chế, tỉnh sẽ hỗ trợ một lần với từng mức kinh phí theo chức danh, vị trí công tác.

Tại hội nghị, các ý kiến hoanh nghênh, đánh giá cao chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng do sắp xếp ĐVHC của tỉnh. Tuy nhiên, do chính sách tác động đến quyền và lợi ích của nhiều người, nhiều nhóm người, nên các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, tính toán phương án hỗ trợ hợp lý để đưa vào dự thảo nghị quyết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 
 Ông Phạm Phú Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn phát biểu góp ý. Ảnh: ĐÔNG ANH

Ông Phạm Phú Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn cho rằng, chính sách hỗ trợ theo dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh là điều tích tích cực giúp thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC.

Ông Thủy góp ý: "Từ ngày 1/7/2024 áp dụng chính sách cải cách tiền lương, với xu thế này, việc vận động người nghỉ hưu trước hoặc thôi việc sẽ có khó khăn. Do đó, trong khả năng ngân sách cho phép thì nên nâng mức hỗ trợ để giải quyết công tác cán bộ dôi dư".

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo nghị quyết gom các nhóm trường hợp với cùng một mức hỗ trợ là không hợp lý. Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình nói, việc quy định như vậy là mang tính cào bằng, mức hỗ trợ với Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND - UBND cấp huyện bằng nhóm trưởng, phó phòng là chưa phù hợp.

[Video] - Ông Trần Ngọc Chấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) phát biểu:

Chưa kể là mức hỗ trợ với người làm việc lâu năm, ít năm. Ông Trần Ngọc Chấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hiệp Hòa cho biết: “Ở địa phương tôi, có trường hợp người hoạt động không chuyên trách làm việc hơn 20 năm và cũng có một cán bộ thu ý mới vào làm việc mấy tháng. Nếu cả 2 trường hợp này đều nhận mức hỗ trợ bằng nhau thì làm sao hợp lý. Tôi đề nghị, dự thảo nghị quyết nên quy định mức hỗ trợ 50, 80, 100 triệu đồng tùy theo thâm niên công tác của từng người”.

Tâm tư người hoạt động không chuyên trách

Tại hội nghị, nhiều ý kiến quan tâm liệu chính sách hỗ trợ nên quy định đến năm 2025 hay 2030 và thời gian cụ thể chính sách có hiệu lực; hay góp ý về kinh phí, phạm vi, đối tượng áp dụng… Đặc biệt, nhiều ý kiến của cán bộ cơ sở đã bày tỏ những tâm tư trước ảnh hưởng của việc sắp xếp ĐVHC và mức hỗ trợ.

 
 Bà Lê Thị Ngọc Hiệp, người hoạt động không chuyên trách ở xã Hiệp Thuận phát biểu. Ảnh: ĐÔNG ANH

Bà Lê Thị Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) cùng với chồng là người hoạt động không chuyên trách. Thời gian qua, vợ chồng bà rất lo lắng cho tương lai vì xã Hiệp Thuận và Hiệp Hòa phải sáp nhập theo chủ trương sắp xếp ĐVHC. 

Bà Hiệp băn khoăn: “Đối với người hoạt động không chuyên trách ở các địa phương sắp xếp ĐVHC cấp xã, dựa vào những tiêu chuẩn nào để làm thước đo, quy chuẩn để xem xét cho nghỉ hay tiếp tục làm việc? Tôi mong cấp trên có bảng tiêu chí cụ thể, rõ ràng để trên cơ sở đó xét, chọn cán bộ công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực xảy ra”

Bà Hiệp tiếp tục đặt câu hỏi: “Lực lượng người hoạt động không chuyên trách đủ điều kiện công tác, cống hiến nhiều năm thuộc dạng dôi dư do sắp sắp ĐVHC có được luân chuyển, tạo cơ hội việc làm ở các xã khác thiếu cán bộ hoặc sắp xếp vào đội ngũ đặc thù để tạo điều kiện tiếp tục làm việc, đóng bảo hiểm xã hội?”.

 
 Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện. Ảnh: ĐÔNG ANH

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc thì chỉ có thể về làm nông, không thể học nghề và tìm việc làm mới vì hầu hết đã lớn tuổi. Việc sắp xếp ĐVHC sẽ tác động lớn đến nhóm người hoạt động không chuyên trách cấp xã, do đó tỉnh cần có chính sách nâng mức hỗ trợ phù hợp để động viên, chia sẻ khó khăn.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng tiếp nhận nhiều ý kiến thiết thực khác đến từ đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh, các hội đồng tư vấn; đặc biệt là những góp ý của đại điện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tài chính.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ thay mặt cơ quan soạn thảo cảm ơn các ý kiến tâm huyết đã góp ý, phản biện, làm rõ nhiều vấn đề thuộc dự thảo nghị quyết. Sở Nội vụ sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo để báo cáo, trình UBND tỉnh. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách hỗ trợ nào cho người nghỉ hưu, thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO