Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và hải đảo: Băn khoăn vì cơ chế

VĨNH LỘC 25/01/2015 08:23

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và hải đảo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng vẫn còn nhiều băn khoăn đối với doanh nghiệp và người dân.

Nhiều điểm du lịch miền núi sẽ được hưởng lợi từ Quyết định 24 của UBND tỉnh.
Nhiều điểm du lịch miền núi sẽ được hưởng lợi từ Quyết định 24 của UBND tỉnh.

Mức hỗ trợ thấp

Theo quy định ban hành, đối tượng được áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng, kinh doanh phát triển du lịch trên địa bàn các huyện miền núi và xã đảo. Bên cạnh những hỗ trợ về đất, giải phóng mặt bằng, tư vấn, đào tạo lao động, quảng bá xúc tiến, miễn giảm thuế… thì nhà đầu tư còn được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về vay vốn, kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng, dịch vụ như được ngân sách hỗ trợ một lần (theo cơ chế là tỉnh hỗ trợ 50% đối với các huyện, thành phố tự cân đối ngân sách, 50% còn lại ngân sách huyện đảm bảo; những huyện, thành phố ngoài dạng này sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí). Đối với hỗ trợ lãi suất vay để đầu tư xây dựng phòng lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm trang thiết bị dụng cụ phục vụ, ngân sách sẽ hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng với lãi suất tối đa không quá 0,7%/năm, mức vay không quá 200 triệu đồng/nhà đầu tư và 1 tỷ đồng/điểm du lịch. Riêng với hỗ trợ kinh phí để nhà đầu tư xây dựng phòng lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mức hỗ trợ tối đa là 30% giá trị đầu tư xây dựng mới nhưng không quá 50 triệu đồng/nhà đầu tư; đối với đầu tư sửa chữa mức hỗ trợ tối đa là 15% giá trị nhưng không quá 25 triệu động và tổng mức hỗ trợ cho một điểm du lịch không quá 300 triệu đồng. Đặc biệt, nhà đầu tư hoạt động thành nhóm du lịch phải có ít nhất 5 chủ đầu tư được chính quyền địa phương đồng ý và thành lập Ban quản lý điểm du lịch.   

Mới đây, một cuộc họp bàn tham khảo ý kiến doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh đã được Sở VH-TT&DL tổ chức. Đa số ý kiến người dự họp cho rằng dù đề án là bước đột phá trong việc tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy du lịch miền núi, hải đảo phát triển, tuy nhiên với những quy định và mức hỗ trợ kinh phí như trên là quá thấp sẽ rất khó kích thích sự tham gia của doanh nghiệp. Ông Trần Hưng - Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hội bày tỏ, việc quy định một nhóm du lịch 5 nhà đầu tư nhưng chỉ được hưởng lãi vay 50% của 200 triệu đồng còn một điểm du lịch (ví dụ như Cù Lao Chàm) cũng chỉ được hưởng mức lãi vay 1 tỷ đồng là quá ít, chưa nói thủ tục tiêu chí để được hưởng chính sách trên cũng không hề đơn giản, nên cần phải nghiên cứu lại.

Người dân hưởng lợi

Theo ông Lê Ngọc Tường – Chánh Văn phòng Sở VH-TT&DL, ban đầu khi lập chính sách địa bàn hướng đến chủ yếu là người dân miền núi. Ngoài ra, mục tiêu của quyết định không phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn hoặc những vùng hải đảo như Cù Lao Chàm vì mức độ đồng đều giữa hải đảo và miền núi hiện còn chênh lệch, chưa nói Hội An khả năng sẽ chỉ được hỗ trợ một phần vì theo quy định thành phố nằm trong diện tự đảm bảo về cân đối ngân sách. Riêng quy định 5 nhà đầu tư mới được hỗ trợ là phù hợp với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng nhằm hạn chế những rủi ro về kinh doanh. Ông Tường cũng cho rằng, có thể đối với vài doanh nghiệp số tiền trên không lớn nhưng đặt trong điều kiện miền núi thì rất có giá trị. Hơn nữa, mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ sau đầu tư và cũng chỉ kích thích một phần do điều kiện ngân sách nhà nước hạn chế. Vì vậy, mỗi huyện chỉ cần chọn một điểm triển khai, khi thành công sẽ tiếp tục nhân rộng, cùng với đó nên chọn những doanh nghiệp có tâm huyết để gắn bó với địa phương và quan trọng là phải có khách đến.

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, quyết định ra đời nhằm giúp người dân miền núi, hải đảo có thu nhập, nâng cao mức sống hướng đến xóa đói giảm nghèo, trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện tốt để người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ không gian tự nhiên. “Tuy nhiên, việc ban hành một chính sách mới chắc chắn sẽ có những vướng mắc, chúng tôi sẽ cùng với các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh đề xuất UBND tỉnh sửa đổi bổ sung cho phù hợp trước khi có văn bản hướng dẫn thi hành. Đối tượng hướng đến của quyết định phải là người dân còn doanh nghiệp chỉ đóng vai trò kết nối và sẽ được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thuế, thuê đất… Khi người dân có sản phẩm thì tự khắc doanh nghiệp cũng có lợi vì sẽ bán tour đưa khách tới. Sau khi bổ sung hoàn thiện quyết định sẽ chính thức được triển khai vào tháng 7.2015” - ông Cường cho biết.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và hải đảo: Băn khoăn vì cơ chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO