Bằng rất nhiều chương trình đầu tư, hỗ trợ ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), diện mạo nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đây là một trong những nội dung đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh tại hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện cơ chế, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, diễn ra vào sáng qua 5.12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, những năm qua, bên cạnh các chương trình dự án đầu tư của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS, tạo cơ hội để các địa phương miền núi phát triển toàn diện. Giai đoạn 2016 - 2019, Trung ương đã ban hành 36 chương trình, chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho vùng DTTS và miền núi (trong đó, có 2 chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn nông mới và giảm nghèo bền vững), với tổng nguồn kinh phí đầu tư khoảng 4.765 tỷ đồng. Từ các nguồn kinh phí này, tỉnh phân bổ cho các địa phương triển khai thực hiện xây dựng hàng nghìn công trình hạ tầng cơ sở, đầu tư các mô hình phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe… cho đồng bào miền núi.
Như chính sách GD-ĐT, thời gian qua, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 1.010 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị; sửa chữa, cải tạo và nâng cấp, mở rộng nhiều hạng mục thiết yếu cho toàn hệ thống trường học, từ nội trú, bán trú cho đến công lập tại vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng trường học, phục vụ cho việc học tập, ăn ở cho con em đồng bào miền núi, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học đạt 99,8%. “Ngoài ra, chính sách về giao đất giao rừng và bảo vệ phát triển rừng cũng được các cấp ngành quan tâm triển khai thực hiện, tác động tích cực đến đời sống và sản xuất của đồng bào DTTS, góp phần quan trọng trong quản lý, bảo vệ vệ tài nguyên rừng gắn với công tác giảm nghèo” - bà Thủy nói.
Ngoài chính sách của Trung ương, những năm qua, Quảng Nam cũng dành phần lớn nguồn lực kinh tế (gần 5.390 tỷ đồng) để đầu tư phát triển miền núi, với tầm nhìn chiến lược mang tính kết nối đồng bộ. Trong đó, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy được xem như “điểm nhấn” xác định chủ trương đột phá, tạo động lực để miền núi phát triển toàn diện, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững trong cộng đồng dân cư. Thông qua các nhóm dự án về sắp xếp, bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo vệ, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng; phát triển chăn nuôi, hỗ trợ sản xuất; phát triển kết cấu hạ tầng… đã góp phần giải quyết cơ bản về nhu cầu bức thiết trong đời sống, sản xuất của đồng bào miền núi, làm thay đổi diện mạo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng khó khăn.
Thay đổi diện mạo
Ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, từ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho vùng DTTS đã giúp thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là về hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất. Trong đó, rõ nét nhất là các dự án đầu tư bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với quy hoạch nông thôn mới đã được triển khai tại hầu hết địa phương miền núi. Như ở Tây Giang, lồng ghép từ chính sách Nghị quyết 12 và Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh, đã triển khai thực hiện bố trí chỗ ở cho 809 hộ dân thuộc 9 xã trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng. “Các chính sách này được xem là điều kiện tiên quyết để chúng tôi hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, từng bước ổn định chỗ ở cho người dân, hướng đến giảm nghèo bền vững” - ông Mia nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, mặc dù chính sách dân tộc đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhưng xét về tổng thể chất lượng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế, bên cạnh thay đổi tư duy từ cách xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thúc đẩy phát triển miền núi, ông Thanh đề nghị cần có chiến lược cụ thể và đồng bộ trong việc khai thác các mô hình kinh tế hiệu quả gắn với sự đồng hành của doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi liên kết phát triển sản xuất hàng hóa mang giá trị cao. Đây cũng đồng thời giúp các địa phương giải quyết được nhu cầu việc làm đối với lực lượng tại chỗ, mở ra cơ hội để đồng bào miền núi ổn định cuộc sống, hướng đến mục tiêu thoát nghèo nhanh và bền vững.
“Trong điều kiện hiện nay, phải lấy kinh tế làm trọng tâm để phát triển toàn diện cho miền núi, từ đó giải quyết được bài toàn về giảm nghèo bền vững và các vấn đề về an sinh xã hội, giáo dục, y tế... Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế rừng, chuyển đổi mô hình trồng rừng nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời việc trồng rừng phải gắn với chuỗi khai thác giá trị công nghiệp dược liệu và hình thành vùng nguyên liệu ổn định nhằm phục vụ công nghiệp chế biến dược liệu ra thị trường” - ông Thanh nhấn mạnh.