Chính sách khuyến khích thoát nghèo: Cần xem xét tính bền vững

DIỄM LỆ 11/07/2014 08:31

Ngày thứ hai Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11, khóa VIII, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về các đề án do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua. Đối với việc thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình và nhấn mạnh đến tính khả thi khi thực hiện chính sách này.

Cần chế tài cụ thể

Cơ chế chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015 được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu HĐND tỉnh. Theo trình bày của ông Võ Duy Thông - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, việc thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo nhằm thúc đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo và hạn chế tái nghèo. Tuy nhiên, không vì thành tích giảm nghèo mà áp đặt chỉ tiêu giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo không có cơ sở; cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp, các ngành. Kết quả giảm nghèo chỉ được xác định qua điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo đúng quy trình hướng dẫn của trung ương và của tỉnh. Nhà nước ưu tiên ngân sách để thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững đối với những hộ nghèo và thôn có tỷ lệ nghèo cao có ý chí tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững, trong đó lấy chính sách khuyến khích hộ thoát nghèo bền vững làm chính sách cơ bản, nền tảng để giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn và xã. Đồng thời phát huy vai trò chủ động, tính tự giác, tinh thần tích cực và ý thức thoát nghèo của từng hộ nghèo, thôn có tỷ lệ nghèo cao để đăng ký thoát nghèo hoặc giảm nghèo nhanh, bền vững.

Đại biểu Nguyễn Tiến cho rằng ban đầu nên tập trung thực hiện chính sách đối với hộ có thể thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L
Đại biểu Nguyễn Tiến cho rằng ban đầu nên tập trung thực hiện chính sách đối với hộ có thể thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Đối với các nội dung thưởng khuyến khích thoát nghèo cho hộ thoát nghèo và thôn thoát nghèo theo đăng ký, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về tính bền vững khi thực hiện chính sách. Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Lan (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Có chính sách và các giải pháp khuyến khích nên tạo động lực, tạo điều kiện mạnh mẽ cho hộ nghèo thoát nghèo. Tuyên truyền rộng rãi nội dung này là điều quan trọng để hộ nghèo tiếp cận được chính sách và đăng ký. Tuy nhiên, chế tài thực hiện chính sách như thế nào cần phải tính toán kỹ, nếu không dễ phản tác dụng, lại rơi vào vòng luẩn quẩn, dễ xuất hiện hiện tượng xin thoát nghèo hưởng chính sách rồi lại tái nghèo”. Đại biểu Hồ Văn Ny (huyện Nam Trà My) thì lo lắng: “Đối với miền núi, giảm nghèo gặp rất nhiều khó khăn vì cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Nếu hộ nghèo đăng ký thoát nghèo trong 3 năm, nhận thưởng xong tái nghèo lại thì phải tính sao? Ở miền núi thậm chí có người 9, 10 năm thoát nghèo lại quay lại nghèo là chuyện thường, vì thiên tai hay dịch bệnh là nghèo ngay. Ở miền núi việc thực hiện chính sách e rằng sẽ gặp khó khăn cao hơn đồng bằng”.

Hỗ trợ đúng đối tượng

Đối với đối tượng được hỗ trợ, các đại biểu đã đề nghị cần phân loại đối tượng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đối tượng lười lao động, có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì kiên quyết không bình xét diện nghèo. Đại biểu Nguyễn Tiến (huyện Núi Thành) đề nghị: “Chính sách này là ưu việt và mang tính khuyến khích cao, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, tôi đề xuất nên thử nghiệm trong thời gian ngắn, tập trung vào những đối tượng có thể thoát nghèo bền vững được bằng cách hỗ trợ ngay vào nguyên nhân khiến họ nghèo để tác động trực diện, tác động mạnh. Tôi nghĩ đối với một hộ thoát nghèo bền vững chỉ được thưởng một lần, không có lần thứ hai để tránh chuyện thoát nghèo để được thưởng rồi tái nghèo rồi lại thoát nghèo để hưởng chính sách”. Đại biểu Nguyễn Văn Lúa (TP.Tam Kỳ) góp ý: “Chính sách khuyến khích thoát nghèo cần phải mạnh hơn chính sách hỗ trợ người nghèo thì mới khuyến khích được. Trước hết nên vinh danh người thoát nghèo, các chính sách nên cộng dồn lại thưởng một lần, tạo điều kiện cho họ làm ăn. Quảng Nam nên mạnh dạn đề xuất trung ương điều chỉnh chính sách theo hướng những người có điều kiện thoát nghèo không áp dụng các chính sách nhỏ lẻ nữa, mà chỉ hỗ trợ theo đúng nguyên nhân nghèo cho họ thoát nghèo”.

Về nguồn vốn thực hiện chính sách, phần lớn các ý kiến đều thống nhất đề nghị ghi rõ nguồn vốn thực hiện chính sách cho từng năm và cả giai đoạn, đồng thời phân tách rõ nguồn vốn thực hiện chính sách không nằm trong tổng nguồn kinh phí hàng năm tỉnh cân đối cho các địa phương. Các đại biểu ở các huyện miền núi đề xuất thay vì hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ thoát nghèo theo đăng ký thì nên tăng kinh phí giữ rừng lên 800 nghìn đồng/ha/tháng sẽ hiệu quả hơn, vì giúp người dân vùng cao vừa thoát nghèo bền vững theo hướng lâu dài, vừa giữ được rừng. Đồng thời các huyện miền núi cũng đề nghị nên tăng mức thưởng cho thôn thoát nghèo, bởi mức thưởng công trình 300 triệu đồng thì ở miền núi không thể xây dựng được công trình gì. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, các huyện miền núi và trung du, kinh phí thực hiện chính sách tỉnh sẽ lo 100%, các huyện đồng bằng thì ngân sách tỉnh lo 50% và địa phương lo 50%, các huyện có nguồn thu lớn hơn gồm Tam Kỳ, Núi Thành, Hội An, Phước Sơn, ngân sách tỉnh lo 30%, địa phương lo 70%.

Tạo động lực mạnh hơn trong thoát nghèo bền vững

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, khi tính đến việc thực hiện chính sách, Quảng Nam muốn hỗ trợ thêm cho hộ nghèo thoát nghèo bằng cơ chế riêng của tỉnh, tạo động lực mạnh hơn trong thoát nghèo bền vững. Chính sách khuyến khích hộ nghèo thoát nghèo thực ra là dành cho hộ cận nghèo, khi thoát nghèo qua cận nghèo vẫn được hưởng cơ chế, nhất là y tế và giáo dục, để giúp họ thoát nghèo bền vững và vươn lên. Thực hiện chính sách thì hộ cận nghèo được vay vốn nhờ nguồn ngân sách tỉnh bỏ thêm tiền vào để Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ cận nghèo vay với lãi suất 0%, giúp họ sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề nghiệp, vì thế chính sách nói đến hộ nghèo mà thực ra là giúp người cận nghèo. Khi thực hiện thí điểm chính sách trong 2 năm 2014 - 2015, mỗi năm hỗ trợ 2.500 hộ thoát nghèo bền vững, không bị tái nghèo nhằm giúp công cuộc giảm nghèo thêm tính bền vững.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách khuyến khích thoát nghèo: Cần xem xét tính bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO