(QNO) - Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2014; tăng lương tối thiểu vùng; 6 đối tượng được hỗ trợ hằng tháng; sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1.2014.
Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2014
Với 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Từ ngày 1.1.2014, trẻ em khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong ảnh: Trẻ em khuyết tật ở Mái ấm Hướng Dương (Tam Kỳ). |
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1.1.2014
Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP , mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1.1.2014 như sau: Vùng I: 2.700.000 đồng/tháng; vùng II: 2.400.000 đồng/tháng; vùng III: 2.100.000 đồng/tháng; vùng IV: 1.900.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay từ 250.000-350.000 đồng/tháng.
6 đối tượng được trợ cấp xã hội hằng tháng
Theo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có 6 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng gồm:
1- Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp: Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật...
2- Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp nêu trên mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
3- Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng, trợ cấp hằng tháng khác.
4- Người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (người đơn thân nghèo đang nuôi con).
5- Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp: Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện trên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
6- Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Các đối tượng trên được trợ cấp xã hội hằng tháng với mức thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng từ 1,0 đến 3,0 tùy theo đối tượng. Trong đó, mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 270.000 đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014.
Sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, chính sách này áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: Đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng.
Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên.
Quyết định này không áp dụng đối với sinh viên: Cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai và học đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014.
Hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, có 7 nhóm danh mục máy, thiết bị được hỗ trợ. Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 1.1.2014
Ngừng sản xuất, lưu thông xăng không chì RON 83 từ 1.1.2014
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngừng sản xuất, lưu thông xăng không chì RON 83 từ ngày 1.1.2014.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, ban hành văn bản bãi bỏ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật về xăng không chì RON 83 sản xuất, lưu thông trên thị trường.
Sử dụng tài sản Nhà nước không đúng mục đích sẽ bị phạt nặng
Theo Nghị định 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước, hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị xử phạt nặng.
Theo Nghị định, sẽ phạt tiền từ 1-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi bố trí, sử dụng tài sản Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức. Tổ chức vi phạm sẽ buộc phải nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức.
Bên cạnh đó, sẽ xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi bố trí, sử dụng tài sản Nhà nước là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích. Nếu bố trí, sử dụng tài sản là máy móc, trang thiết bị làm việc, tài sản khác không đúng mục đích sẽ bị xử phạt từ 1-10 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định xử phạt từ 1-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi cho mượn tài sản Nhà nước và hành vi trao đổi tài sản Nhà nước không đúng quy định. Tổ chức có hành vi biếu, tặng cho tài sản Nhà nước không đúng quy định sẽ bị phạt ở mức cao hơn là từ 20-50 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15.1.2014
Áp dụng giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập mới từ 18.1.2014
Theo Thông tư số 20/2013/TT-BTTT quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính phổ cập, đối với dịch vụ thư cơ bản trong nước vận chuyển bằng đường thủy bộ, thư có khối lượng đến 20 gram có giá cước tối đa là 3.000 đồng; thư có khối lượng trên 20-100 gram là 4.500 đồng; trên 100-250 gram là 6.000 đồng. Mỗi 250 gram tiếp theo đến 2.000 gram (2kg) sẽ tính thêm cước là 2.000 đồng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18.1.2014.
NGUYÊN BẢO (Theo Chinhphu.vn)