(QNO) - Kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đại học; hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; 2 trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo, ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12.2013.
Kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đại học
Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 10.12.2013, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Giảng viên đại học được kéo dài thời gian làm việc. Ảnh minh họa |
Giảng viên được kéo dài thời gian làm việc nếu có các điều kiện: Có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.
Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Vi phạm trật tự công cộng phạt đến 5 triệu đồng
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 28.12.2013, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự công cộng có thể bị phạt đ1ến mức cao nhất là 5 triệu đồng. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi cá nhân.
Nghị định quy định, cá nhân có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng hoặc gây mất trật tự nơi công cộng sẽ bị phạt từ 100.000-300.000 đồng.
Hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2013, đối với người tham gia các khoá học nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.
Đối với người tham gia các khoá học nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/người/tháng; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.
Thời gian được hỗ trợ học nghề không quá 6 tháng.
2 trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo
Nghị định quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo áp dụng đối với người học được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước; người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo các Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Nghị định, có 2 trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Đó là: Thứ nhất, người học nêu trên không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp. Trường hợp sau khi tốt nghiệp, nếu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục học tập, thì thời hạn 12 tháng tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp khóa học tiếp theo.
Thứ hai, người học chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định mà tự ý bỏ việc.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10.12.2013.
Ký quỹ xuất khẩu lao động không quá 3.000 USD
Có hiệu lực từ 1.12.2013, Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH quy định mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động mà Doanh nghiệp dịch vụ được thỏa thuận ký quỹ với người lao động.
Cụ thể, mức trần tiền ký quỹ sẽ tùy thuộc vào ngành nghề và thị trường tiếp nhận lao động. Mức trần thấp nhất là 300 USD đối với thị trường lao động Malaysia, Brunei, Thái Lan, Lào. Mức cao nhất là 3.000 USD đối với thực tập sinh đi Nhật Bản và lao động thẻ vàng, visa E-7, thuyền viên trên tàu cá (gần bờ) tại Hàn Quốc.
Người lao động và doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận về việc ký quỹ theo ngành, nghề, nước tiếp nhận lao động với mức tiền ký quỹ không quá mức trần tiền ký quỹ theo quy định.
Quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt
Thông tư 153/2013/TT-BTC quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16.12.2013.
Theo đó, thủ tục thu tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định rõ: Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
BẢO NGUYÊN (Theo chinhphu.vn)