Chính sách nào để phát triển cây quế bản địa?

TRẦN HỮU 24/11/2017 09:52

Dự thảo đề án Cơ chế hỗ trợ và phát triển cây quế bản địa giai đoạn 2017-2020 đang được UBND tỉnh lấy ý kiến rộng rãi từ các địa phương và ngành chức năng để hoàn chỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới.

Cây quế Trà My đem lại hiệu quả kinh tế, là nguồn thu nhập chính của người dân một số xã vùng cao ở Nam Trà My. Ảnh: TR.HỮU
Cây quế Trà My đem lại hiệu quả kinh tế, là nguồn thu nhập chính của người dân một số xã vùng cao ở Nam Trà My. Ảnh: TR.HỮU

Cơ chế vượt trội   

Gần đây nhất, ngày 19.4.2017, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy hoạch phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vùng quy hoạch trồng là các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước. Vì điều kiện kinh tế nơi đây phát triển chậm, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm cao nên nỗ lực bảo tồn cây quế bản địa không hề đơn giản. Hiện cây quế đối mặt với tình trạng khai thác cạn kiệt, bị lai tạp, dễ dẫn đến nguy cơ mất nguồn gen quý. Vì vậy, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì xây dựng dự thảo đề án phát triển cây quế với nhiều chính sách đột phá về cơ chế hỗ trợ bảo tồn kết hợp xây dựng nguồn giống. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí điều tra, xây dựng phương án; công lao động bình tuyển cây trội, tỉa thưa, chăm sóc, bảo vệ trong 2 năm đầu với 8ha rừng quế Trà My chuyển hóa thành rừng giống; năm đầu hỗ trợ tối đa 28 triệu đồng/ha, năm tiếp theo hỗ trợ tối đa 12 triệu đồng/ha; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu theo hướng hộ, cá nhân tham gia trồng quế sẽ được nhận chi phí công lao động với mức 5 triệu đồng/ha...

Góp ý cho dự thảo đề án, ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư đề xuất hỗ trợ nâng cấp nhà máy chế biến tinh dầu quế trên địa bàn huyện Bắc Trà My và hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế tại Khu công nghiệp Thuận Yên (Tam Kỳ) với kinh phí tối đa 2 tỷ đồng/nhà máy. Ngoài ra, kiến nghị hỗ trợ thành lập 4 cơ sở sản xuất mỹ nghệ từ gỗ quế, mức tối đa 500 triệu đồng/cơ sở… Về hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, lãnh đạo huyện Nam Trà My cho rằng, nên bổ sung diện tích đất của người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, chỉ cần UBND xã xác nhận chính chủ, không có tranh chấp thì diện tích đất đó được xem xét là sở hữu hợp pháp và được hưởng cơ chế cấp gạo theo quy định. “Địa phương đề nghị chuyển hỗ trợ nhà máy chế biến tinh dầu quế trên địa bàn xã và hỗ trợ cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ quế giai đoạn 2020-2025 sang giai đoạn 2017-2020. Nếu hộ, cá nhân nào chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng quế cũng được hưởng cơ chế cấp gạo theo quy định của Chính phủ” - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Hồ Quang Bửu đề xuất.

Tránh đầu tư lãng phí

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, giai đoạn 2017-2020, nguồn nguyên liệu tăng lên không đáng kể nên việc đầu tư thêm cơ sở chế biến trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn này không phù hợp bằng việc hỗ trợ nâng cấp nhà máy hiện có. Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, theo quy hoạch phát triển quế Trà My, mật độ quế trồng 1.100 cây/ha vừa đảm bảo chất lượng khi thu hoạch vừa đáp ứng quy trình trồng dưới tán rừng hoặc kết hợp với các loại cây dược liệu, cây nông nghiệp, lâm sản ngoài gỗ khác để tăng hiệu quả sử dụng đất. Điểm mới là dự thảo cơ chế đã đề xuất hỗ trợ giống cây trồng xen để tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ và hỗ trợ cho cây quế phát triển… Đối với vấn đề quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - Nguyễn Quảng đề xuất bổ sung cho địa phương 2 vườn quế giống tại xã Phước Thành và Phước Kim để cung cấp kịp thời cây giống hàng năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, rừng giống hoặc vườn giống quế Trà My chỉ nên xây dựng ở vùng có chỉ dẫn địa lý, do đó việc xây dựng vườn ươm giống quế Trà My tại huyện Phước Sơn là không phù hợp với yêu cầu bảo tồn và chất lượng giống.

Sau khi nghiên cứu dự thảo đề án, ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh bày tỏ băn khoăn về việc hộ dân, cá nhân được hỗ trợ thực hiện sản xuất, nhưng nếu “vì lý do nào đó” sản phẩm làm ra người dân không bán cho các cơ sở chế biến thì cơ sở chế biến có giải pháp gì để thu mua nguyên liệu vận hành nhà máy? Hoặc giả, trong trường hợp cơ sở chế biến không thu mua hoặc thu mua số lượng ít, giá cả bấp bênh, cung lớn hơn cầu, dẫn đến người dân phải bán sản phẩm ra ngoài và bị thương lái ép giá... thì cơ chế xử lý như thế nào. “Dự báo thị trường tiêu thụ, phương thức thu mua, quản lý giống ra sao để đem lại lợi ích cho người dân? Đề án chỉ đề cập chính sách hỗ trợ chứ chưa nêu cụ thể giải pháp cơ chế sau hỗ trợ nên cần bổ sung hoàn thiện để tránh đầu tư hỗ trợ kém hiệu quả, gây lãng phí” - ông Giản nêu ý kiến.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, tại 4 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn và Tiên Phước có hơn 4.566ha quế Trà My và quế có nguồn gốc nơi khác (trong đó quế Trà My chiếm hơn 4.419ha) gồm diện tích trồng tập trung và phân tán. Trước những nội dung còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, dự thảo đề án đang được tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách nào để phát triển cây quế bản địa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO